Trong Tiểu Kinh Mãn Nguyệt (Mn. 110) đức Phật dạy chúng Tỳ khoe phân biệt giữa người vô đức, một người bất chánh (asappurisa): “Người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người bất chánh bất tín, vô tàm, vô quý, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ.” Như vậy người vô đức là người không có niềm tin, không biết xấu hổ, không biết tôn trọng, không chịu lắng nghe, lười biếng, suy nghĩ xằng bậy, thiếu trí tuệ. Và ngài cũng khẳng định là một người bất chánh thì không biết được người khác như họ đang là, dù tốt, dù xấu, vì họ không có khả năng nhận định đúng về chính họ cũng như về người khác.
Và người có tâm, có đức (sappurisa). Một người chân chính thì có khả năng nhận biết người khác nhờ những phẩm chất của họ. Những phẩm chất của người tốt, Bậc Chân Nhân được nói đến trong Tiểu Kinh Trăng rằm Cūḷa Puṇṇama Sutta (M 110). định nghĩa Chân Nhân là:
1. Người đức hạnh, có tín tâm;
2. có học thức: nghe – đọc nhiều;
3. nhiệt tình, có lòng tự tôn;
4. tài trí và biết tôn trọng người khác;
5. Có chánh kiến, biết phân biệt đúng sai và có khả năng suy nghĩ độc lập.
Khi người có tâm đức bố thí, cúng dường thì:
“Thế nào là người chơn chánh bố thí như người chơn chánh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh bố thí một cách lễ độ, bố thí với tự tay, bố thí có suy tư kỹ lưỡng, bố thí những vật cần dùng, bố thí có nghĩ đến tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người chơn chánh bố thí như người chơn chánh.
Này các Tỷ-kheo, người chơn chánh ấy, đầy đủ Chánh pháp như vậy, giao du với người chơn chánh như vậy, suy tư như người chơn chánh như vậy, tư lường như người chơn chánh như vậy, nói năng như người chơn chánh như vậy, hành động như người chơn chánh như vậy, có chánh kiến như người như người chơn chánh như vậy, bố thí như người chơn chánh như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cảnh giới của những người chơn chánh. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là cảnh giới của những người chơn chánh? Ðại tánh của chư Thiên hay đại tánh của loài Người.”
LÀ NGƯỜI XUẤT GIA THÌ BẬC CHÂN NHÂN CÓ NHỮNG TƯ CÁCH hơn người tầm thường như được nói Trong kinh Chân Nhân (M. 113) là người hiểu đúng mục đích của đời sống xuất gia, sống đời thánh thiện và không đồng hóa mình với bất cứ điều gì trong thế gian, kể cả các pháp hành và chứng đạt tâm linh. Nói cách khác, đó là người tốt, thiện hữu tri thức (kalyāṇa), tuy chưa phải là thánh (Ariya). Cũng nên biết cách phân biệt như thế nào thì không phải là người tốt, còn là phàm phu tục tử (puthujjana).
LÀ CƯ SĨ THÌ BẬC CHÂN NHÂN LÀ NGƯỜI CÓ NIỀM TIN trong Tam Bảo, biết bố thí, giữ giới. Trong Kinh Cúng Dường của bậc Chân nhân (Sappurisa Dāna Sutta – A 5.148) kể đến năm phẩm chất của một bậc chân nhân khi bố thí cúng dường, đem lại lợi ích. Đó là:
(1) Cho với niềm tin (saddhāya dānaṁ deti).
(2) Cho với sự kính trọng (sakkaccaṁ dānaṁ deti).
(3) Cho đúng thời (kālena dānaṁ deti).
(4) Cho với trái tim hào hiệp (anuggahita, citto danaṁ deti).
(5) Cho mà không hại mình, không hại người (attānañ ca parañ ca anupahacca dānaṁ deti).
BẬC CHÂN NHÂN NHƯ NGƯỜI LÃNH ĐẠO – leadership of a true man được miêu tả trong trong kinh Phúng Tụng Saṅgīti Sutta (D 33), và kinh Das’uttara Sutta (D 34) và kinh Dhammaññū Sutta (A 7.64) cho biết thuật ngữ về Chân Nhân là người có bảy phẩm chất:
(1) là người biết Pháp [giáo pháp & chân lý] (dhammaññū);
(2) là người biết ý nghĩa và mục đích của pháp (atthaññū);
(3) là người biết chính mình [bản chất của bản ngã] (attaññū);
(4) là người biết chừng mực (mattaññū);
(5) là người biết thời gian thích hợp (kālaññū);
(6) là người biết hội chúng [biết mình đang ở trong hội nào] (parisaññū); và
(7) là người biết những khác biệt giữa các cá nhân (puggalaññū or puggala,parovaraññū).
Trong một ngữ cảnh khác, đức Phật lại định nghĩa bậc chân nhân như sau: “—Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về phi chân nhân và tệ hơn phi chân nhân. Ta sẽ giảng cho các Ông, này các Tỷ-kheo, về chân nhân và tốt hơn chân nhân. Hãy lắng nghe …
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến … theo tà định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo tà kiến … theo tà định, theo tà trí, theo tà giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phi chân nhân còn tệ hơn phi chân nhân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến … theo chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chân nhân.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn bậc chân nhân? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người theo chánh tri kiến … theo chánh định, theo chánh trí, theo chánh giải thoát. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc chân nhân còn tốt đẹp hơn các bậc chân nhân.” (SN. 45.26)
Bậc Chân Nhân, nói chung, là người biết mình biết người, và trên hết, biết đúng thực tế, ít nhất ở một mức độ nào đó. Quả thực, Bậc Chân Nhân hay người tốt thực sự đóng góp rất nhiều cho xã hội & cộng đồng. Ngay cả khi chưa giác ngộ, bậc chân nhân cũng mang lại nhiều lợi ích cho nhân sinh & xã hội, còn khi đã giác ngộ rồi thì những lợi ích và điều tốt đẹp mà người như vậy mang đến còn nhiều hơn, vĩ đại hơn.