Khi xúc chạm với các đối tượng của giác quan như mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và tâm ý thức hành giả phải luôn tỉnh giác để phát hiện những gì đang xẩy ra. Khi tỉnh thức và phát hiện đúng lúc, bạn thấy các đối tượng là khả ý, khả hỷ hay nhàm chán, khó chịu, bất mãn. Đừng để tâm bị dính vào những cảm thọ đó. Chúng đều có tính hai mặt: trong cái tốt, có cái không tốt, trong cái không dễ thương mà tâm đang phản ứng chống đối lại có cái ẩn chứa đáng để xem xét và khám phá. Do đó cho dù là pháp nào, hài lòng hay không hài lòng đều đáng được soi sáng và chiêm nghiệm một cách cẩn thận.
Tâm có hai loại thức ăn chính: tâm trạng tốt – thoải mái, cởi mở; và tâm trạng xấu – bức bối khó chịu, ưa tìm lỗi. Nếu bạn cho tâm ăn thứ tốt, nuôi dưỡng thiện tâm và các yếu tố khiến tâm khỏe mạnh, như tuệ quán là thức ăn hảo hạng. Nếu không nuôi dưỡng tâm bằng thức ăn lành mạnh, để nó đói và nó bắt đầu ‘ăn bậy’, đói khát và ngấu nghiến những thứ không ra gì, những thứ hoang dã & độc hại – sẽ khiến tâm muội lược, u mê và yếu đuối. Những người thông minh thì họ biết chuẩn bị và cho tâm ăn cái gì tốt, lành mạnh, những dưỡng chất quí báu như pháp. Để cho Pháp bảo thấm nhuần tâm tư, làm cho thuần thục, chảy đến tim, thấm đến tủy. Làm như vậy tạo ra năm sức mạnh nội lực như:
1. TÍN LỰC – sức mạnh của niềm tin.
2. TẤN LỰC – sức mạnh của sự chuyên chú, kiên trì, kiên định, không bỏ cuộc dù gặp khó khăn, không thối lui dù gặp nguy hiểm. Tinh tấn giúp tâm vững vàng tiến bước trên đạo lộ giác ngộ giải thoát.
3. NIỆM LỰC – sức mạnh của việc trú tâm trong hiện tại, có niệm cũng giống như biết đóng cửa- mở cửa khi cần thiết, biết mình đang ở đâu và đang làm gì.
4. ĐỊNH LỰC – sức mạnh của sự định tĩnh, trong lành, an nhiên, tự tại. Khi tâm được thiết lập trên nền tảng của định ở mọi tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi; khi nói năng hay lắng nghe đều có định tâm thì bạn không bị dính mắc/ chấp thủ vào điều gì đang được nói hay điều gì đang được nghe.
5. TUỆ LỰC – sức mạnh của tuệ giác, sự hiểu biết đầy đủ liên hệ đến các hiện tượng đang trải nghiệm, đang minh sát mà không dính mắc tư lường. Hiểu biết bằng cái tâm trong sạch không bị chướng ngại bởi các tư tưởng, khái niệm, ấn tượng trong quá khứ; cũng không có lo lắng tưởng tượng cho tương lai; không bị chi phối bởi thương – ghét khi tiếp xúc với các đối tượng hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác, đụng chạm, ý tưởng, vv.
(Ref. Food for Thought, by Achan Lee Dhammadharo)