Từ khi nào rằm tháng Bảy và lễ hội xá tội vong nhân đã đi vào tâm thức và văn hóa Việt nam? Chúng ta không biết chính xác niên đại và xuất xứ của lễ này cùng với câu chuyên của Mục Kiền Liên cứu mẹ trong Tự Tứ – ngày chư Tăng mãn Hạ theo truyền thống Đạo Phật phát triển. Để tìm hiểu thêm về ý nghĩa của lễ hội và truyền thống này, chúng ta hãy đi sâu hơn vào Kinh điển Phật giáo và những tác phẩm văn chương nổi tiếng liên hệ đến niềm tin và văn hóa này.
1. Phong tục cúng quảy và hồi hướng phước cho thân nhân đã quá vãng
Vào thời Đức Phật còn tại thế, một hôm vua Bình Sa Vương (Bimbisara) nằm mộng thấy những chúng sinh đói khổ rách rưới đeo bám vào tường thành kêu khóc thảm thiết. Vốn là một người giàu lòng từ bi, vua rất xúc động và khi có cơ hội, đức vua đã hỏi Đức Phật về họ- những chúng sinh đau khổ xuất hiện trong giấc mơ của ông- là ai và phải làm gì để cho họ bớt khổ? Trong bối cảnh này, Đức Phật đã cho đức vua Bình Sa Vương biết các chúng sinh đó là những thân bằng, quyến thuộc của vua trong quá khứ xa xôi. Họ do vì kém duyên phước, khi sống chỉ biết tranh ghành hơn thua, ki bo tích trữ để sống qua ngày mà không biết làm phước, không được học đạo và không sống có đạo, không biết chia sẻ, không biết quan tâm đến tha nhân, vv nên sau khi thân hoại mạng chung ở cảnh giới con người, họ đã phải thọ sinh vào những khổ cảnh. Những chúng sinh xuất hiện trong giấc mơ của đức vua đã bị kẹt vào trong cảnh giới đó nhiều trăm năm, nhiều triệu năm, từ thời đức Phật Ca Diếp và cho đến nay, khi Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên thế gian, họ mới có cơ hội được tạm thời xuất hiện. Cũng vì nhân duyên một thân bằng quyến thuộc trong quá khứ của họ nay là Đức vua Bình Sa Vương đã là người biết Đạo, đã vào dòng thánh và có khả năng làm phước hồi hướng công đức cho họ, nên họ xuất hiện cho ông biết để xin cứu giúp.
Đức Phật với tâm đại bi chiếu cái nhìn thanh tịnh vào nhân gian và thấy rằng các thân bằng quyến thuộc đã quá vãng thường đến nhà thân nhân. Họ đứng tựa vách hay ngoài cửa, đứng ở ngã ba đường hay ở cổng thành với mong mỏi người thân của họ nhận ra và làm phước nhân danh họ để họ có chút phước làm động lực vượt thoát khổ cảnh. Nếu thân nhân của họ có lòng từ bi, làm phước và do công đức bố thí đó hồi hướng đến cho họ, với câu chú nguyện: “Idam no nhātinaṁ hontu – sukhita hontu nhātayo” – “Mong cho phước thiện này được thọ hưởng bởi thân nhân của chúng tôi, nguyện cho họ được cát tường như ý”. Nếu các vong nhân đó vân tập ở các đạo tràng, phát sinh tâm hoan hỷ, cảm kích trước việc phước thiện mà thân nhân của họ đang làm, do thiện tâm đó, họ được giải thoát khỏi khổ cảnh. Kinh văn (Tirokuḍḍesu sutta, KN) viết:
Unnate udakaṁ vutthaṁ – “Như nước trên gò cao
Yathā ninnaṁ pavattati – Chảy xuống vùng đất thấp,
Evameva ito dinnaṁ – Phước lành đã hồi hướng
Petānaṁ upakappati – Có diệu năng cứu khổ
Yathā vārivahā pura – Như trăm sông tuôn chảy
Paripūrenti sāgaraṁ – Đều hướng về đại dương
Evameva ito dinnaṁ – Nguyện công đức đã tạo
Petānaṁ upakappati – Thấu đến chư hương linh”
Như vậy phong tục cúng bái và hồi hướng phước cho hương linh quá vãng đã có từ thời Đức Phật (thế kỷ thứ sáu trước công nguyên) và được khuyến khích trong cộng đồng những người theo Phật giáo tin vào nhân quả nghiệp báo và phước tội do hành động tạo tác của mình, cũng như tin vào sinh tử luân hồi trong những cảnh giới khác nhau.
2. Rằm Tháng Bảy và lễ xá tội vong nhân
Đạo Phật truyền đến Trung quốc và Việt nam vào đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Cùng với những niềm tin và tín ngưỡng của Phật giáo trong sự tương giao với văn hóa bản địa, việc cúng giỗ vốn có sẵn trong văn hóa thờ phượng tổ tiên của người Á đông. Khi việc cúng giỗ này được hướng dẫn bởi triết lý Phật giáo về mối liên hệ giữa các cảnh giới, việc cúng giỗ và thờ phượng tổ tiên mang một ý nghĩa mới, nhân văn và rộng rãi hơn là chỉ quan tâm đến một gia tộc.
Ở những vùng đất và cộng đồng theo Phật giáo Nguyên thủy (hay Nam truyền – Theravada), việc cúng dường chư tăng và hồi hướng phước báu đến thân nhân quá vãng xẩy ra thường xuyên trong năm, khi có duyên sự, không phải chỉ chờ đến Tháng Bảy Vu-lan mới làm lễ này.
Lễ Vu Lan (Ullumbana) và niềm tin Tháng Bảy (AL) là tháng xá Tội Vong Nhân có từ khi nào và ý nghĩa ra sao? Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về dịp lễ đặc biệt này của các cộng đồng Phật Giáo Bắc Truyền hay Đạo Phật Phát Triển, trong đó có Việt Nam.
Ở một số nước Đông Nam Á và một phần của Trung quốc, vào thời gian này là mùa mưa lũ, bão táp. Nhất là ở vùng duyên hải Việt nam, sau những ngày Hè rực rỡ chói chang, trời dịu dần vào Thu. Thời gian này thường có mưa phùn rả rích, mây mù che phủ bầu trời làm nên nét ảm đạm thê lương của những ngày mưa gió khiến cho việc đi lại thăm viếng nhau, giao tiếp, vv trở nên khó khăn hơn. Cảnh trí tác động lên tâm thức con người. Thời tiết này làm cho người ta như trầm lắng xuống, có vẻ hướng nội nhiều hơn. Và trong khung cảnh này, Nguyễn Du, đại thi hào của Việt Nam đã viết bài văn chiêu hồn nổi tiếng.
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường lê lác đác sương sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm…
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen
Còn chi ai quí ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền, ai ngu?
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ Đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương….
Trong áng văn bất hủ của mình, Nguyễn Du đã mô tả 10 loại cô hồn bao gồm những người có nhiều tham vọng công danh phú quí và quyền lực, thúc đẩy những cuộc viễn chinh, cho đến binh lính vì hoàn cảnh xô đẩy mà tham gia vào việc binh lửa phải bỏ mình trận mạc. Cả những phụ nữ khuê các nhưng thời cuộc đổi thay khiến thân phận như bèo hoa trôi dạt, cho đến những cô gái lỡ thì bán hoa, giang hồ không cố quận khi số kiếp hết, chết vùi dập bên đường. Những người đi thi cử, đèn sách với mộng công danh phú quí chưa thỏa ước mơ quan trạng đã bỏ mình nơi kinh kỳ xa lạ, cho đến những trẻ thơ yểu mệnh sơ sảy hay bị bỏ đi vì cuộc sống khốn khó đó đây. Bao nhiêu hoàn cảnh thương tâm của cảnh tử biệt sinh ly, bấy nhiêu nỗi xót xa của những linh hồn bơ vơ vất vưởng… Thương thay:
“Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn nhẽ tìm đường hóa sinh”…
Đạo Phật dạy chúng ta lòng từ bi thương xót đến tất cả chúng sinh, kể cả những chúng sinh trong khổ cảnh, mà các Peta – vong nhân vất vưởng chưa hóa sinh, cũng cần sự quan tâm giúp đỡ của chúng ta để họ được chút phước làm hành trang đến cảnh giới an vui hơn. Chính lòng từ bi này là động lực để các chùa và đạo tràng lập đàn cầu siêu độ cho các uổng tử cô hồn, chiến sĩ trận vong và những người chết oan ức do nguyên nhân này hay nguyên nhân khác. Rằm Tháng Bảy chính là dịp như vậy –ngày xá tội vong nhân đã hợp thức hóa một tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên với triết lý Đạo Phật về từ bi và tha thứ bao dung.
Dù khi sinh tiền họ đã oai danh, lắm của nhiều tiền hay họ là kẻ bần cùng không tấc đất cắm dùi, khi chết rồi họ đều “không mang theo gì” ngoài nghiệp đã tạo. Thôi thì khi sống không được nghe kinh, không màng học đạo, nay trong âm cảnh, nếu còn chút duyên xin hãy:
“…bồng trẻ dắt già –có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.
Nhờ Phép Phật siêu linh tịnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u (minh)
Rắp hòa tứ hải quần chu,
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.”
Tuy nhiên, Đạo Phật không phải chỉ độ cho người đã chết, qua các lễ lạt mang tính tín ngưỡng tâm linh này, ngày Vu Lan còn là dịp để người con Phật và những ai có cảm tình với Đạo Phật, bày tỏ lòng hiếu đạo với cha mẹ hiện tiền. Xuất phát từ những lời dạy của đức Phật về bổn phận của con cái đến cha mẹ như hiếu kính, dưỡng nuôi bậc sinh thành khi họ ở tuổi xế chiều không còn khỏe mạnh, vv và bày tỏ long biết ơn với đấng sinh thành, những người thầy đầu tiên trong đời, lễ lạy họ như bậc Phạm Thiên trong nhà.
Phật giáo Nhật bản đã biến triết lý sống hiếu đạo này thành lễ cài bông hồng, mà thầy Nhất Hạnh đã phương tiện phổ biến trong cộng đồng Phật giáo Việt nam thành lễ Bông Hồng Cài Áo. Ai còn cha mẹ thì cài hoa hồng hay hoa đỏ, ai có đấng sinh thành đã khuất núi về với tổ tiên thì cài bông hoa màu trắng (màu tang trong văn hóa Việt). Do đó, Vu Lan cũng là mùa báo hiếu trong Đạo Phật phát triển. Đức Phật khuyên chúng ta hiếu đạo nên thực hành quanh năm suốt tháng, không phải chỉ làm theo “phong trào” hay theo mùa. Nhìn sang Phật giáo Tích Lan, Miến Điện hay Thái lan, báo hiếu có cả những cuộc xuất gia thực hành theo lời Phật dạy để báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Cho đến thế kỷ 21 này, trẻ con trong gia đình theo Phật ở Tích lan vẫn lạy cha mẹ hàng ngày để tỏ lòng hiếu kính trước khi các em đến trường học chữ, học nghề.
Quay lại với câu chuyên xá Tội Vong Nhân và bài văn Chiêu hồn của Nguyễn Du, với câu hỏi:
“Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe Kinh
Kiếp phù sinh như hình bào ảnh,
Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng.
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.”
3. Ý nghĩa của Xá tội vong nhân dưới cái nhìn thiền quán
Nhìn ra bên ngoài thì có 10 loại cô hồn như Nguyễn Du đã mô tả trong bài văn tế nổi tiếng như vậy, hướng vào bên trong tâm thức mình, chúng ta có biết bao nhiêu loài “cô hồn” – những mảnh vỡ của thương tổn, những vết sẹo – nỗi đau trong quá khứ và hiện tại – có bao nhiêu chúng sinh như vậy chưa giải thoát?
Mười loài “cô hồn” bên trong chúng ta là những phiền não nghiệp chướng mà chúng ta ôm mang, giam nhốt trong tâm thức, mà không chịu xả bỏ, để cho chúng sai khiến, thao túng dẫn đến mệt mỏi, phiền lụy.
Ai ai trong chúng ta, trong cuộc sinh tồn không chỉ như một cá thể mà còn như một chúng sinh có xã hội trong mối liên hệ với gia đình, cộng đồng và thế giới nói chung, đều kinh qua những cuộc trầm luân khổ vui đắp đổi. Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta sống hồn nhiên theo bản năng trong sáng và chỉ làm điều mình thích. Những người lớn quanh ta thấy có trách nhiệm giáo dục, uốn nắn cách cư xử, lời ăn tiếng nói và hành động giao tiếp của chúng ta. Nhiều khi những hành động được cho là giáo dục đó đã làm thương tổn bản ngã của chúng ta. Khi bị ngăn cấm, bị tổn thương mà chúng ta không hiểu vì sao người lớn đối xử với chúng ta như vậy, ta giận dỗi, thù oán, và ôm mang vết thương trong lòng. Đã có những ‘chúng sinh’ chết tức tưởi theo những kinh nghiệm không vui như vậy. Chúng đi về đâu? Chúng tạo thành một dạng năng lượng tiêu cực, và được đẩy vào tiềm thức, để rồi ‘luân hồi’ trong nẻo vô minh của thế giới vô thức.
Trong suốt quá trình trưởng thành, trong đó có cả những cuộc phiêu lưu tình ái, những vật lộn với thế giới cơm áo gạo tiền, những bon chen địa vị, chỗ đứng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, không ít lần chúng ta cảm thấy ‘bầm dập’ để vượt qua những thách thức của đời sống. Con người của chúng ta đã biến đổi theo thời gian. Có những ước mơ hoài bảo, có những lý tưởng, những mong ước thầm kín, những bản năng trỗi dậy nhưng không thể thỏa mãn vì môi trường xã hội, văn hóa ,kinh tế hay những buộc ràng về đạo đức luân lý. Trong cuộc đấu tranh và nỗ lực vì sự sinh tồn này, chúng ta đã bị cắt xén, bị gọt giũa để trở nên ‘văn minh’ hay mạnh mẽ, dễ thích ứng hơn với hoàn cảnh sống. Như vậy đã có những phần, những mảnh ghép khác nhau trong con người chúng ta đã phải chết yểu, hay chết tức tưởi dọc đường đời. Nếu không được soi chiếu, ghi nhận và cảm thông – hóa giải, các kinh nghiệm đó cũng sẽ biến tướng thành những ‘chúng sinh’ những ‘cô hồn’ lang thang vất vưởng đâu đó trong tâm thức chúng ta. Chúng ta có thể bao dung, tha thứ và “mở của ngục” cho những ‘vong linh’ này giải thoát không?
Những hành giả trên đường tu Phật hiểu “xá tội vong nhân” là soi chiếu ánh sáng giác ngộ, và sống tỉnh thức trong từng sát na, để ánh hào quang của Phật (thức tỉnh) chiếu vào những chỗ khuất lấp nhất trong tâm thức của chúng ta. Ghi nhận mà không phán xét, bi mà không lụy, thương mà không luyến ái thủ chấp, tạo điều kiện cho các ‘vong nhân’ đó được giải thoát. Như vậy, sự bao dung, thứ tha chính là “nước tĩnh bình” – năng lượng bình an của định tâm, qua phương tiện của Bi- Trí- Dũng – là cành dương chi rải nước từ bi dập tắt muộn phiền.
Các bước thiền bảo vệ như Niệm Phật, phát triển tâm từ, thiền tha thứ và niệm chết hay quán vô thường chính là phương cách để chúng ta đi vào nội tâm, mở cửa ngục – phần tối của tiềm thức và vô thức, và giải thoát tâm khỏi những nghiệp chướng não phiền từ vô lượng kiếp luân hồi sinh tử.
Chúc bạn sống qua mùa Vu lan với những hoạt động hữu ích, tạo được nhiều thiện nghiệp để hồi hướng cho thân nhân quá vãng. Và điều quan trọng nhất là nhớ mở cửa ngục và xá tội cho các vong nhân theo cách ý nghĩa thiết thực nhất, không chỉ bằng lễ nghi, mà bằng chánh niệm & hiện quán!
Tỳ Kheo Ni Pháp Hỷ – Dhammananda
Viết tại chùa Pháp Luân Buddhist Cultural center, Houston, TX. US ngày 8/24/2015
Mùa An cư Hạ thứ 12, Phật lịch 2558