Ai cũng muốn sống vui, sống khỏe, sống lành mạnh và hòa bình, an ổn. Vậy con người đã học cách sống không giận hờn, không oán trách, sống an nhiên và tự tại giữa những đổi thay luân chuyển chưa?
Để có thể sống vui, sống đẹp, sống lành mạnh, chúng ta phải biết điều chỉnh thái độ sống và cách sống. Để làm được điều này, chúng ta phải học cách đối diện với những điều bất như ý (dukkha) mà ai cũng phải gặp – dù sớm hay muộn – trong đời sống. Người có phước đức, có trí tuệ thì gặp được nhiều điều tốt đẹp hơn là điều xấu xa. Mà thực ra tốt đẹp hay không cũng phần lớn do sự chiêu cảm của những phẩm chất có sẵn trong tâm mỗi người.
Khi gặp những điều tốt đẹp, được ăn ngon, ngủ đủ giấc, gặp người tốt và người dễ thương, thuận lợi trong công việc, cảm thấy tự tin và được khen ngợi, đương nhiên là người ta cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn. Tuy nhiên cuộc sống không chỉ là màu hồng mà còn có những gam màu khác nữa, như xám, đen, tím, v.v…, và thậm chí có những lúc chúng ta cảm thấy mất phương hướng, không biết phải làm gì, sống ra sao cho ổn. Những vui buồn, được mất, khen chê trong cuộc sống được gọi là “pháp thế gian – loka dhammā”: gồm bốn trường hợp ai cũng thích, và bốn trường hợp không ai muốn nó xảy ra cho mình hay cho người thân của mình. Nhưng dù thích hay không, chúng vẫn xảy ra!
Người khôn ngoan, hiểu biết và từng trải thì biết cách đối diện với các “pháp thế gian” đó với tâm bình thản, giữ mình không bị xao động vì những thăng trầm của đời sống. Trong Đại kinh hạnh phúc, miêu tả việc này như sau:
Phuṭṭhassa loka-dhammehi – Khi xúc chạm việc đời
Cittaṃ yassa na kampati – Tâm không động, không sầu;
Asokaṃ, virayaṃ, khemaṃ – tự tại và vô nhiễm –
Etaṃ maṅgalam’utamaṃ – là phúc lành cao thượng!
Pháp thế gian là những hiện tượng có hai mặt, và phần lớn người ta chỉ thích mặt tốt, thuận lợi, và làm tôn lên bản ngã/ niềm tin của mình. Còn mặt kia là các mất mát, đau thương, làm tổn thương bản ngã, gây khó chịu và bất mãn – thì không ai muốn. Như đã nói ở trên, dù không muốn chúng vẫn đến trong đời và mình vẫn phải đối diện, do đó đối diện như thế nào để không tạo ra thêm khổ đau mất mát chính là bản lĩnh của một con người trước những thăng trầm của đời sống.
Facing Negativities in life with an equanimous mind – đối diện với các trạng thái tiêu cực trong cuộc sống với tâm bình thản
Negativities – tiêu cực bao gồm:
- Tiêu cực từ bên trong: các trạng thái tâm bất thiện như buồn bã, thất vọng, chán nản, mất ý chí, bực bội, khổ sở, lo lắng – bất an, tham mà không được thỏa mãn sinh ra bất mãn – khó chịu; ganh tỵ, ích kỷ, đố kỵ, cứng đầu, ương bướng, tức giận, phẫn nộ,… Cảm thấy bất hạnh, cảm thấy thiếu tự tin, cảm thấy cô đơn trống vắng, v.v…
- Tiêu cực từ bên ngoài: như những nhận xét thiếu thiện ý, vô tâm; bị chê bai – dìm hàng; gặp phải sự cay cú của người khác, bị ganh tỵ – đố kỵ; bị khinh thường; bị châm biếm; bị nói xấu sau lưng, bị xỉ vả mắng nhiếc, v.v… Gặp thất bại, gặp mất mát của cải, danh tiếng, người thân, địa vị, … Bị đối xử thô lỗ, thiếu tôn trọng, …
Thường thì các trạng thái tiêu cực này có liên hệ đến nhau. Khi có tâm tiêu cực, người ta dễ hấp dẫn những thứ tiêu cực đến với cuộc sống của mình. Và đôi khi vì sống trong hoàn cảnh có nhiều tiêu cực, bị đối xử tệ, phải chứng kiến những hành vi, lời nói tiêu cực, bất thiện, mà người ta hấp thu những thứ xấu xí đó, vô tình tưởng rằng phải như vậy mới tồn tại được. Đó là những người có nghiệp duyên “đi từ bóng tối vào bóng tối”.
Tuy nhiên không phải ai sinh ra và lớn lên trong môi trường độc hại cũng phát triển tâm lý và tính cách tiêu cực. Mặc dù bị cuộc đời và con người đối xử không tốt, gặp những chuyện không như ý, nhưng họ vẫn đủ kiên cường – nhẫn nại để vươn lên tự hoàn thiện bản thân, vượt qua những khó khăn trở ngại. Đó là những người có nghiệp duyên “đi từ bóng tối ra ánh sáng”.
Cũng có những người may mắn, họ được sinh ra trong điều kiện tốt, được nuôi dưỡng lành mạnh, và họ cũng biết sống với những phẩm chất tốt nhất, cho đi những giá trị tốt đẹp trong đời sống. Họ có phước để dành, và biết tạo thêm phước thiện. Tâm tính họ trầm ổn, và cách sống của họ độ lượng, biết nhìn xa trông rộng, biết đầu tư vào đúng chỗ, giữ vững phong độ. Đó là những người “đi từ ánh sáng ra ánh sáng”.
Có những người được nhiều may mắn hơn, không gặp nhiều những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống. Có thân nhân tốt, có sức khỏe ổn, được học tập và nuôi dưỡng trong hoàn cảnh ưu ái. Tuy nhiên, họ lại không biết trân trọng những may mắn mà mình đang có. Họ lãng phí thời gian và sức lực cho những trò chơi, thú giải trí, hưởng thụ vô bổ, thiếu lành mạnh hay thậm chí độc hại. Như vậy họ đang làm mất dần chính những phúc đức ‘để dành’ từ quá khứ. Họ nuôi dưỡng những suy nghĩ và khuynh hướng tính cách thiếu thiện xảo, lơ là việc phát triển bản thân, không chịu học tập, huấn luyện để vượt lên trên những yếu điểm trong mình. Kết quả là họ bị rơi xuống, trở thành người “đi từ ánh sáng vào bóng tối.”Vậy làm sao để đừng đi đi ánh sáng vào bóng tối? Đó là con đường sống lành mạnh, học tập và phát triển những kỹ năng sống để có thể đối diện với những tiêu cực trong mình và quanh mình mà không nản chí, không bỏ cuộc khi gặp thử thách trong cuộc sống.
Thực hành – tỉnh giác trước sự bất mãn – giận dữ
Bất mãn, tức tối là một trạng thái khó chịu và khó kham nhẫn, khó nắm bắt. Chính vì vậy nhiều người không biết những trạng thái như mích lòng, bực bội, kích động, tức tối, chán nản, cảm thấy điên giận, nổi khùng, và bùng nổ sự bất mãn trong mình mà không kiểm soát được. Những cảm xúc tiêu cực đó có thể là được kích hoạt từ những đe dọa có thực, sự tổn thương của quá khứ và nay gặp điều có vẻ như chuyện tương tự sắp xảy ra làm người đó bị kích động, phản ứng trước các sai trái có thực, cảm thấy cần phải tự vệ, sửa chữa và làm cho công bằng, vv.
Giận dữ, bất mãn là một loại phiền não ngủ ngầm – paṭigh·ānusaya kilesa. Bình thường một người có thể có phong cách đạo mạo, cao thượng, hoặc có vẻ dịu dàng, tao nhã, nhưng khi gặp trái duyên nghịch cảnh, chạm tới những thử thách khó kham nhẫn thì liền lộ rõ bản chất khác – thể hiện trạng thái bị kích động, tức tối và giận giữ mất kiểm soát. Ví dụ điển hình trong kinh điển là nữ gia chủ tên là Vedehika ở thành Sāvatthi (Ref. MN 21).
Những trạng thái tâm lý tiêu cực này cũng có thể được hình thành và nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa gia đình và xã hội không chấp nhận sự phản đối, sự đối thoại để làm rõ vấn đề. Khi những người lớn hay người có thẩm quyền dùng uy lực, vai vế và quyền hạn của mình để bắt người nhỏ, người yếu thế khác phải nghe theo, thì vô tình bên trong những người cảm thấy bị áp bức đó sẽ hình thành lên khuynh hướng phản kháng, hay buông xuôi, nhu nhược, bất cần, v.v… Nếu tâm lý phản kháng, bất bình và ức chế bị dồn nén lâu ngày, chúng sẽ ‘tìm đường ra’ theo cách nào đó. Đó có thể là sự im lặng trong sợ hãi hay trong sự phẫn uất, lạnh lùng, sắt đá. Những người này có thể chưa học để biết cách thổ lộ những cảm xúc & tình cảm bị dồn nén đó một cách thiện xảo để đừng đi vào ngõ hẹp oan oan báo báo trùng trùng duyên khởi.
Trong các mối quan hệ cá nhân – gia đình, hay trong các mối quan hệ công việc, nơi công sở, nơi ‘vì sự nghiệp và danh giá’ nào đó, vì ‘tổ quốc, giống nòi’, hay vì ‘đức tin- tôn giáo’ – nơi cạnh tranh cho quyền lực và thể hiện quyền lực được thực hiện. Người ta thường dùng nấc thang địa vị trong một tổ chức có ‘tôn ti trật tự’, hay tưởng rằng, cho rằng một số người có quyền tỏ ra phẫn nộ, giận dữ, trong khi đó một số người khác chỉ được tuân thủ, phục tùng và không có quyền thể hiện sự bất mãn, phản kháng và đòi hỏi sự công bằng. Một số người còn giải thích nghiệp và quả của nghiệp theo kiểu tiêu cực, cho rằng phải gánh chịu, nhẫn nhục trong đau thương để trả ‘nghiệp quá khứ’.
Trong khi lập luận theo kiểu hệ thống cấp bậc hay theo kiểu nhẫn chịu của tôn giáo cũng giúp ích phần nào để tránh các bạo loạn, xung đột lợi ích & quyền lực, nhưng thực chất nó không giải quyết được vấn đề tận gốc rễ. Tức giận, bất mãn và bất bình – chống đối cứ như vậy được tích lũy, dồn nén để đến lúc không thể kìm nén được nữa, những nguồn năng lượng bất thiện đó sẽ liên kết với nhau, tạo thêm động lực và sức đẩy liên hoàn để khiến những cuộc bạo động, khủng bố, đảo chính, cách mạng, chiến tranh, vv nổ ra. Và đương nhiên, những được – mất, đổi thay địa vị và quyền lực, thay thế các giá trị cũ bằng những giá trị mới sẽ diễn ra – for better or for worse – no one really know!
Trở lại với cảm giác giận dữ, chúng ta nên tỉnh giác để biết về cảm giác giận dữ:
- Cảm thấy tồi tệ, tâm trạng xấu
- Cơ thể căng thẳng lâu dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe
- Khả năng chú ý bị hẹp lại, chỉ thấy cục bộ mà không thấy bức tranh toàn cảnh.
- Phán đoán hồ đồ thúc đẩy người tức giận hành động thiếu suy xét, mất kiểm soát gây hậu quả tai hại khó lường.
- Tạo ra những xung đột và hiềm khích với người khác – làm mất các mối quan hệ tốt đẹp.
Giận dữ thường phá hủy chính mình nhiều hơn là phá hủy người khác. Có câu thành ngữ nói: “Hận thù giống như người uống thuốc độc lại chờ đợi người mình thù ghét phải chết”. Ẩn dụ về sự lừa gạt độc hại của tâm hận thù cũng được tìm thấy trong Kinh Phật, nói rằng: “sự tức giận có vị mật ngọt bọc vỏ độc tố.”
Nhận diện và điều tiết cơn giận
Hãy nhận diện sự tức giận. Cảm nhận nó một cách trọn vẹn, đừng đè nén cảm xúc đó. Quan sát và nhìn nhận và lắng nghe xem nó có đáng như vậy không. Nhìn sâu vào cảm giác tức tối, bế tắc, bực dọc đó – bên dưới nó có cái gì: tổn thương chăng, hay buồn bã, hay phẫn nộ cho ai đó. Cố gắng trụ lại trong sự bình tĩnh và thẳng thắn để thấy mình trong mối tương quan. Đừng vội nghe theo người ‘xúi giục’ bạn phản ứng như vậy vì lợi ích của chính họ.
Chậm lại chút, quan sát và cảm nhận cơ thể mình: hơi thở gấp gáp, chỗ nào đó trên thân đang co cứng, tay đang nắm chặt, ngực phập phồng nóng, lạnh, dồn dập trong nhịp tim đập, vv.
Hãy tỉnh giác, tỉnh táo, cảnh giác để thấy cơn giận đang làm gì với thân tâm mình. Có phải nó đang cướp đi sự bình an tĩnh tại, sự vui vẻ, thư thái và vô tư lự trước đây?
Cơn giận đến với những lời biện minh. Chúng ta cảm thấy bị đối xử tệ, bị hiếp đáp, bị thách thức, bị khiêu khích trước, bị kích động: “đúng, tôi điên tiết đó. Vì ngươi làm ta tức điên lên được. Đó là lỗi của ngươi!” – tôi nhớ có một cô Sa-di-ni trong ngôi chùa nọ thường buộc tội người cô ấy ghét là ‘chọc tức’ cô ấy, nên cô ấy mới nổi giận như vậy!
Tức giận thành thói quen khiến cho người hay tức giận như hỏa diệm sơn, lúc nào cũng có thể tuôn trào và phủ bụi dung nham lên môi trường sống quanh mình. Tức giận cũng gây nghiện, nó làm cho người hay tức giận cảm thấy thỏa mãn và chứng tỏ được sức mạnh/ quyền uy của mình với người khác. Tức giận thường có bản ngã là điểm tựa, là nơi xuất phát – với ý nghĩ “nó đánh tôi, nó mắng tôi, nó cướp của tôi…” sân hận không thể nguôi ngoai với người nuôi dưỡng tâm bằng những ý tưởng như vậy. (Pháp Cú 3)
Thời nay có những người không có ai bên cạnh để tức giận thì họ đi bình luận dạo trên mạng. Họ vào trang này chửi rủa, phê phán, bình luận thiếu thiện ý, kiếm chuyện và cà khịa; gửi email hăm dọa, bôi bác, xuyên tạc người này người kia; tung tin, bịa đặt, gài bẫy, vv… Những gì phát ra từ họ đều bất thiện và sặc mùi bất mãn, sân hận, cay cú và đố kỵ, hay chua cay, nghi ngờ. Đem râu ông nọ chắp cằm bà kia để kiếm chuyện phê phán, buộc tội, kiện cáo, thách thức.
Tức giận đặc biệt mạnh mẽ khi thứ năng lượng này được phóng thích & kích động giữa và trong những nhóm người ‘antifan’. Chúng ta có thể thấy điều này từ những nhóm nhỏ học sinh tuổi teen kéo bè kéo phái khích động làm nhục hay trả thù với nhau; cho đến nhóm người dân văn phòng – công sở “nhàn cư vi bất thiện” hội tụ lại, kéo phe tán gẫu – chỉ trích, đồn đại gây bất ổn và tung tin thất thiệt làm tổn thương người hay nhóm mà họ không thích. Rộng hơn là tinh thần đảng phái chính trị, phe nhóm tôn giáo, dân tộc chủ nghĩa, anh hùng rơm liều chết để bảo vệ chiến hữu mà chưa một lần nhìn nhận lại, suy nghĩ sâu xa hơn, tìm hiểu xem mình đang tức giận để bảo vệ cái gì; tự vấn xem thực chất của vấn đề là như thế nào,…
Dù đó là trong sân trường của các học sinh lớp 7 lớp 8, hay trên võ đài chính trị trước những cuộc vận động tuyển cử khắp quốc gia, trong suốt chiều dài lịch sử, những nhà lãnh đạo độc tài vẫn thường lợi dụng sự dễ bị kích động và tổn thương sơ đẳng này của quần chúng để đẩy cảm xúc phiền não trong họ lên đỉnh điểm, bơm vào đầu họ những định kiến và thành kiến, những niềm tin sai lầm để kích thích và dẫn dắt đám đông cuồng nộ làm theo sự sai khiến của họ. Họ có thể thổi phồng những tin tức không xác thực về sự bất công nào đó, rồi hứa hẹn bảo vệ, che chở, giúp đỡ đòi lại công bằng,… khiến cho nhóm này ‘choảng’ nhóm kia đến sứt đầu mẻ trán.
Bị cuốn vào các nhóm bè đảng với loại lãnh đạo như vậy thật không phải là chuyện nhỏ để tìm đường riêng cho mình. Khi ở trong vòng xoáy quan điểm của một phe nhóm, thật khó lòng nhìn nhận được một cách rõ ràng, tốt đẹp và lý trí cho riêng bản thân, và giữa mọi người với nhau. Bạn rất dễ đánh mất mình, tâm tư bối rối, hoang mang, đầu óc đã bị đầu độc bởi các thông tin sai lạc; những chọn lựa – quyết định của bạn đều bị họ ảnh hưởng và lung lạc. Khi đó bạn cảm thấy giận dữ, tức tối với chính cả bản thân mình nữa. Khi đó tiêu cực nuôi dưỡng tiêu cực, cái này làm mồi cho cái kia để rồi “địa ngục vô môn vẫn tự nguyện lao vào”.
Hiện trạng này có đường ra không?
Câu châm ngôn trong Phật giáo là “Hồi đầu thị ngạn – quay đầu là bờ”. Trong Kinh pháp Cú có ví “người tức giận thì như kẻ nắm than hừng ném vào người khác” – trước khi hại được người ta, mình đã bị bỏng cháy thiêu đốt rồi. Một câu khác là; “Kẻ phỉ báng/ gièm pha người vô tội thì như kẻ kéo cành cây tung bụi ngược gió; trước khi làm người ô nhiễm thì mình đã bị ô nhiễm rồi”.
Vâng trong thế giới ngũ trược này đã có quá nhiều “lửa sân”, “bụi trần” làm thiêu rụi và ô nhiễm, phá vỡ các mối quan hệ tốt đẹp, làm đổ vỡ các tổ chức, gây hiềm khích, nghi ngờ và manh động giữa các nhóm người và giữa các quốc gia – khiến chiến tranh, bom đạn, tên lửa.., làm cho thế giới bi thương hơn.
Chúng ta có thể không đủ năng lực để thay đổi cả thế giới, nhưng mỗi người đều có thể quay về với chính thân tâm mình để tự chữa lành và nuôi dưỡng tánh từ bi, khoan dung và độ lượng. Học cách nhìn đa chiều, tập lắng nghe và thấu hiểu chính mình, thấu hiểu người khác. Bắt đầu từ việc thương mình, đừng để cho những trạng thái sân si bất thiện chiếm ngự và sai sử. Dừng lại để quan sát, chiêm nghiệm thay vì chạy theo những năng lượng bị kích động đó.
Một điều quan trọng nữa là hãy tỉnh táo để hướng dẫn mình tiếp xúc với/ thân cận với người tốt, người tử tế và độ lượng; theo đuổi những giá trị thanh cao và đạo đức.
Đọc sách, nghe những câu chuyện nhân văn, đừng ‘chúi mũi’ vào những thứ giật gân, kích động bản năng hoang dã. Xúc thực – những tương tác, và tư niệm thực – những gì chúng ta suy nghĩ về, kết cấu lại trong đầu và nuôi dưỡng trong tâm cũng những chất liệu rất quan trọng làm nên những cảm xúc và tính cách của một con người. Ngoài ra thiền tập chánh niệm, phát triển tâm từ bi, tập nhìn vào điểm tốt, ghi nhớ những trải nghiệm đẹp, khích lệ mình để tự tin và vững vàng hơn – cũng là những cách để vượt qua các cảm xúc tiêu cực.
Chúc bạn và tôi thành công trong trong hành trình tìm lại chính mình, sống đời an nhiên tự tại; tâm không động, tình không sầu khi tiếp xúc – đối diện với những thăng trầm trong cuộc sống và lòng người trong cuộc dâu bể này!
Cẩn bút
TKN Pháp Hỷ – Dhammananda viết tại Tả Phìn, Sapa tiếp Trung thu 9/28/2023.