Destructive Emotion – Envy & Jealousy and antidote in Buddhist Practice: Mudita – pure joy & rejoicing at the successes of others.
Hầu hết chúng sinh đều mong muốn sống trong hòa bình an ổn, nhưng chúng lại cứ bị kẹt vào những tình huống dở khóc dở cười. Không có chuyện lớn thì chuyện bé tí ti cũng làm cho họ trở nên xung đột, bất hòa và đau khổ không yên. Một trong những tình cảm quấy rối tâm thức của chúng sinh và khiến chúng không vui nhất là ghen ghét và ganh tỵ. Nó khiến cho người ta trở nên ích kỷ và nhỏ mọn, ti tiện, nói chung là chúng sinh xuất hiện trong một phiên bản xấu xí hẳn đi.
Ganh tỵ làm cho người ta không vui, nhưng là chuyện nhỏ thôi; còn ganh ghét thì nó lớn hơn, kéo dài và dai dẳng hơn, thành định kiến xấu khiến cho người ta tạo ác nghiệp bằng lời nói và bằng hành động. Ganh tỵ & ghen ghét thường xẩy ra khi thấy hay nghe ai đó hơn mình về một mặt nào đó. Người khác được chú ý hơn, được yêu thích hơn, học giỏi hơn, xinh đẹp hơn hay thành công hơn mình. Và chỉ cần như vậy họ trở thành ‘tội đồ’ trong cái tâm đang ghen ghét của chúng sinh chưa giác ngộ. Với cái tâm đang ganh ghét tỵ hiềm thì đối tượng làm gì cũng trở nên chướng tai gai mắt. Tâm trạng này bóp méo mọi cảm xúc & nhận thức của chúng sinh, khiến cho “khi ghét bồ hòn cũng méo” và “ghét cả tông chi họ hàng”. Một động thái nhỏ của đối tượng cũng có thể châm ngòi nổ cho một cuộc cãi vã, hơn thua và đấu đá, thậm chí đi đến chỗ đánh chửi hay giết người. Khi bị khống chế bởi loại phiền não này, tâm phóng đại lỗi của đối phương, gán cho những lời nói, cử chỉ, hành động của đối phương cái mác ‘khiêu khích’, ‘chọc tức’… và nó bùng nổ khiến cho không khí bất an, tai hại ô nhiễm môi trường xung quanh.
Ganh ghét tỵ hiềm là kilesa (phiền não) – thứ độc dược, là a xít ăn mòn từ bên trong ra. Nó làm cho cái tâm có yểu tố này bất an, khó chịu, khổ sở đến ăn không ngon, ngủ không yên, sống không thoải mái. Chuỗi nhân quả của tiến trình tâm này là: nhân tạo ra đau khổ bất an và hiềm khích. Nó đến từ misperception – hiểu nhầm, diễn dịch tai hại, từ cái tâm tà kiến hay định kiến chấp ngã chấp nhân, thấy ‘ta’ thua kém ‘người’, thấy ‘người’ lấy/cướp/chiếm ưu thế hơn cái gì đó ‘của ta’. Tà kiến và chấp thủ khiến cho chúng sinh thấy ‘ta’ là nạn nhân, ‘người’ là tác nhân gây khó chịu, khổ sở cho ‘ta’. Đi đến chỗ ‘người’ thật đáng ghét, đáng bị trừng phạt, đáng bị nguyền rủa, vv. Và chúng sinh đang ghen tỵ sẽ ‘chia sẻ’ cái đau khổ khó chịu của mình đến đối tượng! Nghiễm nhiên đổ lỗi cho đối tượng và cảm thấy ‘đã tức’ là đối tượng xứng đáng bị như vậy! Mình đã tống được cái khối khó chịu đó ra ngoài!
Có bệnh thì cũng có thuốc chữa, có điều chúng sinh có nhận ra mình bị ‘bệnh tâm’ hay không? Và có nỗ lực để chữa khỏi cái tâm bệnh này như thế nào? Đức Phật chỉ định thuốc cho loại bệnh này là thực hành phát triển tâm hỷ (mudita), một trong Tứ Vô Lượng Tâm- những phẩm chất thiện lành và cao thượng cần được phát triển để sống thanh thản, nhẹ nhàng và an lạc hơn. Khi tâm hỷ được tu tập một cách thành công, tâm hành giả được thoát khỏi các loại ganh ghét tỵ hiềm, ích kỷ và nhỏ nhen, ti tiện. Hỷ là trạng thái tâm vui vẻ thoải mái khi nhận thức về sự thành công, hạnh phúc và những phước báu mà người khác/chúng sinh khác đang có mà không hề khởi lên cái tâm xấu xí “why not me?”.
Trong một cuộc đối thoại với vua trời Đế Thích (Sakkapanha sutta, ND 21), Thế Tôn phân tích chuỗi nhân quả khiến cho chúng sinh bất an và khiến cho chiến tranh tàn khốc xẩy ra bắt đầu từ nhận thức sai lầm tạo ra ích kỷ (issa – envy) và ganh ghét (macchariya –jealousy). Trạng thái tâm bất thiện này đến từ cảm xúc thích (piya) và ghét (apiya). Cuộc đối thoại diễn ra như tường thuật trong kinh Đế Thích Vấn Đạo (DN.21) như sau:
– Bạch Thế Tôn, do nghiệp chướng (kiết sử) gì, các loài Thiên, Nhân, Asurà, Nàgà, Càn Thát Bà, và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: “Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù”. Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù?
Thế Tôn trả lời:
– Do ích kỷ và hẹp hòi, các loài Thiên, Nhân Asurà, Nàgà, Càn Thát Bà và tất cả những loài khác, dân chúng ao ước: “Không hận thù, không đả thương, không thù nghịch, không ác ý, chúng ta sống với nhau không hận thù”. Thế mà với hận thù, với đả thương, với thù nghịch, với ác ý, họ sống với nhau trong hận thù.
– Bạch Thế Tôn, ích kỷ và hẹp hòi, do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì ích kỷ và hẹp hòi có mặt? Cái gì không có mặt, thì ích kỷ và hẹp hòi không có mặt?
– Này Thiên chủ, ích kỷ và hẹp hòi do ưa ghét làm nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng sanh khởi, ưa ghét khiến chúng hiện hữu, ưa ghét có mặt thì ích kỷ và hẹp hòi có mặt; ưa ghét không có mặt thì ích kỷ và hẹp hòi không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, ưa ghét do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì ưa ghét có mặt? Cái gì không có mặt thì ưa ghét không có mặt?
– Này Thiên chủ, ưa ghét do ý muốn (dục) làm nhân duyên, do dục làm tập khởi, dục khiến chúng sanh khởi, dục khiến chúng hiện hữu. Ý muốn có mặt thì ưa ghét có mặt; ý muốn không có mặt thì ưa ghét không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, nhưng ý muốn do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến ý muốn sanh khởi, cái gì khiến ý muốn hiện hữu? Cái gì có mặt thì ý muốn có mặt? Cái gì không có mặt thì ý muốn không có mặt?
– Này Thiên chủ, ý muốn do suy nghĩ (tầm – vitakka) làm nhân duyên, do suy nghĩ làm tập khởi; suy nghĩ khiến dục sanh khởi, suy nghĩ khiến dục hiện hữu. Suy nghĩ có mặt thì dục có mặt; suy nghĩ không có mặt thì dục không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, suy nghĩ (tầm) lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi? Cái gì khiến suy nghĩ sanh khởi, cái gì khiến suy nghĩ hiện hữu? Cái gì có mặt thì suy nghĩ có mặt? Cái gì không có mặt thì suy nghĩ không có mặt?
– Này Thiên chủ, suy nghĩ lấy các loại vọng tưởng hý luận (papañcasaññāsaṅkhā) làm nhân duyên, lấy các loại vọng tưởng hý luận làm tập khởi. Các loại vọng tưởng hý luận khiến suy nghĩ sanh khởi, các loại vọng tưởng hý luận khiến suy nghĩ hiện hữu. Do các loại vọng tưởng hý luận có mặt thì suy nghĩ có mặt. Do các loại vọng tưởng hý luận không có mặt thì suy nghĩ không có mặt”.
3. Bạch Thế Tôn, vị Tỷ Kheo phải chứng đạt như thế nào? Phải thành tựu con đường nào thích hợp và hướng dẫn diệt trừ các loại vọng tưởng hý luận?
– Này Thiên chủ, Ta nói hý luận có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói ưu (domanassa) cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Này Thiên chủ, Ta nói xả cũng có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa.
Này Thiên chủ, Ta nói hỷ (somanassa) có hai loại, một loại phải thân cận, một loại phải tránh xa. Lời tuyên bố là như vậy. Do nhân duyên gì tuyên bố như vậy? Ở đây, loại hỷ nào có thể biết được: “Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm”, thời hỷ ấy cần phải tránh xa. Ở đây loại hỷ nào có thể biết được: “Khi tôi thân cận với hỷ này, bất thiện pháp suy giảm, thiện pháp tăng trưởng”, thời hỷ ấy nên thân cận. Ở đây, có hỷ câu hữu với tầm, câu hữu với tứ (sơ thiền); có hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ. Các loại hỷ không câu hữu với tầm, không câu hữu với tứ thì thù thắng hơn. (Định tâm thứ hai – Nhị thiền)
Cũng tương tự như vậy với ưu (domanassa) và xả (upekkha)
Một điểm thú vị nữa trong cuộc hội thoại giữa thiên chủ Đế Thích và Thế Tôn là đoạn nói về từng lớp tu hành. Người ta thường quan niệm người đời thì nhiều phiền não ách nạn (samyojana), còn người tu hành, hay giai cấp cao hơn thì đồng quan điểm và ít chướng nạn hơn. Điều này thật không đúng. Hãy đọc tiếp cách mà Bậc Thầy của chư thiên và nhân loại (Thiên Nhân Sư) phân tích về điều này như sau:
– Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn đều đồng một tư tưởng, đồng một giới hạnh, đồng một mong cầu, đồng một chí hướng?
– Này Thiên chủ, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng!
– Bạch Thế Tôn, vì sao cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một giới hạnh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng?
– Này Thiên chủ, thế giới này gồm có nhiều loại giới, nhiều giới sai biệt (anekadhātu nānādhātu). Trong thế giới gồm có nhiều loại giới và nhiều giới sai biệt này, các loại hữu tình tự nhiên thiên chấp một loại giới nào, và khi đã thiên chấp, trở thành kiên trì, cố thủ, với định kiến: “Ðây là sự thật, ngoài ra toàn là si mê”. Do vậy, tất cả Sa Môn, Bà La Môn không đồng một tư tưởng, không đồng một giới hạnh, không đồng một cứu cánh, không đồng một mong cầu, không đồng một chí hướng.
– Bạch Thế Tôn, có phải tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn đều đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích?
– Này Thiên chủ, tất cả vị Sa Môn, Bà La Môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích.
Bạch Thế Tôn, vì sao tất cả Sa môn, Bà la môn, không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích?
– Này Thiên chủ, chỉ những vị Sa môn Bà la môn nào đã giải thoát tham ái, những vị ấy mới đồng một cứu cánh, đồng một an ổn, đồng một phạm hạnh, đồng một mục đích. Do vậy, tất cả vị Sa môn, Bà la môn không đồng một cứu cánh, không đồng một an ổn, không đồng một phạm hạnh, không đồng một mục đích.
Như vậy sống trong thế giới nhiều chủng loại, chung đụng với các chúng sinh có tầm nhận thức khác nhau, có khuynh hướng khác nhau, có sự tầm cầu và duyên nghiệp khác nhau, hành giả phải biết chọn lựa pháp môn tu tập và những cách tiếp cận khác nhau để có thể ‘hòa mà không đồng’. Pháp đã được Thế Tôn khéo thuyết giảng, với mục đích hướng thượng, đến để thấy, và mỗi người tự trải nghiệm để nếm vị giải thoát, an ổn, niết bàn – nơi hoàn toàn vắng bóng tham – sân – si cùng với các trạng thái bất thiện khiến con người và các chúng sinh khổ sở, trói buộc và tạo nghiệp bất thiện. Chỉ khi không còn tham ái (taṇhāsaṅkhayavimuttā), đã giải thoát khỏi các ái chấp và dính mắc thì mới được an ổn hoàn toàn.
TKN Pháp Hỷ – Dhammananda
Viết tại Tự Viện Liên Hoa (Dallats Forthworth, TX) 17/01/20 20.