Chanda (dục), từ ngữ căn chad: ao ước, muốn, đặc tánh của Chanda là muốn làm (kattukamyatà), giống như đưa tay để nắm đối tượng. Có 3 loại chanda:
1. Kàmacchanda nghĩa là tham dục, hoàn toàn bất thiện;
2. Kattukamyatà chanda chỉ là sự ao ước muốn làm, không thiện không ác;
3. Dhammachanda, pháp dục, tức là ham muốn chơn chánh.
Tiến trình tâm tạo ra đau khổ – xung đột trong thế giới
Trong Kinh Sakkapanha – Đế Thích Vấn Đạo (DN. 21), khi nói đến tiến trình duyên khởi của các phiền não ách nạn khiến chúng sinh không thể sống hòa bình an ổn, đức Phật dạy:
“Ích kỷ (issa) và hẹp hòi (macchariya), do nhân duyên gì, do tập khởi gì, cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì ích kỷ và hẹp hòi có mặt? Cái gì không có mặt, thì ích kỷ và hẹp hòi không có mặt?
– Này Thiên chủ, ích kỷ và hẹp hòi do ưa ghét (piya –apiya) làm nhân duyên, do ưa ghét làm tập khởi, ưa ghét khiến chúng sanh khởi, ưa ghét khiến chúng hiện hữu, ưa ghét có mặt thì ích kỷ và hẹp hòi có mặt; ưa ghét không có mặt thì ích kỷ và hẹp hòi không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, ưa ghét do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến chúng sanh khởi, cái gì khiến chúng hiện hữu, cái gì có mặt thì ưa ghét có mặt? Cái gì không có mặt thì ưa ghét không có mặt?
– Này Thiên chủ, ưa ghét do ý muốn (chanda – dục) làm nhân duyên, do dục làm tập khởi, dục khiến chúng sanh khởi, dục khiến chúng hiện hữu. Ý muốn có mặt thì ưa ghét có mặt; ý muốn không có mặt thì ưa ghét không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, nhưng ý muốn do nhân duyên gì, do tập khởi gì? Cái gì khiến ý muốn sanh khởi, cái gì khiến ý muốn hiện hữu? Cái gì có mặt thì ý muốn có mặt? Cái gì không có mặt thì ý muốn không có mặt?
– Này Thiên chủ, ý muốn do suy nghĩ (tầm – vitakka) làm nhân duyên, do suy nghĩ làm tập khởi; suy nghĩ khiến dục sanh khởi, suy nghĩ khiến dục hiện hữu. Suy nghĩ có mặt thì dục có mặt; suy nghĩ không có mặt thì dục không có mặt.
– Bạch Thế Tôn, suy nghĩ (tầm) lấy gì làm nhân duyên, lấy gì làm tập khởi? Cái gì khiến suy nghĩ sanh khởi, cái gì khiến suy nghĩ hiện hữu? Cái gì có mặt thì suy nghĩ có mặt? Cái gì không có mặt thì suy nghĩ không có mặt?
– Này Thiên chủ, suy nghĩ lấy các loại vọng tưởng hý luận (papañcasaññāsaṅkhā) làm nhân duyên, lấy các loại vọng tưởng hý luận làm tập khởi. Các loại vọng tưởng hý luận khiến suy nghĩ sanh khởi, các loại vọng tưởng hý luận khiến suy nghĩ hiện hữu. Do các loại vọng tưởng hý luận có mặt thì suy nghĩ có mặt. Do các loại vọng tưởng hý luận không có mặt thì suy nghĩ không có mặt”.
Trong bài pháp trước chúng ta đã bàn về cái tâm xấu xí nhỏ nhen là mắt xích cuối trong tiến trình tạo ra đau khổ bất an khiến chúng sinh mặc dù mong muốn sống trong hòa bình và hợp tác, nhưng lại cứ bất hòa và khổ sở tranh đấu, hơn thua và bực tức không yên. Trong bài pháp này, chúng ta sẽ nói đến một mắt xích khác cũng không kém phần quan trọng trong tiến trình này, đó là dục (tham), là chanda trong tiếng Pali. Trong ngữ cảnh của bài kinh Đế Thích Vấn Đạo thì chữ chanda này có nghĩa là ‘ý muốn’.
Trong Khổ Đế, có một loại khổ được gọi là “cầu bất đắc khổ”. Tức là muốn mà không đạt được thì cảm thấy khổ. Dục khiến cho ưa thích (piya) và không ưa thích (apiya) sinh khởi. Dục (chanda) là một tâm sở trung dung, không thiện mà cũng không ác, chúng chỉ là những ý muốn khác nhau. Khi hoàn cảnh tương tác xẩy ra hợp với ý muốn của mình thì mình thích, ưa, muốn tiếp tục nhiều hơn; ngược lại khi những tương tác và nhân duyên khiến cho chuyện xảy ra không như ý mình thì mình thất vọng, bất mãn, không thích và cảm thấy khó ưa. Đúng ý mình thì mình cho là tốt, không đúng ý mình thì mình cho là xấu. Và từ cái tâm phân biệt ‘tốt’ – ‘xấu’ dựa trên tiêu chuẩn của các ý muốn nhất thời do tâm trạng mà chúng sinh đánh giá con người và các sự kiện xẩy ra xung quanh theo tiêu chí của bản ngã và các khái niệm & định kiến đã thủ chấp trước đó.
Ý muốn hay dục (chanda) chỉ là một sự khởi tâm theo một hướng nào đó, đã bị điều kiện hóa bởi các ý tưởng (vitakka) trước đó. Do có suy nghĩ tầm cầu, mà người ta muốn cái này cái kia, đôi khi là “được voi đòi tiên” – những nhu cầu bất tận không có điểm dừng. Muốn nhiều quá, không biết dừng thì không bao giờ thỏa mãn. Mãi mãi chạy theo những cái hư danh, phù phiếm và không thực tế, luôn luôn thất vọng và bất mãn đi đến các trạng thái bức xúc, phẫn nộ rồi hờn giận cả thế giới.
Ý muốn hay dục đến từ suy nghĩ, và suy nghĩ đến từ vọng tâm, vọng tưởng. Ở đây dục (chanda) là mong cầu. Có hai loại mong cầu: kāmachanda là dục tham, thường là bất thiện vì nó liên hệ đến các loại dục lạc từ sự hưởng thụ qua các căn. Mắt thích nhìn sắc đẹp, tai thích nghe tiếng hay, mũi thích ngửi mùi hương thơm tho, lưỡi thích nếm vị ngon, da thích đụng chạm tiếp xúc với đối tượng mềm mại khả ái, và tâm thích các ý tưởng hào nhoáng lôi cuốn. Mong cầu thỏa mãn các giác quan khiến người ta hoạt động không ngừng để tìm kiếm nhiều hơn các thỏa mãn, và gần như không có điểm dừng nên bị cuốn vào dòng sông mê, đắm chìm trong bể ái.
Theo Abhidhamatthasangaha thì Chanda (dục), từ ngữ căn chad: ao ước, muốn, đặc tánh của Chanda là muốn làm (kattukamyatà), giống như đưa tay để nắm đối tượng. Có 3 loại chanda:
1.Kàmacchanda nghĩa là tham dục, hoàn toàn bất thiện;
2. Kattukamyatà chanda chỉ là sự ao ước muốn làm, không thiện không ác;
3. Dhammachanda, pháp dục, tức là ham muốn chơn chánh. Chính Dhammachanda này đã khiến Thái tử Tất Đạt Ta xuất gia.
Loại dục thứ ba là mong cầu pháp (dhammachanda) đây là yếu tố đầu tiên của Tứ Thần Túc (iddhipādā). Dục ở đây là mong cầu những năng lực phi phàm trong quá trình phát triển tâm linh. Ý muốn khởi lên để đắc định (chandasamādhi), nỗ lực để chứng đắc (vīriyasamādhi), nhiệt tâm tinh cần để đạt đến định (cittasamādhi) và các năng lực thần thông, và suy xét để lựa chọn phương pháp thích hợp và hiệu quả nhất để phát triển (vīmaṃsāsamādhippadhānasaṅkhāra). Đây chính là bốn căn cứ để từ định lực phát triển thành thần thông và các khả năng phi thường được gọi là Lục Thông. Trong Tương ưng như ý Túc, đức Bổn Sư dạy chư Tỳ Kheo rất chi tiết về việc duy trì và phát triển dục như ý như sau:
“—Có bốn như ý túc này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn. Tu tập như thế nào làm cho sung mãn như thế nào, này các Tỷ-kheo, bốn như ý túc này có quả lớn, có lợi ích lớn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, dục của ta sẽ không có quá thụ động, sẽ không có quá hăng say, sẽ không co rút phía trong, sẽ không phân tán phía ngoài, an trú với tưởng trước sau đồng đẳng.”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm … tinh tấn định … tâm định … tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành (nghĩ rằng): “Như vậy, tư duy của ta sẽ không quá thụ động.”. Như vậy, với tâm rộng mở, với tâm không gò bó, với tâm chói sáng, vị ấy tu tập tâm.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá thụ động? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với biếng nhác, tương ưng với biếng nhác, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá thụ động.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục quá hăng say? Dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với trạo cử, tương ưng với dao động, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục quá hăng say.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị co rút phía trong? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, đi đôi với hôn trầm thụy miên, tương ưng với hôn trầm thụy miên, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị co rút phía trong.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là dục bị phân tán phía ngoài? Lòng dục nào, này các Tỷ-kheo, hướng về phía ngoài, duyên năm dục trưởng dưỡng, bị phân tán, bị phân ly, này các Tỷ-kheo, đây gọi là dục bị phân tán phía ngoài.” (Sam. 51: tương ưng như ý túc, II:20 –Phân tích)
Dục hay ý muốn mãnh liệt là điều không thể thiếu đặt nền tảng cho mọi thành công, dù thế tục hay tâm linh. Tứ Thần Túc này cũng có thể áp dụng cho những thành công của thế gian. Mọi thành tựu đều bắt đầu từ ý tưởng, viễn cảnh nào đó. Từ ý muốn đến tinh tấn (viriya), nỗ lực về viễn cảnh đó với tâm nhất như (citta), chuyên chú vào mục đính đã chọn, không bị phân tán bởi những ý muốn khác. Và trí tuệ suy xét (vimamsa) để chọn lựa con đường thực thi hữu hiệu nhất. Dục như vậy là thiện dục – yếu tố cần thiết để phát triển vật chất cũng như phát triển tâm linh.
Tuy nhiên, chúng sinh trong thế giới, hay ngay trong một quốc gia, một cộng đồng, cho đến một gia đình, hay trong bản thân mỗi người, lại có những cái dục – ý muốn khác nhau – dẫn đến xung đột ý tưởng, xung đột lợi ích, khiến cho bất hòa nảy sinh. Do đó trong pháp thoại với vua trời Đế Thích, đức Thế Tôn chỉ ra những dục tham bắt nguồn từ suy nghĩ có nguồn gốc trong hý luận vọng tưởng, là nguyên nhân cho những yêu –ghét. Từ những yêu – ghét đó mà phát sinh ra ích kỷ- hẹp hòi, những ghen ghét và đố kỵ làm cho chúng sinh chìm trong đau khổ và bất mãn.
Tóm lại, dục hay ý muốn là một tâm sở trung dung, có mặt trong hầu hết các tâm; ý muốn hay dục không thiện cũng không bất thiện. Tùy theo đối tượng và hoàn cảnh mà nó là một biệt cảnh tâm sở như đã nói ở trên. Ý muốn mà không thực hiện được, ý muốn trái chiều và xung đột mới đem đến đau khổ. Đây chỉ là một mắt xích trong một quá trình tạo nghiệp.