Sau khi đức Phật giác ngộ, ngài thấy pháp là điều cao thượng nhất, là đối tượng duy nhất đáng để một bậc giác ngộ đảnh lễ, tôn kính. Những tuần lễ sau đó, vị Phật mới ra đời đã dùng thời gian của mình trong thiền định tịch tĩnh, hưởng quả giác ngộ dưới cội Bồ Đề. Sau đó ngài nghĩ đến việc chia sẻ những gì mình mới khám phá với những người bạn đạo khác. Đức Phật đi về thành Baranasi – đến vườn Nai – nơi có những đạo sĩ khổ hạnh là bạn cũ của ngài đang tu tập. Ở đó buổi pháp đàm đầu tiên được gọi là Dhammacakkapavattana – Chuyển Pháp Luân Bài giảng nói về con đường Trung Đạo, Tứ Diệu Đế và Bát Thánh Đạo. Khi năm vị đệ tử đầu tiên hiểu đạo, họ được nói là đã thấy Pháp, ngộ Pháp (Dharma). Con mắt Pháp đã phát sinh (P. dhamma cakkhu udappadi), pháp nhãn đã mở.
Thuật ngữ Pháp (Dharma or Dhamma) đến từ gốc “dhr” có nghĩa là gìn giữ, duy trì. Từ gốc này làm thành nghĩa “cái không thay đổi”. Như vậy Pháp là những ý tưởng và định luật để duy trì xã hội và đạo đức trật tự xã hội. Bên cạnh cái tốt, đức hạnh và chân lý, từ thời thượng cổ người Ấn Độ đã dùng thuật ngữ này để chỉ các phong tục tập quán và bổn phận cần phải thực hành theo trong thế gian, cho đến trật tự xã hội.
Trong đạo Phật, thuật ngữ này được sử dụng với nhiều nghĩa. Ví dụ như trong Kinh Pháp cú Dhammapada, bài số 5, Pháp có nghĩa là CHÂN LÝ. “Thù hận không thể được dập tắt bởi hận thù. Chỉ bởi không thù hận, hận thù được chấm dứt – đây chính là chân lý trường cửu” (P. dhamma sanantano).” Trong cách này, đạo Phật dùng chữ Dharma có nghĩa cổ xưa có từ thời trước khi Phật ra đời. Phật giáo cũng làm cho ý nghĩa của thuật ngữ này mở rộng thêm. Trước Phật, người ta dùng chữ này để chỉ cái Tốt & Chân Lý (Dharma = Good and the Truth). Những cái xấu và không tốt thì được gọi là Phi Pháp (adharma), hàm nghĩa là nó không được xem là pháp (Dharma). Tuy nhiên, đạo Phật lại phân loại pháp, ngay cả phiền não cũng là pháp (klesa-dharma) và ác độc cũng là pháp bất thiện (pāpaka-akusaladharmā). Như vậy trong cách phân loại này, bất cứ cái gì tồn tại (bhāva) đều được gọi là pháp (dharmas). Để phân biệt hai nghĩa chính của chữ Pháp (Dharma) viết hoa là chỉ cho Chân Lý, Sự Thật, Luật Pháp; còn chữ dharma viết thường để chỉ cho vạn pháp do duyên khởi, tức những cái xuất hiện do nhân duyên, các hiện tượng.
Theo nhà chú giải nổi tiếng Phật Âm (Buddhaghosa) trong cuốn (Sumangalaviliisinz, vol. 1, p. 99), thì thuật ngữ pháp có bốn ý nghĩa:
- Dharma là Chân Lý, là sự thật
- desanā – Giáo Pháp,
- Pariyatti – Kinh Điển (scripture),
- Nissatta – thứ, cái ,vật (thing).
Trong (Atthasāli, chương. 2,1. 9; hay trong The Expositor, vol. 1, p. 49), ngài Phật Âm lại bỏ từ desana và thêm từ hetu – nguyên nhân.
Với nghĩa thứ nhất Pháp bảo được đặt trong ngữ cảnh của Tam Bảo (Buddha, Dharma, & Sangha) thì Pháp Bảo có nghĩa là những lời dạy của đức Phật. Đồng thời Pháp cũng là Chân Lý và con đường dẫn đến Niết bàn. Với nghĩa thứ hai, pháp là những cách dạy khác nhau cảu đức Phật, được chia ra thành chín nhóm. (navānga-desana), được hiểu là Giáo Pháp. Chín nhóm Giáo Pháp là hệ thống phân chia những lời dạy của đức Phật theo thể loại. …
Nghĩa thứ ba của pháp được hiểu là Nhân (hetu), hay gốc rễ của thiện pháp hay ác pháp. Thiện pháp đem lại điều tốt & thiện duyên; ác pháp đem đến điều xấu và nghịch duyên. Khi Pháp là điều không thiện cũng không ác (avyākrta dharma), nó không chỉ đến khía cạnh đạo đức hay giá trị có thể đem đến điều tốt hay điều xấu. Cũng theo cách như vậy, cái gì không có thực thể có thể gọi là ‘pháp thực nghiệm’ (prajiiapti-dharma), nhưng nó không phải là pháp theo kiểu làm nhân cho những sự xuất hiện khác. Ý nghĩa thứ tư chỉ đến ‘đặc tính’ (gurza) hay bản chất của các sự vật, hiện tượng. Tính vô ngã của vạn pháp – là triết lý chỉ có trong Phật giáo, không tìm thấy trong các trường phái triết học khác của Vệ Đà và các chủ thuyết ở Ấn Độ cổ đại.
Khi một hành giả thấy pháp là thấy các hiện tượng đang xuất hiện và đang tồn tại/hiện diện. Ví dụ như thấy sự vô thường, biến đổi của các tập hợp sắc (thân thể), thọ (cảm giác) tưởng (tri giác) hành (ý chí, tư tưởng), thức (tâm thức). Và thấy tất cả các hiện tượng đó đều vô sở hữu, vô ngã (sarve dharmā anatman), sinh và diệt theo quy luật duyên sinh. Các tươnng tác giữa các giác quan và đối tượng của mỗi giác quan cũng là những hiện tượng (pháp) vô ngã theo vòng nhân duyên.
EARLY BUDDHIST DOCTRINE
(A History of Indian Buddhism by Harika …. University of Hawaii Press 1998)