“TU LÀ CỖI PHÚC TÌNH LÀ DÂY OAN” (Nguyễn Du)

Trong những bài pháp ngắn gọn, súc tích nhất để hướng dẫn tu hành khi chưa có giới bổn Patimokkha, Chư Phật đã chỉ ra con đường sống đạo, tóm tắt trong ba câu ngắn gọn nhất được gọi là Ovada Katha, bài đầu tiên là:

“Dừng làm tất cả các việc ác,
Thành tựu những việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Đó là giáo pháp chư Phật dạy.”

“Sabba pāpassa akaranam,
Kusalassa upasampadā,
Sacitta pariyō dapanam,
Etan Buddhānasāsanam” 
(Dhammapada verse 183)

Tất cả các việc ác ở đây có nghĩa là các nghiệp bất thiện (akusala-kamma), biết là việc bất thiện thì đừng làm (akaranam). Vậy những gì thì được gọi là ác, là nghiệp bất thiện mà chư Phật khuyên chúng ta không nên làm? Đó là: (1) sát sinh hại người hại vật, (2) là trộm cắp hay lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, (3) tà dâm, hoang đàng tìm kiếm dục lạc một cách sai trái & gây tổn thương đau khổ trong cuộc sống gia đình; (4) nói lời dối trá gây hoang mang mất mát, (5) nói lời đâm thọc chia rẽ, (6) nói lời ác khẩu gây tổn thương tâm hồn, (7) nói lời nhảm nhí vô ích; (8) tiêu thụ những chất gây si mê, mất kiểm soát hành vi. Thêm nữa (9) ăn uống phi thời – vô độ và bừa bãi; (10) Chấp vào tà kiến, suy nghĩ tà vạy theo tham – sân- si và cổ xúy cho những hành vi tà vạy bạo lực. Có thể kể ra nhiều hơn nữa, nhưng tự trung là thuộc về 10 nghiệp bất thiện mà xã hội nào cũng lên án, bị người có trí chỉ trích, khiến người phạm vào bị chê cười và trừng phạt. Trách làm điều ác là thực hành Varitta Sīla – những giới tránh.

Những việc thiện cần được thành tựu (Kusalassa upasampadā), nên làm, cần dấn thân phục vụ với bầu nhiệt huyết và học tập để trở nên thiện xảo hơn. Đó là cāritta Sīla, khía cạnh tích cực của hành động nên làm, hành động để đức lại cho mình và cho gia đình, xây dựng đóng góp & cống hiến cho xã hội. (1) bỏ trượng, bỏ kiếm, sống với lòng từ bi, thương tưởng đến lợi ích của chúng sinh. (2) bố thí, từ thiện, cúng dường, sống với bàn tay rộng mở và trái tim bao dung, biết chia sẻ, biết giúp đỡ khi được yêu cầu hay khi thấy sự khốn khó của người khác. (3) sống tri túc biết đủ, bằng lòng với những cái mình đang có; yêu thương và trân trọng đời sống gia đình. (4) nói lên sự thật với tâm xây dựng và góp ý đúng lúc đúng thời; (5) nói lời đem lại sự đoàn kết và hòa hợp vì lợi ích chung; (6) nói lời hiền lành, ngọt ngào dễ nghe, lời đem đến sự tự tin và sức mạnh; (7) nói lời đem đến lợi ích cho mình cho người và cho cả hai bên. (8) Học tập và thực hành những phương pháp thiền & thể dục để có sức khỏe thể chất và tâm hồn trong sáng, đầu óc lành mạnh. (9) Phục vụ, làm lợi ích cho gia đình, cộng đồng và đóng góp cho xã hội theo khả năng của mình. Và (10) Mở rộng tâm trí bằng việc đọc và nghe nhiều hơn, những khi có thể thì chia sẻ kiến thức và tài năng của mình vì lợi ích của cộng đồng và thế giới nói chung. Đây là mười thiện nghiệp mà những người con Phật nên thực hành theo để có phước đức cho đời này và cho đời mai hậu.

Tạo phước, làm phước nhưng cũng đừng tham chấp vào phước, đừng lăng xăng bận rộn quá, cứ suốt ngày “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà quên đi lợi ích chính đáng cho mình, đó là tu tập tâm. Câu thứ ba chư Phật ba đời dạy chúng ta rất quan trọng “Sacitta pariyō dapanam”- hãy tự làm sạch tâm ýgột rửa những cặn bã đã được tích lũy lâu đời lâu kiếp trong tâm thức mình. Tâm thức chúng sinh như một túi hồ lô chứa đủ các chủng tử (hạt giống) thiện – ác và bất minh thiện ác. Cái túi hồ lô này được chúng ta mang vác, ôm ấp từ kiếp này đến kiếp khác không chịu buông xuống vì cho là ‘của tôi’, ‘thuộc về tôi’, ‘là bản ngã của tôi’. Những tư tưởng xấu ác, tai hại, tham đắm si mê đương nhiên là cần được loại bỏ để tâm hồn sạch sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng cả những lo lắng băn khoăn vô bổ, những nghi ngờ và sợ hãi đã thành tập khí thói quen cũng cần được gạn lọc và làm cho lắng dịu thì đời sống mới nhẹ nhàng thanh thản được.

Hai phương pháp thiền để làm lắng dịu an tĩnh tâm và phát sinh tuệ giác là Samatha & Vipassana.[ii] Cả hai cần được thực hành để tâm ý được thanh tịnh cho đời sống thanh lương trọn vẹn hơn. Trong một pháp thoại, đức Phật dạy:

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về vô vi và về con đường đưa đến vô vi. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vô vi? Này các Tỷ-kheo, sự đoạn tận tham, sự đoạn tận sân, sự đoạn tận si. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô vi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến vô vi, chỉ và quán, này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến vô vi.” (S.iv,360)

Khi biết tu tập và cân bằng giữa các mục đích trong đời sống theo lời dạy của chư Phật, chúng ta sống an vui hạnh phúc ngay trong đời này, và tạo nền tảng lương thiện cho đời sau nếu chưa giải thoát. Khi tu tập hoàn mãn, người tu Phật được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi và mọi khổ đau bất mãn trong đời sống.

Ayya Dhammananda bhikkhuni

Viết tại Tu viện Dhammadharina Hạ 2019

Active hours

7 -11 am và 14-21 pm giờ Việt Nam

Contact Us

Tỳ kheo ni Pháp Hỷ
Tịnh thất Metta Garden, Hòa Lạc

Thôn Lập Thành, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam

Dhammaduta © 2024. All Rights Reserved.