Giới thiệu
Khóa thiền 3 ngày tịnh khẩu về chủ đề Nhận diện và Quản lý cảm xúc. Trong khóa thiền, thiền sinh được hướng dẫn sống tỉnh thức, nhận diện các hiện tượng tâm sinh lý diễn ra trên thân thể, các cảm xúc, tư tưởng, và mong cầu, chấp thủ, vv. Học cách đối diện, thay thế, và tạo điều kiện cho các thiện pháp phát sinh.
Sau khóa thiền các thiền sinh được trang bị kiến thức và phương pháp để nhận diện được cảm xúc trong tâm và bước đầu biết cách thực hành quản lý cảm xúc của mình nhằm đạt được lợi ích là sự bình an nội tâm cho mình cũng như những người xung quanh. Khóa thiền được hướng dẫn bởi Giáo thọ sư Ni Sư Pháp Hỷ, người có nhiều năm kinh nghiệm thực hành thiền Tứ niệm xứ và đã hướng dẫn thiền tại nhiều quốc gia trên thế giới từ năm 2007.
- Thời gian tổ chức: Thứ 6, 7 & CN nhằm ngày 6,7&8/10/2023.
- Địa điểm: Tổ đình Vĩnh Nghiêm – Chùa Long Hưng, Đông Anh, Hà Nội.
- Số lượng thiền sinh: Mỗi khóa không quá 200 thiền sinh.
- Yêu cầu đối với thiền sinh: Khóa thiền tịnh khẩu (giữ im lặng), sau khi khóa thiền kết thúc thiền sinh tiếp tục tự thực hành và mỗi tuần sẽ có trình pháp/hỏi đáp online với Ni Sư Pháp Hỷ vào 20h tối thứ 6 hàng tuần.
- Ngoài ra, tối thứ 4 hàng tuần từ 20h đến 21h, Ni sư Pháp Hỷ vẫn dạy lớp học Kinh Trung bộ cho tất cả mọi người muốn nghe và thực hành theo lời Phật dạy.
Nội dung khóa thiền
<aside> 🧘🏿♂️ Nhịp sống hiện đại hối hả bận rộn cùng với nhiều trách nhiệm, nhu cầu đã cuốn chúng ta vào vòng xoáy lo toan và công việc. Nhiều người trong lúc rảnh rỗi đã lựa chọn sử dụng smartphone hay các thiết bị điện tử để chơi trò chơi, đọc tin tức nhằm giải tỏa stress, tạm quên đi căng thẳng. Sự lệ thuộc vào công cụ giải trí dần dà sẽ khiến con người ta mù mị đầu óc và lại dẫn tới sự mệt mỏi, căng thẳng hơn.
<aside> 🧘🏿♂️ Có bao giờ mỗi chúng ta dành chút thời gian để dừng lại nhìn ngắm cảm xúc bên trong hay là cảm nhận cảm xúc thực của những người bên cạnh? Những nội dung video kịch tính trên TikTok, Facebook hay những dòng Twitter mang đến cho người ta các cảm xúc ngắn, rời rạc, trôi nổi đồng thời làm tê liệt và nhấn chìm cảm xúc thực bên trong mỗi con người. Cứ như vậy những cảm xúc buồn bực, chán nản, lo âu, mệt mỏi, phấn khích, mong cầu, sợ hãi, mơ ước … bị đè nén chôn chặt trong vô thức. Những phiền não này sẽ được giữ chặt trong tiềm thức cho tới khi chúng được tích tụ đủ mạnh để bùng lên.
<aside> 🧘🏿♂️ Những người sống hời hợt, cố tình bận rộn và thiếu chánh niệm sẽ đánh mất quyền sở hữu và quản lý chính thân và tâm của họ. Họ cho phép các phiền não như bất an, chán ghét, kích động, tham lam, lười biếng, ham muốn vô độ hay ác tâm, đố kỵ, tỵ hiềm, vv chiếm ngự tâm thức họ. Họ đánh mất chính mình trong dòng thác hỗn độn của những cảm xúc, toan tính, buồn giận có nguyên nhân hay vu vơ không mục đích. Chính vì những thực trạng như vậy mà bậc Giác Ngộ nói: Appamādō amata padam- tinh cần đường bất tử; pamādō maccunō padam = xao lãng là đường chết…
<aside> 🧘🏿♂️ Để chữa căn bệnh xao lãng này, Quán Thọ và Quán Tâm trong thiền Chánh Niệm (hay là thiền Tứ Niệm Xứ) là các pháp cực kỳ quan trọng giúp chúng ta nhận diện và quản lý cảm xúc cũng như giúp mỗi người làm chủ thân tâm mình.
<aside> 🧘🏿♂️ Trong khóa tu 3 ngày này, thiền sinh sẽ được hướng dẫn tu tập chánh niệm để nhận diện các cảm xúc, quan sát ‘đường đi lối về’ của các ý nghĩ và tâm trạng, học cách ‘tắt’ ‘mở’ và điều tiết những kênh cảm xúc trong dòng tâm thức mình. Biết rõ mình là trí tuệ, thấu hiểu người là từ bi. Chúng ta tập sống từ bi và trí tuệ trong mọi động dụng của đời sống – chính là đi trên con đường bất tử, con đường thành tựu các thiện pháp do thân và tâm được tu tập đúng hướng.
Thời khóa 3 ngày
Ngày 06/10/2023
- 06:30 – 08:00 am: Thiền sinh về chùa đăng ký ghi danh và ổn định chỗ ở
- 08:00 – 08:30 am: Khai mạc khóa tu 3 ngày và hướng dẫn thiền
- 08:30 – 09:15 am: Tọa thiền có hướng dẫn
- 09:15 – 09:45 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 09:45 – 10:45 am: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 10:45 – 11:15 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 11:15 – 12:15 am: Thọ thực (ăn trưa)
- 12:15 – 13:00 pm: Tịnh chỉ – nghỉ trưa
- 13:00 – 14 pm: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 14 – 14:30 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 14:30 – 15:30pm: Tọa thiền có hướng dẫn
- 15:30 – 16 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 16 – 17 pm: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 17 – 18:30 pm: Tắm giặt & dược thực (ăn/uống nhẹ)
- 18:30 – 19:30 pm: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 19:30 – 20 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 20: – 21 pm: Pháp thoại – thiền tâm từ
- 21:00 pm: Về nơi ngủ, tắt đèn
Ngày 07/10/2023
- 05:00 – 05:30 am: Thức chúng và vệ sinh cá nhân
- 05:30 – 06:00 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 06:00 – 07:00 am: Tọa thiền có hướng dẫn
- 07:00 – 08:00 am: Điểm tâm (Ăn sáng)
- 08:00 – 08:30 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 08:30 – 09:30 am: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 09:30 – 10:00 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 10 – 11 am: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 11:00 – 12:00 am: Thọ thực (ăn trưa)
- 12:00 – 13:00 pm: Tịnh chỉ – nghỉ ngơi
- 13:00 – 14 pm: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 14 – 14:30 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 14:30 – 15:30 pm: Tọa thiền có hướng dẫn
- 15:30 – 16 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 16:00- 17 pm: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 17 – 18:30 pm: Tắm giặt & dược thực (ăn/uống nhẹ)
- 18:30 – 19:30 pm: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 19:30 – 20 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 20:00- 21 pm: Pháp thoại – thiền tâm từ
- 21:00 pm: Về nơi ngủ, tắt đèn
Ngày 08/10/2023
- 05:00 – 05:30 am: Thức chúng và vệ sinh cá nhân
- 05:30 – 06:00 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 06:00 – 07:00 am: Tọa thiền có hướng dẫn
- 07:00 – 08:00 am: Điểm tâm (Ăn sáng)
- 08:00 – 09:00 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 09:00 – 10:00 am: Tọa thiền (ngồi thiền)
- 10:00 – 11:00 am: Thiền đi trong chánh niệm
- 11:00- 12:00 am: Thọ thực (ăn trưa)
- 12:00 – 13:00 pm: Tịnh chỉ – nghỉ ngơi
- 13:00 – 14:00 pm: Thiền đi trong chánh niệm
- 14:00 – 15:00 pm: Tọa thiền có hướng dẫn
- 15:00 – 17:00 pm: Vấn đáp liên hệ đến thực hành (pháp hành)
- 17:00 – 17:30 pm: Ni Sư làm lễ Quy y Tam Bảo cho Phật tử
- 17:30 – 18:00 pm: Kết thúc khóa thiền, thiền sinh dọn dẹp vệ sinh và ra về
Yêu cầu đối với thiền sinh
Tiến trình tự thanh lọc tâm chắc chắn không bao giờ dễ dàng – thiền sinh phải tu tập rất cần mẫn. Thiền sinh phải lưu trú tại chùa (trường thiền) trong suốt thời gian 3 ngày của khóa thiền. Vì lợi ích của thiền sinh, tất cả các thiết bị điện tử (điện thoại, máy nghe nhạc, ..) sẽ không được sử dụng, thiền sinh được yêu cầu tịnh khẩu (không nói chuyện) và không đọc sách trong suốt 3 ngày của khóa thiền. Những quy định khác cũng nên được đọc kỹ và cân nhắc. Chỉ những người cảm thấy mình có thể tuân theo một cách thành thật và triệt để mới nên xác nhận tham dự. Những người chưa sẵn sàng tuân thủ sẽ chỉ lãng phí thì giờ của mình nên xin hẹn dịp khác để việc tu tập được hiệu quả. Thiền sinh cũng phải hiểu rằng khi mình nhận thấy kỷ luật quá khắt khe, và bỏ về nửa chừng, không hoàn tất khóa thiền, sẽ rất bất lợi và không được phép. Cũng tương tự, thiền sinh nào không tuân theo kỷ luật và bị nhắc nhở nhiều lần sẽ không được tiếp tục dự khóa thiền.
Nội quy khóa thiền
Nền tảng của sự tu tập là sīla — giới hay đạo đức. Sīla tạo căn bản cho sự phát triển của samādhi — sự định tâm; và sự thanh lọc tâm đạt được nhờ paññā — trí tuệ hay tuệ giác.
Các giới
Mọi người tham dự khóa thiền Vipassana phải luôn luôn giữ Năm Giới sau đây trong thời gian của khóa thiền:
- Không giết hại sinh vật.
- Không trộm cắp.
- Không quan hệ tình dục.
- Không nói sai sự thật.
- Không dùng chất gây say, gây nghiện.
Tuân thủ hướng dẫn
Trong thời gian khóa thiền, thiền sinh cần cam kết sẵn sàng tuân theo mọi sự hướng dẫn và chỉ dẫn cách tu tập của thiền sư.
Tài Chính cho Khóa Thiền
Khóa thiền này được phục vụ hoàn toàn miễn phí, một phần các khoản chi của BTC được chi ra từ khoản thu của khóa trước. Nếu Thiền sinh thấy khóa thiền mình tham gia có được lợi lạc và mong muốn BTC tổ chức được các khóa tiếp theo, tùy vào khả năng tài chính của mình Thiền sinh có thể đóng góp hoặc cúng dường tùy hỉ.
Dù là nhiều hay ít, sự đóng góp phải được thực hiện với ước nguyện giúp đỡ người khác: “Khóa thiền mà tôi đã tham dự được đài thọ do lòng hảo tâm của những thiền sinh cũ; bây giờ để tôi đóng góp cho một khóa sắp tới, để cho những người khác cũng hưởng được những lợi ích của phương pháp này”.
Liên hệ ban chăm sóc:
Nguyễn Hằng: 0988123628; Thúy (An Vy) 0869963999; Hồng (Diệu Hà) 0962918078; Tâm Diệu Hạnh 0981924697.
Nguyện cho tất cả chúng sinh được an vui, hạnh phúc!
HỎI ĐÁP VỀ KHÓA THIỀN
Câu hỏi 1:* Phụ nữ mang thai có thể tham dự khóa thiền được không?*
Trả lời:
Nếu không có yêu cầu đặc biệt nào từ bác sĩ chuyên khoa, phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể tham dự, và trong hầu hết các trường hợp thực hành thiền thư giãn trong giai đoạn mang thai rất tốt cho cả mẹ và con. Hãy cho chúng tôi biết bạn đang mang thai để bạn được hỗ trợ tốt hơn trong 2 ngày của khóa thiền.
Câu hỏi 2:* Thiền sinh thực hành thiền ở đâu và ăn, ngủ ở đâu?*
Trả lời:
Thiền sinh được thưc hành thiền tại Giảng Đường chính của Chùa Long Hưng. Ăn tại nhà ăn của Chùa và thiền sinh nam và thiền sinh nữ được bố trí nơi ngủ riêng biệt, BTC sẽ hướng dẫn thiền sinh vào buổi sáng lúc check in.
Câu hỏi 3:* Thiền sinh cần mang theo những gì?*
Trả lời:
Thiền sinh cần mang theo CCCD để check in và đồ dùng cá nhân cần thiết để ở lại chùa 3 ngày 2 đêm, các đồ dùng nên ở mức tối thiểu, đơn giản và tạo sự thỏa mái nhưng giúp thiền sinh trang nghiêm. Ban tổ chức sẽ chuẩn bị chăn gối và màn để thiền sinh ngủ tại Chùa.
Thiền sinh hoan hỉ mang theo chai nước cá nhân để sử dụng, do cốc giấy và chai nhựa sẽ không được sử dụng trong khóa thiền tại chùa Long Hưng!
Câu hỏi 4:* Tại sao điện thoại và các thiết bị điện tử giải trí không được sử dụng?*
Trả lời:
Đây là khóa thiền cần tuyệt đối giữ im lặng nhằm giúp thiền sinh tận dụng tốt nhất thời gian 3 ngày của khóa thiền. Thiền sinh chỉ tập trung vào thực hành và không làm bất cứ hoạt động nào gây mất sự tập trung.
Câu hỏi 5:* Tại sao lại hành thiền trong im lặng?*
Trả lời:
Tất cả các thiền sinh tham dự khóa thiền tuân theo sự “im lặng cao quý” — có nghĩa là, im lặng về việc làm, lời nói, ý nghĩ. Họ được yêu cầu tránh không liên lạc với người đồng tu. Tuy nhiên, thiền sinh được tự do liên hệ với ban tổ chức khi có nhu cầu vật chất, và được nói với thiền sư. Sự thực tập liên tục là bí quyết của thành công trong khóa thiền này; im lặng là một điều kiện cốt yếu để duy trì sự liên tục trong việc tu tập.
Câu hỏi 6:* Phương tiện di chuyển đến chùa?*
Trả lời:
Thiền sinh tự chủ động phương tiện để di chuyển đến chùa Long Hưng. Có đủ bãi đỗ xe cho thiền sinh sử dụng ô tô riêng.