Quán pháp trên pháp đối với 7 giác chi
“Này các tỳ kheo, tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với 7 giác chi. Này các tỳ kheo, thế nào là tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với 7 giác chi.
Này các tỳ kheo, ở đây tỳ kheo nội tâm có niệm giác chi hay nội tâm không có niệm giác chi, biết rằng nội tâm tôi không có niệm giác chi; và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi , vị ấy biết rõ, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành,vị ấy biết rõ như vậy.
Hay nội tâm có trạch pháp giác chi, có tinh tấn giác chi , có hỷ giác chi, có kinh an giác chi , hay nội tâm có định giác chi, hay nội tâm có xả giá chi biết rõ nội tâm tôi có xả giác chi, hay nội tâm tôi không có xả giác chi , biết rõ nội tâm tôi không có xả giác chi; và với xả giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với xả giác chi nay đã sanh, được tu tập viên mãn, vị ấy biết rõ như vậy.
Như vậy vị ấy quán pháp trên các nội pháp hay sống quán pháp trên các ngoại pháp, hay sống quán pháp trên các nội ngoại pháp hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên các pháp hay vị ấy sống quán tánh trên diệt tận trên các pháp. Có những pháp ở đây, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm và vị ấy không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các tỳ kheo, như vậy các tỳ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy giác chi”
Đây là bài kinh Tứ Niệm Xứ về phần niệm giác chi, chính là chánh niệm Tứ Niệm Xứ này.
1/ Niệm: là sống trong hiện tại, biết rõ niệm giác chi, là sự có mặt của tâm với những gì xảy ra chung quanh mình hay bên trong mình, có như thế nào mình biết như vậy. Cái yếu tố niệm này cực kỳ quan trọng, khi có chánh niệm, có niệm thì ta không có sự lãng quên. Còn khi có sự lãng quên làm theo thói quen hay sự thúc giục nào đó bên trong, nghĩa là bị thất niệm hay không có chánh niệm. Khi niệm có mặt thì biết là niệm có mặt, khi niệm không có mặt thì biết là niệm không có mặt.
Đôi khi người ta nói nhiều quá, trên đà “xả” các phiền giận được tích tụ trước đó, người ta rất dễ mất chánh niệm. Nếu có người nhắc nhở để đưa họ về chánh niệm thì rất tốt. Có người có thể không chịu vì đang trên đà nói, nói liên tục, khi nói nhiều quá chúng ta rất dễ bị mất chánh niệm. Trong số học viên của chúng ta có ai nói nhiều quá mất chánh niệm không? Rất dễ mắc phải chuyện này vì mình nói huyên thuyên, nói dài thành ra nói dại, nói hết chuyện khôn đến chuyện dại nói luôn. Nói dài nói dai nói dại, đừng nói nhiều nữa, nói nhiều thì chuyện gì cũng nói ra, chuyện không hay cũng nói luôn, điều đó không tốt chút nào cả. Đôi khi không phải nói nhiều mất chánh niệm, mà khi mình hát, mình nhảy, mình ăn uống cũng mất chánh niệm. Khi nói nhiều mình bới móc quá khứ nhiều lắm, mình bị cầm tù trong quá khứ và bị mất chánh niệm.
Chánh niệm là có mặt trong hiện tại đang là. Trong bài kinh này, đầu tiên chánh niệm là chánh niệm trên hơi thở, sự có mặt với hơi thở. Thầy Nhất hạnh hay dùng chữ có mặt, Sư Cô rất thích chữ “ có mặt” này. Có mặt với hơi thở, có mặt với thân thể này, có mặt với cảm giác đang xảy ra, có mặt với những ý tưởng trong tâm đang xảy ra, đang hình thành, đang phát triển và đang chạy nháo nhào trong đầu của chúng ta. Khi chúng ta có mặt như vậy, thì ở đây niệm giác chi là yếu tố cực kỳ quan trọng, nó xuyên suốt bài kinh này và niệm cũng xuyên suốt trong hành trình tu tập trong đạo Phật, không thể thiếu yếu tố này.
Trong tất cả các nhóm của yếu tố giác ngộ, của những phẩm chất làm nên giác ngộ đều có niệm hết. Do đó trong 7 yếu tố giác ngộ làm cô đọng lại, hầu hết tất cả các pháp hành mà chúng ta phải có, thì bắt đầu từ niệm giác chi. Khi niệm có mặt, chúng ta biết có niệm, khi không có niệm chúng ta biết là bị thất niệm, và khi biết mình bị thất niệm thì việc đầu tiên của người có tu tập là làm cho niệm có mặt, niệm chưa sanh hãy làm cho niệm sanh khởi. Khi niệm có mặt rồi thì lập tức chúng ta đang ở trong lĩnh vực của mình.
Có một câu chuyện như thế này, Đức Phật nói một vị tỳ khưu phải cần ở trong lĩnh vực của mình, nếu không ở trong lĩnh vực của mình thì vị đó trở thành con mồi của ma vương. Mất chánh niệm ta sẽ trở thành con mồi của ma vương giống như người lái xe có thể gây ra tai nạn khi mất chánh niệm. Mất chánh niệm ta sẽ nói những chuyện không nên nói, sau đó cảm thấy ân hận, cảm thấy sám hối, vì vậy ngày nào cũng sám hối hết, vì sao? Vì mình mất chánh niệm, thất niệm một cái là mình có thể đi vào lĩnh vực của ma vương ngay lập tức, mình vặn vẹo câu chuyện của người khác hoặc đôi khi người ta nói thế này mình hiểu như thế kia, mình không có chánh niệm thì cái lắng nghe của mình thật sự không tốt. Thay vì mình nghe người ta nói thì mình thêu dệt những câu chuyện trong đầu và mình tưởng là người ta nói như vậy, sau đó mình đi kể với người khác là người ta nói như vậy, thế có phải mình đã phạm vào khẩu nghiệp rồi không, không mà nói có, có mà nói không. Khi mình lắng nghe người khác mà không có chánh niệm là mình bị những ý nghĩ trong đầu mình chen vào thông điệp của người ta muốn truyền đạt, do đó người ta nói một đường mình hiểu một nẻo, cái này cực kỳ nguy hiểm và đem đến rất nhiều phiền não cho chính mình, cho cả hai và cho cả thế giới này nữa, có phải như vậy không?
Do đó chánh niệm khi nói, chánh niệm khi lắng nghe và chánh niệm khi im lặng là cực kỳ quan trọng, chánh niệm khi học, chánh niệm khi tương tác và chánh niệm khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nuốt, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, chánh niệm mọi lúc mọi nơi, chánh niệm khi rửa chén khi nấu cơm, khi nhặt rau, chánh niệm khi lau nhà, chánh niệm khi sử dụng computer, khi nhắn tin khi nghe điện thoại. Nếu như ta có thể chánh niệm mọi lúc mọi nơi như vậy thì phiền não không có chân đứng, phiền não sẽ không có đất mà sanh khởi. Khi chúng ta có chánh niệm mà khi bị thất niệm thì chúng ta dễ dàng để trở về với chánh niệm ngay, còn nếu người chánh niệm yếu hoặc là không có chánh niệm thì phần lớn sống trong lãng quên, những người như vậy khi có chánh niệm họ cũng không biết, khi không có chánh niệm họ cũng không biết thành ra đó là điều đáng tiếc cho họ.
Đức Phật nói người sống không có chánh niệm như người chết rồi, còn người có chánh niệm và có sự tinh cần thì Đức Phật nói người đó bất tử (Pháp Cú 21). Vì sao? Khi có chánh niệm thâm sâu, chánh niệm đã đi đến thành yếu tố giác ngộ rồi thì chúng ta vượt thời gian, chúng ta không sống trong thời gian bình thường nữa, do đó không có quá khứ không có tương lai, chỉ có hiện tại và cũng không bị chìm đắm trong cái hiện tại đó, mà thấy tất cả các pháp đến, đi, sanh khởi, có mặt hay không có mặt. Và khi chánh niệm đi đến chỗ đầy đủ và viên mãn rồi thì đời sống của người đó cực kỳ nhẹ nhàng, cực kỳ trầm tĩnh.
Chúng ta tu tập trong giáo pháp của Đức Phật là để rèn luyện cái yếu tố giác ngộ đầu tiên này, và nếu như có yếu tố giác ngộ đầu tiên này thì những yếu tố giác ngộ sau sẽ dần dần đi đến viên mãn và chín muồi, chúng ta sống trong cái thân xác này nhưng chúng ta không còn chấp thủ nữa, chúng ta có sự giác ngộ, chứng ngộ Niết bàn ngay trong đời này, có sự tịch diệt, sự tĩnh lặng, không còn sự phiền não nào nữa hết. Chánh niệm khi đi, khi đứng, khi nằm, ngồi, nói hay nghe hay làm bất cứ việc gì cũng đều có mặt của tâm tỉnh giác, trọn vẹn trong đó thì cuộc sống của chúng ta rất ít gặp sai lầm, có thể nói gần như không có sự sai lầm, chỉ khi bị thất niệm thì ta mới bị sai lầm rất nhiều, nên yếu tố chánh niệm này cực kỳ quan trọng là như vậy đó.
Niệm để biết cái gì? Biết rõ ở đây, biết với trí tuệ chứ không phải biết qua cái tưởng. Bình thường không có chánh niệm chúng ta biết qua cái tưởng, và biết qua cái tưởng cực kỳ nguy hiểm. Còn ở đây là biết qua trí tuệ, không qua cái tưởng, không có thêu dệt trong đó, cái biết này mới thật sự biết pháp như nó đang là, còn biết qua cái tưởng là ta đã vặn vẹo nó, không còn như nó đang là nữa. Để biết được pháp như nó đang là thì chúng ta mới thực sự sống với thực tại, còn biết qua cái tưởng của chúng ta là chúng ta không sống trong thực tại mà chúng ta sống trong cái tâm thức bị vô minh che lấp, bị nghiệp của quá khứ, bị điều kiện của quá khứ, những kinh nghiệm của quá khứ, không thực sự biết rõ pháp như nó đang là. Do đó chánh niệm, yếu tố giác ngộ đầu tiên là cực kỳ quan trọng.
Khi có niệm trên thân, khi có niệm trên cảm giác, khi có niệm trên tâm thức và khi có niệm tương tác giữa các căn và trần thì cái gì sanh khởi là biết cái đó, cái gì không có mặt là biết không có mặt, cái gì có mặt là biết nó có mặt. Đời sống như vậy là đời sống của con người có trí tuệ, biết mọi thứ như nó đang là, không phải biết qua tâm tưởng của chúng ta.
2/ Trạch pháp giác chi: Yếu tố thứ hai trong bảy yếu tố giác ngộ, đó chính là Trạch pháp giác chi. Trạch pháp giác chi này là soi sáng thực tại, chánh niệm là sống trong thực tại, còn Trạch pháp là soi sáng thực tại. Sống trong thực tại chưa chắc là soi sáng thực tại, có khi sống trong thực tại mà chú tâm nhiều vào một đối tượng, định tâm nhiều quá thì chúng ta chỉ thấy một phần rất nhỏ thôi. Sư Cô thấy mọi người thực hành ở giai đoạn nào đó họ không nhìn lên, họ không nhìn chung quanh mà họ chỉ nhìn một phần nhỏ trước mặt và họ chỉ biết một phần rất nhỏ đó mà thôi. Có lần họ đi đến chùa Sư Cô đang ở thì Bảo Tháp ở đây khác với Bảo Tháp bên Miến Điện. Bảo Tháp ở đây rộng có thể làm chánh điện được và có rất nhiều tượng Phật và có rất nhiều đồ đẹp trong đó, nhưng người đó đã sống ở Miến Điện một thời gian và người đó có chánh niệm nên chỉ thấy trước mặt, nên khi thấy bảo tháp này thì ngay lập tức nghĩ là giống như Bảo Tháp bên Miến Điện, không có lối vào bên trong. Khi đến chùa này thì Bảo Tháp là nổi bật nhất thì người đó thấy được Bảo Tháp màu vàng nhưng vì người đó quen ở Miến Điện, ở Thái lan là Bảo Tháp không đi vào bên trong được, chỉ có đi xung quanh và bên ngoài thôi thì ngay lập tức người đó nghĩ Bảo Tháp này cũng như vậy.
Người đó có chánh niệm nhưng không có Trạch pháp giác chi, là biết có Bảo Tháp nhưng không biết trong Bảo Tháp có cái gì hết và Bảo Tháp đó có đi vào được hay không, và người đó đến chùa ba, bốn lần rồi nhưng vẫn không nghĩ là trong Bảo Tháp có cái gì và cứ nghĩ là Bảo Tháp không đi qua được, trong khi đó Bảo Tháp có 3 cái cửa rất lớn xuyên thấu mà người đó không hề nhìn thấy. Có bao giờ chúng ta bị chuyện này không? Vì người đó đã từng gặp rất nhiều bảo Tháp ở Thái lan và Miến Điện không đi vào được nên gặp Bảo Tháp ở Mỹ người đó cũng nghĩ ngay Bảo Tháp ở đây cũng giống như ở Miến Điện, đây là chùa Miến Điện không đi vào bên trong được mặc dù có ba cánh cửa mở toang ra thì người đó cũng khăng khăng bảo rằng Bảo Tháp này bên trong không có gì cả. Đó là có chánh niệm mà không có trạch pháp giác chi. Thấy mà không khám phá ra cái gì trong đó hết, không khám phá ra pháp đó có cái gì trong đó hết, thì cái thấy như vậy có trọn vẹn chưa, có bao quát chưa? Chưa. Thấy trọn vẹn bao quát và hiểu nó như thế nào, trong đó có cái gì thì cực kỳ quan trọng. Chẳng hạn, có chánh niệm, có thân đây, biết là mình có thân nhưng không biết thân đang thở như thế nào, hơi thở đó ngắn hay dài, nặng hay nhẹ hay khò khè nặng nề, cái đó cũng có chánh niệm để biết cái thân nhưng chỉ biết phần thô ráp mà không biết vi tế của nó.
Trạch pháp giác chi, soi sáng thực tại này chính là biết những phần vi tế của nó, biết cái phần bên trong của nó, biết mặt trái phải khác nhau của nó. Nó thuộc về tuệ phần, tuệ phân tích: Biết rõ, và khi biết rõ như vậy mình sẽ trở nên rất nhanh nhạy, mình sẽ biết cái gì cần thêm cái gì cần bớt như một người nấu ăn thiện xảo, lúc mới tập nấu ăn người đó phải làm theo công thức và làm rất chậm, ngay cả làm theo công thức và làm rất chậm mà món ăn cũng không ngon, không thiện xảo được.
Ở Thành phố Penang-Malaysia, có tiệm phở xào của một người Tiều, người cha đã làm hơn 70 năm rồi từ khi mới 7-8 tuổi bây giờ ông đã gần 80 tuổi rồi, ông làm món phở xào rất ngon và con trai của ông đã gần 60 tuổi khi 6-7 tuổi đã đứng cùng ông, giờ ông đã gần 60 tuổi và có tay nghề trên 50 năm mà không bao giờ làm tốt bằng người cha được. Bây giờ người cha rất già rồi muốn nghỉ hưu nhưng người con và người cháu nội đứng bếp (người cháu nội cũng gần 30 tuổi rồi và có thời gian đứng bếp độ 20 năm rồi) nhưng không thể làm tốt bằng ông Nội được và mất khách dần dần. Cũng giống vậy, người hành thiền, thiện xảo thành ông Nội trong lĩnh vực hành thiền chánh niệm rồi thì người đó không chỉ có chánh niệm mà người đó còn có yếu tố trạch pháp chi có mặt trong hiện tại, và yếu tố soi sáng thực tại này của họ cực kỳ tinh vi đến nỗi không có gì lọt qua mắt tâm, mắt tuệ của họ. Ở giai đoạn này là họ đang phát triển con mắt tuệ, con mắt thứ ba. Đây là con mắt của tuệ giác, biết rõ pháp đó như thế nào, pháp đó cần phải như thế nào nữa thì nó mới đi đến chỗ hoàn mỹ, mà nếu không biết rõ chúng ta cứ ở phần thô ráp hoài thì không bao giờ đi tới cái vi tế bên trong được hết.
Mỗi ngày nếu chúng ta thực tập 2 yếu tố này, con mắt tuệ này ở đâu? Nhiều người nói nó nằm ở giữa hai chân mày trên trán của chúng ta. Con mắt tuệ này thấy bao quát, thấy rất chi tiết rõ ràng, thấy chi tiết nhưng không bị lạc vào chi tiết mới hay. Chúng ta thường thấy chi tiết và lạc trong chi tiết, còn ở đây thấy chi tiết mà không bị lạc vào trong chi tiết thì mới hay, thấy một bức tranh tổng thể và biết ráp từng phần của nó, để thấy gì? Tất cả các pháp hữu vi đều không bền vững, nó là các phần ráp lại với nhau để trở thành một cái tổng thể như vậy, họ thấy toàn cảnh của bức tranh chứ không phải thấy một phần của bức tranh. Bình thường khi không có chánh niệm hoặc chánh niệm còn hời hợt thì chúng ta chỉ thấy một phần của bức tranh mà không thấy tổng thể, giống như người tín nữ mà Sư Cô nói đi đến chùa này ba bốn lần rồi thấy Bảo Tháp mà chỉ biết có chánh niệm biết đây là Bảo Tháp nhưng không thấy bất cứ chi tiết nào của Bảo Tháp hết, trong khi bảo Tháp này có 3 cánh cửa vào trong mà người đó không thấy và cứ nghĩ tháp như bên Miến Điện không đi vào trong được. Thì chánh niệm như vậy không trở thành chánh niệm trong yếu tố giác ngộ được, chánh niệm đó còn rất thô thiển mà không có yếu tố trạch pháp giác chi, không có soi sáng thực tại thì chúng ta không biết những chi tiết của nó, không thấy bức tranh tổng thể. Và khi thấy được bức tranh tổng thể như vậy rồi thì ta biết tất cả chỉ là các mảnh ghép và các mảnh ghép này có thể tan rã bất cứ lúc nào, mảnh ghép này có thể như thế này như thế kia nhưng sẽ thay đổi, chúng ta có thể thấy được từng điều đó và chúng ta biết cần phải làm như thế nào, thì chúng ta mới biết điều chỉnh như thế nào cho đúng tròn vẹn nhất trong hoàn cảnh khi đó. Còn chỉ có chánh niệm thôi thì đôi khi người ta chỉ cứng đơ, máy móc. Nếu có thêm pháp trạch giác chi, có yếu tố giác ngộ thứ hai thì chúng ta trở nên linh hoạt, không còn thụ động nữa, chánh niệm mang tính thụ động nhưng trạch pháp giác chi thì mang tính chủ động.
Do đó tu không phải là thụ động, nếu cứ nghĩ tu là thụ động, phải thụ động thì cái tu đó chỉ là tu một phần máy móc ở bên ngoài, tu theo công thức mà thôi chưa không phải tu theo sự linh hoạt của trí tuệ, tu có yếu tố trí tuệ trong đó. Tu có yếu tố trí tuệ thì tu rất linh động, thấy bức tranh toàn cảnh và biết cách thay đổi để cho bức tranh đó hợp lý hơn, hợp cảnh, hợp tình hơn, vừa có lý vừa có tình trong đó chứ không phải chỉ có lý mà thôi theo cách máy móc cứng nhắc. Do đó yếu tố trạch pháp này cực kỳ quan trọng. Do đó nếu pháp trạch giác chi này chưa có thì phải làm cho nó có mặt, và khi nó có mặt rồi phải làm cho nó phát triển tròn đầy viên mãn.
Có người hỏi Sư Cô tại sao đi mới một lần trên con đường đó mà Sư Cô biết rõ con đường, công viên đó, đi một lần sau đó 1- 2 năm thậm chí 3-4 năm mà Sư Cô còn nhớ rất rõ cái gì nằm ở đâu, vì sao? Chánh niệm làm mình nhớ được, còn bức tranh trạch pháp làm cho mình thấy con đường nào đi đến chỗ đó và nó xuất hiện trong thời gian bao lâu. Họ hỏi tại sao Sư Cô biết trong khi họ đi 4-5 lần mà không nhớ được. Sư Cô biết chi tiết mà không bị lạc vào chi tiết, lần sau đi đến chỗ đó mình phát hiện ra cái gì là có Trạch pháp giác chi và mình trở nên cực kỳ tỉnh giác, có trí tuệ nhận biết một cách rất sâu sắc, vì không những biết một cách sâu sắc mà còn biết ở mức độ cần thiết và mức độ không cần thiết như thế nào, không dư mà cũng không thiếu và không còn máy móc nữa. Nếu như thực sự chúng ta biết được trong yếu tố giác ngộ đến yếu tố thứ hai này rồi thì chúng ta rất ít để bị chìm đắm trong hiện tại, ngay cả khi mình buồn mình biết có buồn. Trong quán pháp thì cái buồn thuộc về pháp nào? – Một trong năm Triền cái, buồn thuộc về sân, không bằng lòng với thực tại, có chánh niệm để biết thực tại mà tâm mình không bằng lòng với thực tại thì có sự sân, sự bực bội, sự buồn trong đó. Buồn là một dạng của sân, là một trong năm triền cái, ta biết có triền cái này đang hiện diện trong tâm, chứ không nói là người đó làm cho tôi buồn, vậy là không có chánh niệm mà đó là ta đang có phi như lý tác ý, mà khi có phi như lý tác ý là ta không có trí tuệ. Trạch pháp giác chi này là ngược lại, là biết rõ, có buồn biết rõ có buồn và biết trạch pháp là mình có buồn, vì sự việc xảy ra không giống như mình mong đợi thì mình buồn, mình có sân, vậy mình có đổ lỗi cho bên ngoài hay bên trong không? Không. Mình sẽ có như lý tác ý, khi có như lý tác ý, mình thấy pháp nó có như vậy, nó vận hành như vậy, có nguyên nhân có điều kiện như vậy thì mình không trách ai hết, mình chỉ thay đổi nguyên nhân và điều kiện thì pháp đó sẽ thay đổi. Khi không có trạch pháp giác chi thì biết không có trạch pháp giác chi, và khi trạch pháp giác chi chưa sanh khởi thì mình biết nó chưa sanh khởi.
Sư Cô nhớ là mình cũng bực mình về người đó chậm chạp quá, vụng về quá thì ngay lập tức Sư Cô thấy tâm mình đang bực bội, đang buồn và mình nhìn rõ lại như vậy và thấy rằng tại vì mình có sự so sánh, mình làm công việc này rất nhanh, thiện xảo còn người này làm rất vụng về , mất nhiều thời gian, khi nhìn lại như vậy mình không trách người đó, mình cũng không trách mình tại sao lại buồn, tại sao tu bao nhiêu năm rồi mà thỉnh thoảng mình vẫn bực bội khó chịu như thế này, và khi nhìn lại thì pháp đó biến ngay lập tức, còn khi cái triền cái vẫn chưa biến mất thì chưa có trạch pháp giác chi, ta phải làm cho trạch pháp giác chi có mặt.
Khi tu tập đến chỗ yếu tố chánh niệm tỉnh giác này có mặt mọi lúc mọi nơi, niệm giác chi và trạch pháp giác chi trở nên thâm sâu, sắc bén rồi thì tâm trở thành công cụ rất hữu ích. Khi nó trở thành công cụ rất hữu ích để phá tan màng vô minh, tham ái, sân hận, si mê trong bản thân mình thì cái đó trở thành linh dược tối cao.
Đó là lý do vì sao 7 yếu tố giác ngộ này khi người nào đó bị bệnh chúng ta tụng và nhắc nhở người đó thực hành 7 yếu tố giác ngộ này thì cơn bệnh sẽ qua được liền, họ sẽ đủ sức mạnh để vượt qua thực tại đau đớn và khó chịu, họ tạo ra nguồn năng lượng mới, chính Trạch pháp giác chi này là game thủ. Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi, trong kinh doanh ai là người thay đổi cuộc chơi, luật chơi? Nếu chúng ta xem tu hành như một cuộc chơi, xem như một cái game có 7 con bài, 7 con bài đó là 7 yếu tố: Niệm, Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, An tịnh, Định và Xả. Bảy con át chủ bài này chúng ta có thể thay đổi cuộc chơi được không, chính là thay đổi môi trường bên trong của chúng ta đây, nghĩa là nếu biết chơi thuần thục 7 con bài này thì mình sẽ thay đổi được môi trường bên trong, từ việc thay đổi môi trường bên trong chúng ta có thể thay đổi được môi trường bên ngoài. Và khi biết như vậy mà chúng ta không làm gì cả thì có thay đổi được không? Không. Do đó yếu tố giác ngộ thứ ba cũng rất quan trọng, đó là Tinh tấn giác chi.
3/ Tinh tấn giác chi: là phải có nội lực trong đó, phải có năng lực trong đó thì mới thay đổi được. Thứ nhất, là phải nhận biết: Chánh niệm hay Niệm giác chi nhận biết; Thứ hai là soi sáng, nhận biết thực tại; Thứ ba là cần phải có năng lực để thay đổi, tự nó sẽ thay đổi và chúng ta phải biết rõ sự thay đổi đó. Yếu tố này chính là năng lượng để cho nó vận hành, không có năng lượng nó không vận hành được. Biết, biết rõ và biết cái gì cần phải thay đổi và thay đổi như thế nào để cho tốt hơn chứ không phải chỉ biết thụ động mà không làm gì hết. Do đó nếu chưa tu tập đến 7 yếu tố giác ngộ này thì sự tu tập của chúng ta không có hữu dụng gì bao nhiêu. Có hữu dụng hay không là làm cho 7 yếu tố giác ngộ này đi đến viên mãn và biết như game thủ biết 7 con bài này phải thay đổi như thế nào, gia giảm như thế nào, ván bài thắng hay thua, kết cuộc ra sao.
Ở trong bài kinh này có 3 yếu tố: Chánh niệm, Tỉnh giác, Tinh tấn hay nỗ lực đầu tư năng lượng . Trong 7 yếu tố giác ngộ thì yếu tố năng lượng này là tinh tấn. Nếu như có Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi rồi , thí dụ mình đang nói mình biết mình đang nói, trạch pháp giác chi là biết mình nói lố mất rồi, thì tinh tấn giác chi là mình phải dừng chuyện nói lố đó lại, vì nói lố là bất thiện. Tinh tấn giác chi ở đây là phải dừng chuyện bất thiện đó lại.
Có một lần, có một cô đó mới tu, đôi khi cô ấy cũng nói nhiều lắm và nói cả những điều không nên nói và sau đó thì cổ nhận ra ngay và nói: “Sư Cô ơi con bị khẩu nghiệp rồi”. Đôi khi biết đó là khẩu nghiệp nhưng cổ không dừng lại được, vẫn tuôn ra những lời nói xấu, bôi bác, châm biếm chọc giận người khác. Đó là theo tập khí của quá khứ, khi đó Sư Cô đứng bên cạnh và Sư Cô kêu cô ấy dừng lại đi, cổ không dừng lại được và phải nói cho hết đà, nói lố mà phải nói cho hết đà, nói cho đã miệng mới dừng lại được, thì chánh niệm như vậy có tinh tấn không? Tinh tấn đó bị thất bại rồi, không dừng lại được. Sư Cô nói Cô thấy chưa, cô biết bị khẩu nghiệp rồi mà không dừng lại được cô vẫn tiếp tục khẩu nghiệp khi nào cho hết kho tàng khẩu nghiệp trong cô, lúc đó cô mới chịu dừng lại và sau đó cô lên chánh điện dập đầu sám hối lia lịa..
Chúng ta có bị như thế này không, thỉnh thoảng cũng bị phải không? Làm, nói biết có gì sai rồi nhưng không dừng lại được vẫn cứ lấn tới, đó là tinh tấn rất yếu, không ngăn ngừa được ác pháp đã sanh và không làm cho nó dừng lại, ác pháp đã sanh cũng không biết làm cho nó chấm dứt, và thiện pháp chưa sanh cũng không biết làm cho nó sanh ra, thiện pháp sanh rồi cũng chưa biết làm cho nó phát triển, lớn mạnh. Đó là function hay chức năng của tinh tấn. Có khi chuông đồng hồ báo thức rồi nhưng dậy đập cái đồng hồ một cái rồi ngủ tiếp, tinh tấn rất yếu! Chúng ta thỉnh thoảng vẫn bị như vậy, có chánh niệm. có trạch pháp giác chi biết là cần phải làm như vậy, cần phải thức dậy nhưng tinh tấn không có, tinh tấn quá yếu đuối, quá muội lược nên không đem thiện pháp vào được. Có rất nhiều tình tiết trong cuộc sống nếu không có tinh tấn thì chúng ta không làm được và sau đó chúng ta tự trách chính mình, cảm thấy tự ti, người tự ti thường do có năng lựợng yếu, năng lượng không đủ mạnh để vực dậy, thay đổi một tư thế, một kiểu dáng như thế nào đó mà bất thiện. Do đó tinh tấn cũng rất quan trọng. Function hay chức năng của tinh tấn là ngăn ngừa những ác pháp đã phát sanh, chặn đứng được những ác pháp chưa phát sanh không để cho nó phát sanh, chẳng hạn như biết mình sắp nói bậy rồi thì dừng lại không nói nữa, chặn đứng lại bằng cách ngậm một miệng nước và quyết không nhả nó ra. Các vị trưởng lão thời xưa làm như vậy, họ biết khi ra đường có người sẽ hỏi họ và họ sẽ nói quá, nói những điều không cần thiết do đó khi đi ra khỏi chùa các vị trưởng lão ấy ngậm một ngụm nước và quyết không nuốt nó cho đến khi trở lại chùa. Thỉnh thoảng chúng ta có làm như vầy để không nói bậy không? Đó là để ngăn chặn những ác pháp chưa sanh không phát sanh được. Và tinh tấn để làm gì? Khi biết mình chưa có chánh niệm nhiều thì tinh tấn làm cho có chánh niệm nhiều hơn, thiện pháp chưa sanh thì làm cho thiện pháp sanh khởi, thiện pháp đã sanh rồi thì đầu tư cho thiện pháp đó được phát triển.
Trước đây mình ít bố thí thì giờ mình bố thí, và đã bố thí rồi thì giờ bố thí nhiều hơn nữa, ví như trước đây mình có 2 quả táo có người xin mình 1 quả, mình thấy cần tặng ngay 1 quả nhưng chỉ tặng quả héo quả nhỏ quả xấu thì giờ có tinh tấn giác chi mình lựa cái tốt hơn mình cho, trước đây mình cho cái xấu cái tệ giờ mình cho cái tốt thì đó là có tinh tấn giác chi, trước đây mình có thể cho 1 nhưng giờ mình có thể cho 2. Chẳng hạn trước đây Sư Cô chỉ làm phước cho 100 vị, ngày hôm qua Sư Cô làm phước cho 1.000 vị bên Miến Điện, thì đó là mình có tinh tấn trong thiện pháp rồi, mình làm gấp 10 lần chứ không làm ít như trước đây, khi có mình sẵn sàng làm và làm ngay lập tức, chứ khi làm mà mình do dự để dành tiền khi ốm đau mình cần đi bác sĩ, cần mua thuốc hoặc có những chuyện ngoài ý muốn xảy ra mình cần sử dụng số tiền này, còn bây giờ không nghĩ như vậy nữa, để pháp lo, có bao nhiêu làm bao nhiêu, vì có bao nhiêu người đói khổ hơn mình, có bao nhiêu người cần, ở Mỹ này một bữa ăn tệ nhất cũng là 12 USD nhưng ở Miến Điện một bữa ăn của nhà sư là 70 cent chưa đến 1 USD nữa, cho nên làm phước cho 100 vị chẳng có bao nhiêu tiền hết. Vẫn số tiền đó ở Mỹ này chỉ đủ cho tối đa 10 nhà sư thôi nhưng bên Miến Điện số tiền đó mình đãi được 1.000 nhà sư, thì đó có phải là ruộng phước phì nhiêu hơn cho mình gieo không? Hơn nữa, bên đó khổ nhiều nên người ta tu tập tinh tấn hơn, khi thấy khổ nhiều thì người ta tu tập tinh tấn hơn ở nơi ít thấy khổ, do đó mà ở Mỹ khó tu, có rất nhiều người thấy ở Mỹ là khó tu, nội chuyện khi Sư Cô ngồi vô bàn ăn là phải tinh tấn để đừng ăn nhiều quá, nhiều món mình thích quá, đừng có ăn nhiều quá số lượng dạ dày mình tiêu hoá, đó cũng là một tinh tấn để ác pháp chưa sanh đừng phát sanh, vì ăn nhiều quá sau đó về phòng mình sẽ khổ sở suốt 2-3 tiếng đồng hồ làm sao cho nó tiêu hoá cái đống này mà nếu không tiêu được thì nó sẽ khổ nhiều hơn nữa, ác pháp chưa sanh đã phát sanh, vì sao? Vì mình không có tinh tấn để ngăn ngừa cái tham ăn của mình. Tham ăn, tham ngủ, tham nói, tham đủ thứ…Tinh tấn khi đi shopping nữa, ở Mỹ này có những shopping center rất lớn ở khắp nơi, vào trong đó cái gì cũng bắt mắt, cái gì cũng muốn cầm lên mua, Tinh tấn khi đi shopping ở Mỹ là gì? Mình chỉ mua những thứ thật sự cần thiết thôi.
Thiền khi đi chợ cũng rất quan trọng, và bây giờ quý vị ngồi ở nhà, ngồi trên computer họ bán hàng trên mạng và họ quảng cáo những món hàng thích quá mình click vào thấy bao nhiêu thứ hấp dẫn và có thẻ tín dụng trong tay, tinh tấn ở đây là gì, là đừng mua hàng online nhiều quá, dừng chuyện đó lại, thay vì mua hàng online chất đầy nhà những thứ không cần thiết mình hãy click vô những chỗ mà người ta đang cần sự bố thí, từ thiện, cần sự hảo tâm của mình, tinh tấn đơn giản là như vậy đó. Tuy đơn giản vậy nhưng nội chuyện khi đồng hồ báo thức reo mà ta đã khó làm rồi, giờ đó mà phải dậy để ngồi thiền , thể dục hoặc làm cái gì đó là mình không muốn dậy, chỉ muốn nằm nướng, nằm ỳ ra đó, thiếu tinh tấn. Và đặc biệt khi cơ thể mình mỏi mệt, trời lạnh giá.
Chùa Sư Cô ở trên đồi nên gió rất mạnh, có những bữa dậy mở cửa ra gió vù vù bên ngoài lạnh buốt phà vô mặt, chỉ muốn vô lại trùm chăn tiếp, nếu không có tinh tấn mình muốn nằm vùi trong chăn và nói sáng nay con bị đau đầu, bị chóng mặt, nói vậy không ai bắt lỗi mình hết nhưng như vậy là mình thiếu tinh tấn rồi. Hoặc là mình nói mấy bài kinh đọc mãi mấy chục năm rồi giờ mình nằm trên giường đọc cũng được không lên chánh điện ngồi cho nghiêm trang, cái đó cũng là thiếu tinh tấn rồi. Một nhà sư tu 50 năm, ngay tuần đầu tiên khi vô chùa là đã học thuộc bài kinh đó rồi, mà 50-60 năm cũng vẫn đọc bài kinh đó, nếu không có tinh tấn không làm được chuyện này, không có đức tin không làm được chuyện này. Bây giờ có thương các Thượng toạ, các Hoà thượng không? Một bài kinh mà họ học thuộc lòng 7 ngày đầu tiên khi mới vô chùa mà đến năm 70, 80, 90 tuổi họ cứ lên chánh điện để tụng bài kinh đó.
Thật rất đáng kính, không phải ai cũng làm được đâu, đừng nghĩ tu là dễ, vô chùa tu thử 7 ngày xem tu có có dễ không, còn dám chê các thầy các cô nữa không? Thử 7 ngày theo đúng thời khoá thử coi làm được không? Làm được gia tăng thêm 7 ngày nữa và 7 lần 7 ngày thành 49 ngày thử coi, mình có đủ nhẫn nại đủ tinh tấn để làm các công việc đó hay không? Công việc mà mình cảm thấy nhàm chán: sáng dậy quét sân, hốt lá, đúng giờ phải lên ăn cơm, đúng giờ phải lên tụng kinh, đúng giờ phải lên ngồi thiền, ngồi rất nghiêm trang dù rất chán nhưng không được vặn vẹo gì cả. Mặc dù rất lạnh nhưng không được đội mũ trên đầu, tụng kinh và lạy Phật, mình có làm được như vậy không mà nói, mà chỉ trích.
Chỉ trích kiếm lỗi người khác thì rất dễ, mà làm được như người ta hay làm tốt hơn là chuyện khó hơn rất nhiều, đừng tưởng ngồi yên mà dễ, không nói gì không làm gì mà dễ, không dễ một chút nào hết, vì trong đó phải có sự tinh tấn nữa. Tinh tấn là không nói những chuyện không đáng nói, tinh tấn là không làm những chuyện không đáng làm, chứ không phải tinh tấn là lúc nào cũng lăng xăng hết. Đó là yếu tố thứ ba của sự giác ngộ muốn trở thành game thủ chơi thì phải đủ năng lực mới thay đổi được.
4/ Hỷ giác chi :Yếu tố thư tư làm nên sự giác ngộ, đó là Hỷ giác chi: Sau khi có năng lượng rồi mình có yếu tố vui vẻ- Hỷ, không có cái hỷ này mình tu không được. Đừng nghĩ tu là cứ phải mặt chầm hầm ra, có khi tinh tấn quá thì đi đến căng thẳng; và phải có cái hỷ này, tinh tấn với sự hoan hỷ chứ không phải tinh tấn với sự nóng nảy, khó chịu, rất quan trọng. Tinh tấn với sự hoan hỷ, không có cái hỷ này chúng ta rất khó để tu, rất khó để làm thiện pháp. Làm thiện pháp, thành tựu những thiện pháp là phải có tâm vui thích trong đó, càng hoan hỷ vui thích thì phước mới lớn, còn làm mà giống như bị bắt buộc phải làm thì phước đó không lớn.
Có những người bố thí nhưng họ bị bắt buộc phải bố thí- Sư Cô thấy những người gốc Châu Á như Việt Nam, Myanmar, Thái lan, khi sang đây họ sanh con ra và muốn giáo dục con cái truyền thống bố thí cúng dường và họ dắt những đứa trẻ đến chùa và đặt những đồ cúng dường lên tay nó và bắt nó đi đến chỗ chư Tăng và đảnh lễ chư tăng, có những đứa trẻ vui thích làm còn có những đứa trẻ nó làm với mặt cả đống vậy đó, vì bắt làm nên nó làm nhưng không có vui trong đó, vậy nó có phước không? Nó vẫn có phước nhưng phước đó không lớn bằng việc nó làm với tâm vui vẻ.
Cũng cùng hành động đó nhưng làm với tâm hoan hỷ thì phước lớn hơn làm với tâm không hoan hỷ. Cái hỷ giác chi này rất quan trọng, khi mình có sự vui thích, có sự thú vị trong đó thì cuộc tu này cũng có sự thú vị trong đó. Tinh tấn và thú vị khi làm điều đó, cho nên trong tiếng Anh gọi là Passion, mà tinh tấn là động lực, cònniệm giác chi là thấy những việc cần phải làm, trạch pháp giác chi là biết phải làm như thế nào, tinh tấn giác chi là đưa năng lượng vào đó và hỷ giác chi là làm với sự say mê vui thích, thì con đường thành công nó đã rất gần rồi phải không. Cũng như vậy, hỷ như thế nào khi mình có đau ốm bệnh tật. Hỷ giác chi này là tìm những pháp để nâng tinh thần mình lên, khi có hỷ giác chi cho dù thân rất bệnh. Mình quán tứ đại và sau đó mình quán tánh không thì mình không nặng nề khó chịu nữa. có thể nó không đứng dậy được, nó không ăn được, ăn vào không tiêu hoá được nhưng mình không bị trói buộc trong thân nặng nề bệnh tật đó nữa. Hỷ giác chi này đưa tinh thần của mình lên một tầng mức mới, nó khiến cho tâm này không bị lệ thuộc vào cái thân nhiều quá nữa, thậm chí nó còn có thể tách rời ra khỏi cái thân và nó có niềm vui riêng của nó, nó không bị hoàn toàn lệ thuộc vào cái thân và nó không bị lệ thuộc hoàn toàn vào vật chất chung quanh nữa.
Vào thời Đức Phật có một nhà sư, nhà sư đó trước đây từng là vua và có rất nhiều binh lính canh gác, ở trong cung điện có 7 tầng canh gác. Khi là ông vua nằm trên long sàng có 7 tầng canh gác như vậy mà vẫn không cảm thấy an toàn, vẫn lo lắng sợ hãi vì biết ngôi vị của mình có nhiều người ham muốn, muốn ám sát mình để giành vương vị đó, do đó giấc ngủ của một ông vua như vậy không tròn giấc được, lúc nào cũng lo lắng sợ hãi mặc dù có nhiều quân lính canh gác rồi vẫn sợ bị ám sát bất cứ lúc nào. Vậy nên ông đi tu, ông giao vương vị cho con trai lớn của mình và ông xuất gia, ông ngồi dưới gốc cây thiền định và đạt đến hỷ lạc và ông kêu lên “sướng quá! sướng quá!”, khi các vị tỳ kheo khác đi ngang qua cứ nghĩ là ông này đang mơ màng về những ngày xưa còn làm vua, những ngày xưa thân ái được người ta cung phụng cung phi mỹ nữ, cung phụng được nhiều lính canh nhiều quan chức ca tụng, nịnh hót cho nên nghĩ đến các món cao lương mỹ vị cho nên bây giờ ngồi dưới gốc cây mà vẫn kêu lên sướng quá sướng quá. Khi câu chuyện đến tai Đức Phật thì Đức Phật kêu sư đó đến và hỏi, khi sư nói sướng quá sướng quá là liên hệ đến pháp nào, có phải liên hệ đến quá khứ của sư không thì sư bảo thưa Đức Thế Tôn, sướng quá sướng quá không quan hệ đến quá khứ của con mà liên hệ đến pháp hiện tại, bây giờ con là một nhà sư, con không có nhà, không có chùa, con ngồi thiền dưới gốc cây nhưng hỷ lạc tràn đầy không lo lắng sợ hãi gì hết, trước đây con làm vua nhưng không bao giờ có cảm giác an toàn cả mặc dầu có rất nhiều lính canh, ở trong cung điện được bảo vệ rất kỹ lưỡng mà con không cảm thấy an toàn, còn bây giờ con không được ai bảo vệ cả, con chỉ có pháp bảo vệ con, con ngồi dưới gốc cây mà cảm thấy an toàn, con không lo lắng sợ hãi, đi thiền hành xong con có thể ngủ trên đống lá khô mà không có lo lắng sợ hãi gì cả, và con cảm nhận được cái hỷ lạc này tràn đầy nên con nói sướng quá sướng quá, bây giờ con thực sự tự do rồi, còn trước đây con có quyền lực và được bảo vệ rất kỹ càng nhưng con không có tự do, con không có an toàn, còn bây giờ con có tự do có an toàn và con có hỷ lạc này do đó khi con nói sướng sướng quá nó liên quan đến pháp hiện tại chứ không phải là pháp quá khứ. Cho nên cái hỷ lạc này dù cho có một công ty hay một tập đoàn nào đó chưa chắc đã có niềm vui thanh thản như người nông dân đó ở trong túp lều của mình hay ở giữa đàn vịt hay đàn bò của mình.
Có rất nhiều câu chuyện minh hoạ cho chuyện này: Có một giáo sư Kinh tế học người Mỹ đi đến thăm đất nước Brazil, thấy một người đánh cá, ông ta đang ngồi chơi guitar với mấy đứa con, có những đứa trẻ chạy chung quanh và vợ ông ta ở gần đó nướng bánh, gia đình ông ta rất hạnh phúc, ông chơi guitar và đứa con gái lớn hát với cha, đứa con trai nhỏ chạy loanh quanh gần đó, còn người vợ thì đang nướng bánh và cá. Nhà Kinh tế học đó thấy gia đình này vui vẻ hạnh phúc quá mới đến gần và hỏi ông làm nghề gì, ông ta bảo làm nghề đánh cá, vợ ông làm nghề gì, vợ tôi bán những con cá mà tôi đánh được, hỏi một ngày ông thức dậy lúc mấy giờ, tôi thức dậy vào 5h và 5h30 tôi đã chuẩn bị xong đồ nghề và tôi ra khơi trước khi mặt trời lên. Sau khi mặt trời lên chút xíu là tôi đã có đủ cá để cho vợ tôi mang đi bán, và vợ tôi sau khi mang cá ra chợ bán thì mua một ít bánh, ít bơ và một số đồ khác để nấu ăn và chúng tôi sum họp gia đình, tôi có đủ cho một ngày và đôi khi tôi cũng làm dư dư ra một chút để có đủ cho ngày hôm sau nếu như tôi không đi đánh cá được. Cái ông giáo sư này tính toán ra và nói như vậy mỗi ngày ông chỉ làm có 2 tiếng đồng hồ, vợ ông cũng chỉ làm việc 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng đồng hồ, tại sao ông không làm nhiều hơn, ông đánh cá hỏi lại làm nhiều hơn để làm gì, ông giáo sư nói để dành để một ngày nào đó ông trở thành triệu phú, lúc đó thay vì ông đánh trên con thuyền nhỏ như thế này ông hãy vay vốn và đầu tư vào một con thuyền lớn và thuê khoảng 10 người nữa cùng đánh cá và theo tính toán của tôi thì chỉ sau 1 năm ông có thể tạo ra một đội tàu nhỏ và 3 năm sau ông có tạo ra một đội tàu lớn ông sẽ trở thành CEO của một công ty đánh cá, và sau khoảng 20 năm ông sẽ trở thành một người cực kỳ giàu có và ông có thể nghỉ hưu, con ông có thể được gửi đến những trường đại học danh giá nhất và ông có thể nghỉ hưu an nhàn bên vợ. Ông đánh cá này suy nghĩ một hồi rồi nói, bây giờ tôi cũng đang an nhàn bên vợ con chứ cần gì phải làm 20 năm 30 năm để được anh nhàn bên vợ con? Khi đó vợ tôi già rồi không còn vui vẻ để nướng bánh khi tôi hát và đàn như thế này nữa, khi đó con tôi cũng lớn lên rồi nó cũng có cuộc sống riêng của nó, nó đâu còn quanh quẩn bên tôi trong một gia đình sum vầy bên bờ biển như thế này. Cách suy nghĩ của người đánh cá, người ngư dân giản dị là như vậy, mỗi ngày họ được những con cá và vợ đem cá ra chợ bán mua đủ thức ăn về cho cả gia đình, ngồi sum vầy bên nhau dưới ánh hoàng hôn, chồng có thể chơi đàn, vợ có thể nướng cá, nướng bánh, con có thể chơi đùa ở gần đó và hát cùng nhau, chơi cùng nhau và đi ngủ cùng nhau. Còn vị giáo sư Kinh tế học của Mỹ tính toán đầu tư như vậy để sau 1 năm có lời bao nhiêu và 10 năm có lời bao nhiêu, 20 năm, 30 năm có lời bao nhiêu, có quý giá là như thế nào. Vậy ai vui vẻ hơn ai? Anh chàng đánh cá hay ông giáo sư Kinh tế học Mỹ, ai cũng có lý của họ hết.
Thực ra câu chuyện này Sư Cô chỉ muốn nói, niềm hỷ lạc này không phụ thuộc vào những gì chúng ta có hay những giá trị vật chất, mà hỷ lạc này liên hệ đến những giá trị tâm linh, giá trị tinh thần ở bên trong chứ không nhất thiết phải giàu có, phải ở nhà cao cửa rộng, ở chùa đẹp có đông đồ chúng mới có niềm vui, phải ở vị trí tốt của xã hội thì mới có niềm vui được. Niềm vui đó có thể rất nhỏ, mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, có thể chọn nhiều hơn chứ không phải một niềm vui. Và khi có yếu tố hỷ lạc này rồi thì chúng ta làm gì cũng được, ở đâu cũng được, không thành vấn đề nữa, làm gì cũng vui hết, ăn gì cũng vui hết cho dù bữa ăn đó là cao lương mỹ vị hay cực kỳ thanh đạm, chúng ta cũng có thể vui đau có liên hệ gì đến bên ngoài. Chúng ta có chuỗi ngọc trai rất đắt tiền hay có vào viên sỏi đế mà chơi hay vào viên bi để chơi thì đâu có ảnh hưởng nhiều đến niềm vui mà chúng ta có, Chi Hỷ lạc này cực kỳ quan trọng và khi có hỷ lạc này trong bất cứ hoạt động nào thì năng lượng của chúng ta nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
5/ Khinh an giác chi : Và năng lượng nhẹ nhàng này được nói đến trong yếu tố thứ năm trong 7 yếu tố giác ngộ là Khinh an giác chi: Thân tâm nhẹ nhàng thư thái. Khi có hỷ lạc rồi thì sau đó cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái. 2 yếu tố hỷ và nhẹ nhàng thư thaí này đối ngược với bệnh trầm cảm, lo lắng bất an, hỷ đối ngược với trầm cảm, hai cái này làm nhân cho cái kia sanh ra, không có hỷ thì không có nhẹ nhàng thư thái được (gọi là khinh an), khinh an là thân và tâm đều nhẹ nhàng và thoải mái hết. Khi mình đang có trạng thái nhẹ nhàng thoải mái như thế này thì cho dù chuyện gì xảy ra cũng không làm cho mình phiền não được, có người chỉ trích, nói những lời nặng nề với mình nhưng mình vẫn mỉm cười thoải mái được, khi đó họ càng nổi điên hơn nữa, vì họ không chia sẻ năng lượng điên rồ của họ cho mình được, vì sao? Vì có bức tường để cho những tiêu cực của họ không xuyên qua mình được, không thẩm thấu vô trong mình và mình không bị đàu độc bởi những môi trường xấu. Cái bức tường này là hỷ giác chi và khinh an giác chi, nó bảo vệ mình rất tốt trước những nghịch cảnh của cuộc đời, ngay cả trước khi mình có thân bệnh, tâm mình sẽ không bị bệnh, mình vẫn có thể nhẹ nhàng thư thái được, mình có thể sống giữa thế gian đầy phiền não bất an nhưng mình không bị phiền não bất an. Hai yếu tố Hỷ và Khinh an này mà tu tập làm cho sung mãn làm thành cỗ xe, làm thành lớn mạnh viên mãn thì ở đâu mình cũng không có phiền não hết, còn hai yếu tố này chưa được mạnh mẽ như vậy thì mình rất dễ bị lây nhiễm những phiền não của thế giới chung quanh mình. Do dó khi bệnh là khi thân thể và nội tâm mình có những điều khó chịu nặng nề đau đớn mà mình biết được 2 yếu tố này thì mình vượt qua bệnh tật rất dễ dàng, có thể mình không cần thuốc hoặc thuốc ít mà mình cảm nhận được nhiều hơn, mình dễ được thoát khỏi bệnh tật hơn, mình không bị bệnh tật chi phối, không bị những giá trị vật chất chung quanh minh hay là những môi trường sốnhg chung quanh mình ảnh hưởng vì mình đã có pháp bảo vệ, và đây chính là thần chú, là bùa hộ mạng tốt nhất cho mình. Hôm trước có người phật tử gọi điện cho Sư Cô hỏi bùa hộ mạng, Sư Cô nói bùa hộ mạng tốt nhất chính là 7 yếu tố này, không có bùa hộ mạng nào tốt hơn 7 yếu tố giác ngộ này hết, Sư Cô không làm bùa mà Sư Cô đọc cho người ta hiểu 7 yếu tố giác ngộ này thôi và biểu người ta phải thực hành, vì có 7 yếu tố giác ngộ này thì không có bùa ngãi nào có thể hại được mình hết, vì đây chính là bùa ngãi tốt nhất của mình, có tinh tấn, có niệm, có trạch pháp giác chi, có hỷ giác chi, khinh an giác chi thì đây chính là lá bùa tốt nhất không có bùa nào tốt hơn được hết.
Hôm qua Sư Cô có nghe một bài pháp của Ajahn Brahm giảng năm 1970, ở Thái lan có 3 vị Tăng, vị đầu tiên gọi là Vua Sãi và 2 vị Phó Vua Sãi, vị thứ ba giảng pháp giỏi và rất nổi tiếng và rất tham vọng, vị thứ hai thì tu tập rất hiền thục. Vị thứ nhất là Vua Sãi lớn tuổi, cũng đang đau ốm và theo đúng luật thì vị phó tăng thống thứ hai rất tham vọng vị trí phó tăng thống thứ nhất nên khi nói pháp ông cứ thêm chỗ này thêm chỗ kia, thời kỳ đó ở Thái lan rất sợ cộng sản, nói ai thân với cộng sản là người ddos sẽ gặp nguy hiểm, cho nên vị thứ ba này khi nói pháp hay khi làm gì cũng chêm vào để buộc tội vị thứ hai đó là có xu hướng theo cộng sản, bao che cho cộng sản. Và với những lời buộc tội như vậy, buộc tội rất tinh tế và cuối cùng thì chính phủ của thái thời kỳ đó đang rất sợ những người cộng sản nên đã bắt nhà sư phó tăng thống thứ nhất đó nhốt tù 3 năm, trong khoảng thời gian đó vị Tăng thong viên tịch và vị phó tăng thống thứ hai là người đã thêu đẹt những câu chuyện khiến cho vị tăng thống thứ nhất phải vô tù được lên làm tăng thống. Nhưng cái gì đạt được một cách bất thiện thì có tồn tại lâu được không? Không tồn tại lâu. Trong 1 lần đi phật sự, xe có 8 người, có 1 xe đi ngược chiều bị mất tay lái và đâm vào chiếc xe này, có 1 vị chết còn 7 người kia không bị gì cả, vị được quyền tăng thống đó bằng những lời nói của mình đã khiến cho vị phó tăng thống thứ nhất vô tù một cách không có căn cứ gì cả và vị đó được lên làm quyền tăng thống một thời gian nhưng không lâu, vì vị trí đó đạt được một cách bất thiện cho nên bị tai nạn và chết. Và khi xe bị tai nạn như vậy, trên xe chỉ có 1 người bị còn 7 người kia không bị gì cả thì người ta biết đó là do nghiệp. Và nghiệp gì khiến cho người đó bị như vậy, sau đó thì vô tình người ta phát hiện vị phó tăng thống thứ nhất bị bắt oan vô tù khi đó đã 3 năm trong tù, hỏi vị đó có oán trách gì với cái người đã gián tiếp làm cho mình phải vô tù không, vị đó nói tôi không hề nghi ai làm cho tôi vô tù cả, và hỏi ở trong tù vị đó cảm thấy ra sao, tôi cảm thấy rất thoải mái, tôi không bị ai hỏi pháp, không bị ai quấy rầy về thủ tục hành chính nữa hết, suốt ngày tôi ngồi thiền tụng kinh, tất nhiên vị đó là vị tăng lớn vô tù nên cũng có đặc cách hơn những người bình thường, tất nhiên là cũng do phước của vị đó nên ngay khi ở trong tù cũng được đối xử rất tử tế và trong phòng biệt giam cảm thấy đó là cái thất riêng của mình, không bị ai quấy rầy hết. Ngài tu tập thiền định rất sung mãn, hỷ lạc cũng như khinh an rất sung mãn, không cảm thấy giống như ở tù nên mỗi khi vị đó xuất hiện người ta chỉ thấy vị đó như một vị thánh tăng, gương mặt vẫn hồng hào, đôi mắt sáng đầy từ bi, cho nên ngay cả các tù nhân và quản giáo cũng kính phục quỳ lạy, cúng dường và phục vụ đầy đủ, cho nên vị đó 3 năm ở đây tu tinh tấn và tuyệt vời nhất, chì vì vị đó không bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của vị kia, vị bị tham vọng đứng thứ ba đó cho nên vị này được phước đức tăng trưởng còn vị kia phước đức ngày càng giảm nên chỉ lên làm quyền tăng thống một thời gian rất ngắn rồi bị tai nạn chết. Do đó hỷ lạc, tinh tấn và nhẹ nhàng khinh an này không bị lệ thuộc vào hoàn cảnh của người đó mà lệ thuộc vào nội tâm người đó tu tập đến mức độ như thế nào, không liên qua đến vị trí xã hội của người đó, giống như vị phó tăng thống thứ nhất đó, bị bắt và buộc tội một cách vô căn cứ và đem vô tù nhưng môi trường ở trong tù đối với vị đó không khác nhau bao nhiêu hết. Vị trí từ một vị phó tăng thống thứ nhất để trở thành 1 tù nhân bị cáo buộc là theo cộng sản, ở Thái lan bị cáo buộc là cộng sản ở thời đó cực kỳ lớn, chuyện rất nguy hiểm, giống như bây giờ mà chúng ta bị nói là theo những người khủng bố vậy đó, có thể bị người ta đối xử nghi ngờ và rất tồi tệ. giống như Sư Cô ở Mỹ này mà bị buộc tội theo cộng sản thì cũng rất nguy hiểm, không phải bởi những người Mỹ mà bởi những người Việt, hoặc chống cộng, họ cũng có thể buộc tội Sư Cô như vậy và họ cũng có thể tấn công Sư Cô bất ngờ, tấn công bằng miệng hay tấn công bằng tay chân hay súng đạn. Vị phó tăng thống thứ hai này bằng các hình thức khác nhau đã buộc tội vị tăng thống thứ nhất để vị đó phải vào tu để mình chiếm cái vị trí làm quyền tăng thống đó, nhưng cái gì đạt được một cách bất thiện thì nó cũng ra đi một cách bất thiện như vậy, và đương nhiên với những ác nghiệp đã làm như vậy vị đó chết vì tai nạn như vậy chắc chắn cõi tái sanh không thể tốt được, còn người bị buộc tội vô căn cứ bị giam nhốt 3 năm như vậy không bị ảnh hưởng vì nội lực tu tập của vị đó rất tuyệt vời, do đó vị đó không bị ảnh hưởng gì hết.
Do đó, khi chúng ta có những yếu tố giác ngộ này rồi thì vị trí của chúng ta, vị thế của chúng ta treong thế giới vật chất không còn quan trọng nữa, những năng lực phát triển bên trong mới thật sự quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta chứ không phải những giá trị vật chất ở bên ngoài. Khi đi đến chỗ nhẹ nhàng thư thái khinh an, khi đó có thể thực sự nói thân có thể bệnh nhưng tâm không bệnh, thế giới bên ngoài có thể ô nhiễm nhưng thế giới bên trong không ô nhiễm. Khi nhìn một người tu hành nào đó thấy được sự thư thái nhẹ nhàng an tĩnh của người đó chúng ta sẽ biết người đó có tu tập hay không, ngay cả khi người khác làm sai trái đối với họ cũng không ảnh hưởng đến sự an tĩnh thư thái của họ. Còn sự tu tâ[j, đức của chúng ta chưa dày, gốc đức còn rất mỏng , phước mỏng tội dày thì khi người ta làm điều sai trái nhỏ xíu thôi cũng mất bình tĩnh, sân si nổi nóng rồi, cũng buộc tội này kia kia nọ rồi. Với một người đức dày, gốc đức đã được vun bồi thì dù người ta có thể sai trái rất nhiều nhưng không thể mất đi sự bình thản an nhiên ở họ, đó mới thật sự là an nhiên giữa đời sống.
6/ Định giác chi : Khi có yếu tố thứ năm này rồi nó sẽ làm nhân làm duyên cho các yếu tố khác, yếu tố đó là An Định giác chi, an rồi mới định được, không an thì không có định được. Hỷ-An-Định. Định giác chi rất quan trọng, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, đời có thể thay đổi nhưng tâm của vị đó bất động, Tam Ma Đề hay là Tam Muội, lửa Tam Muội, tâm không còn lung lay nữa. Định này có thể là định từ thiền hay định từ sát-na, tâm không còn dao động nữa cho dù chuyện gì xảy ra, tâm người này không còn dao động nữa, tâm của vị này đi đến chỗ bất động rồi và đây là cốt lõi của việc hành thiền. Tâm bất động trước mọi diễn biến của đời sống. Khi có Định giác chi thì dù cho thân thể có bệnh đi nữa thì vị đó không cảm thấy đau, vì yếu tố nhân gần với nó là Hỷ, khinh an. Không có hỷ không có khinh an thì không có định được. Khi có định rồi thì cho dù có đau cũng không cảm nhận cái đau đó khó chịu nữa. Do đó một người có thể bị ung thư giai đoạn cuối, có định thì họ không cảm thấy đau, không cần thuốc giảm đau và họ có thể trụ được và gương mặt họ không cảm thấy có vấn đề gì cả, vẫn an tĩnh, vẫn thư thái cho dù thân có thể vẫn đang rất bệnh kịch liệt, có thể rất đau đớn mà họ không bị ảnh hưởng bởi những cảm thọ đau, cảm thọ khổ đó nữa. Khi đến chỗ Định giác chi này rồi có thể mới nói là “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” được, còn chưa đến chỗ này thì ta không thể nói như vậy được.
7/ Xả giác chi: Yếu tố cuối cùng của 7 yếu tố giác ngộ là Xả giác chi: Khi có định rồi thì Xả rất dễ, còn không có định thì xả rất khó. Xả là không nắm bắt, không thủ giữ nữa. Khi nào tâm hoàn toàn buông thư, buông xả, không còn chấp, không còn nắm bất cứ chỗ nào nữa hết, thấy pháp như nó đang là, thấy và biết hết tất cả, thiện, bất thiện, khổ, vui, không vui, tất cả hương vị của đời sống mà không bám chắc vào đâu hết cả, người ta làm cho mình vui, người ta làm cho mình buồn, thiện hay bất thiện, đó là nghiệp của người ta, mình không vì nghiệp của người khác mà cũng có những điểm tương đương nữa, khi này họ có thể đáp ứng chứ không phải phản ứng, nói theo ngôn ngữ của thầy Viên Minh, đáp ứng khác với phản ứng. Đáp ứng là xả với con mắt tuệ, trong tình huống như vậy cần phải đáp ứng như thế nào chứ không phải là phản ứng lại với tình huống đó. Khi chúng ta còn phản ứng lại là yếu tố định của chúng ta chưa tốt, yếu tố buông xả của chúng ta chưa tốt nên chúng ta phản ứng lại theo tập quán, tập khí của chúng ta nữa, thì chúng ta được gọi là con người giác ngộ, sống trong thế gian này mà không thuộc về thế gian này nữa, sống với tâm giác ngộ.
Vậy 7 yếu tố giác ngộ này chính là lá bùa hộ mệnh tốt nhất cho tất cả mọi hành giả. Hôm nay Sư Cô giảng bài pháp 7 yếu tố giác ngộ này là Sư Cô đang cho quí vị lá bùa hộ mệnh tốt nhất chứ không phải cho những lá bùa hộ mệnh tầm thường đâu, và khi có lá bùa bao gồm 7 yếu tố này được tôi luyện kỹ càng như vậy rồi, bắt đầu từ Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi và Xả giác chi. Bày tài sản này được tôi luyện qua lửa Tam Muội rồi thì đó chính là lá bùa hộ mệnh tốt nhất của chúng ta, cho dù thân thể này như thế nào, thế giới này như thế nào thì tâm của chúng ta không còn bị đảo điên nữa./.