Giảng sư: Ni sư, Tiến sĩ Pháp Hỷ
Ngày giảng: 17/04/2023 – Lớp thiền Tứ Niệm Xứ (khóa 2)
Người ghi: Diệu Tuệ (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)
Chỉnh sửa: Tịnh Hảo (An Văn Tân)

Chúng ta bắt đầu khóa thiền Tứ niệm xứ hay là khóa thiền quán. Thiền để phát triển trí tuệ. Để có được trí tuệ, trước hết chúng ta cũng phải có tâm an tịnh. Trí tuệ chỉ sanh khởi từ tâm an tịnh, để tâm không xao động, lăng xăng. Để tâm được an tĩnh dù áp dụng những pháp thiền bảo vệ hay pháp thiền chuẩn bị để tâm của chúng ta đi vào một hành trình phát triển tâm linh và pháp thiền bảo vệ đầu tiên là học và thực hành để cho tâm an tịnh. 

Chúng ta dấn thân vào con đường mà trước đây chúng ta chưa từng đi. Chúng ta khám phá ra rất nhiều điều nhưng trong sự khám phá này, nếu như chúng ta không được chuẩn bị kỹ, rất dễ bị thối trí hoặc thất bại. Do đó chúng ta phải chuẩn bị rất cẩn thận và pháp tu hôm nay mà Ni sư giới thiệu cho quý vị là một pháp thiền bảo vệ. Để quý vị vững vàng, an tâm hơn và tự tin hơn bước đi trên con đường phát triển tâm thức này. 

Pháp thiền đầu tiên là niệm Phật. Lúc nãy, quý vị có nghe sư niệm 10 hồng danh của đức Phật. Pháp môn niệm Phật được gọi là pháp môn tùy niệm, hay đi theo, nhớ theo, nghĩ theo. Đây là một trong 10 pháp quán tưởng và là một trong 4 pháp thiền bảo vệ, một trong 40 đề mục hành thiền. Phật tử Việt Nam rất quen thuộc với niệm Phật, pháp môn tịnh độ. Pháp môn tịnh độ niệm danh hiệu vị Phật quá khứ – Phật Tây phương giáo Chủ, là Phật A-di-đà. Pháp môn niệm Phật mà sư giới thiệu với quý vị đó là chúng ta niệm, nhớ nghĩ về đức Phật lịch sử, Đức Phật hiện tại, Đức phật Thích Ca Mâu Ni. 10 thuộc tính hay phẩm chất của Đức Phật là chung cho tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lại. Đó là những phẩm chất mà nhiều phật tử hay những người con có cảm tình với Đạo Phật, bước vào hành trình phát triển tâm thức của mình theo thiền Phật Giáo, cần phải biết, phải rõ để khi có sợ hãi, lo âu và không sáng suốt, chúng ta chỉ cần nhớ đến một câu niệm Phật thì chúng ta trở nên sáng suốt. Chúng ta sẽ hết sợ hãi, hết lo âu, hết phiền muộn. Đó chính là niệm về 10 ân đức của chư Phật. Niệm Phật là lặp đi lặp lại các danh hiệu hay phẩm chất của chư Phật.  

Theo tiếng Pali, danh hiệu của đức Phật là A-ra-hăng, Đức Phật thanh tịnh, trọn lành. Tất cả những thuộc về đức Phật đều là trọn lành, không có một chỗ nào không hoàn hảo. Chính vì trọn lành và hoàn hảo như vậy được gọi là A-ra-hăng, tiếng Hán Việt dịch là Ứng Cúng. Trường phái thiền ẩn lâm theotheo ngài Ajahn Mun và Ajahn Chah, niệm Phật lặp đi lặp lại từ Buddho (Bút-thô) nghĩa là Phật, sáng suốt, giác ngộ.  Hôm qua sư có hướng dẫn quý vị là lặp đi, lặp lại từ Buddho, Buddho trong tâm để cột tâm mình lại. Việc chú tâm, lặp đi lặp lại một từ ngữ nào đó có thể đưa tâm đến chỗ cận định. Niệm Phật ở đây không phải là niệm danh hiệu mà chúng ta soi chiếu vào từng phẩm Hạnh (Buddha Cariya) hay ân đức của chư Phật để tăng trưởng Đức tin, sự sáng suốt và quyết tâm sống trọn vẹn trên con đường Phật đạo. Và cũng nhờ vậy thấm thía sâu sắc hơn ý nghĩa của việc quy y Phật, nghĩa là chọn đi trên con đường giác ngộ, giải thoát. 

Khi một ông vua và cũng là người em họ của đức Phật, tên Mahānāma của dòng họ Thích ca đến yết kiến Đức Phật, có đặt câu hỏi một vị thánh đệ tử tại gia nên tu tập như thế nào để luôn được hoan hỷ, thanh tịnh và an ổn, tăng phước, tăng Tuệ. Đức Phật có dạy 6 pháp quán niệm và trong đó các quán niệm Phật là pháp đầu tiên. Câu hỏi của ông đệ tử: 

  • Bạch Thế Tôn đã đi đến quả, đã liễu ngộ, đã liễu giải giáo pháp, làm như thế nào để vị ấy sống một cách sung mãn? thì Đức Phật dạy: 
  • Thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp với nếp sống này sống một cách sung mãn, ở đây thánh đệ tử Niệm Như Lai: “đây là Thế tôn, bậc A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân sư, Phật, Thế Tôn”. Khi thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy tâm không bị chi phối bởi tham, tâm không bị chi phối bởi sân, tâm không bị chi phối bởi si, trong khi ấy tâm vị ấy được tránh trực nhờ dựa vào Như Lai. Một thánh đệ tử với tâm chánh trực được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan, liên hệ đến pháp. Người có hân hoan nên hỷ sanh, người có hỷ nên thân được khinh an và cảm giác lạc thọ, người có lạc thọ tâm được định tĩnh. 

Đây chính là những nhân, duyên khiến cho Pháp môn niệm Phật đem đến niềm hoan hỷ. 

Đầu tiên, khi chúng ta chú tâm niệm Phật liên tục, tâm không có tham, không có sân, không có si, không có những trạng thái lộn xộn, không bị chi phối bởi những trạng thái tiêu cực, khi ấy tâm được tránh trực, ngay thẳng. Dựa vào Như Lai, với tâm chánh trực được nghĩa tín thọ liên hệ đến pháp, tín thọ được hân hoan liên hệ đến pháp và khi có hân hoan, người có hân hoan hỷ sanh, người có hỷ nên thân được khinh an, với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ, người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Đây chính là những nhân duyên để khi chúng ta niệm Phật, chúng ta có được định. Trí tuệ chỉ sinh khởi khi có định, nếu như chưa có định không bao giờ có tuệ thực sự. Do đó người niệm Phật là đem đến sự định tĩnh của tâm. 

Vì công năng này, nên niệm Phật là một trong bốn pháp thiền chuẩn bị hay thiền bảo vệ để chúng ta chuẩn bị đi vào một hành trình có thể nói là hành trình mới mẻ hơn với chúng ta. Hành trình này có nhiều khám phá đời sống nội tâm của chúng ta, đời sống bên trong, khám phá những gì chúng ta còn gọi là tôi, là ta và cuộc đời này. Chúng ta cảm nhận cuộc sống như thế nào qua cặp mắt tuệ giác hay là cặp mắt thiện thì trước hết chúng ta phải có sự chuẩn bị chu đáo, không được chuẩn bị chu đáo thì chúng ta không thể nào dấn thân vào hành trình tâm linh này một cách thiện xảo, chắc chắn, một cách tự tin được. 

Với một người niệm Phật, vị thánh đệ tử này được lợi ích như sau:

  1.  với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản;
  2. với quần chúng còn não hại vì ấy sống không não hại.
  3. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật. 

Như vậy, niệm Phật là một pháp môn tùy niệm. Theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của sư, nên học thuộc lòng từng phẩm hạnh của chư Phật. Chúng ta cần phải học thuộc lòng từng phẩm hạnh của chư Phật. 

Một vị phật toàn giác có 10 ân đức cao quý.

Thế tôn (bhagavā), bậc Ứng Cúng (arahaṁ) hoàn toàn thanh tịnh mọi lúc mọi nơi đều xứng đáng được lễ lạy, tin tưởng, nhận lễ cúng dường. Chúng ta quy y Phật có nghĩa là chúng ta nương tựa ở bản tính hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn trong sáng.

Đức tính thứ 2 của chư Phật mà chúng ta niệm, đó là bậc Chánh Biến Tri (sammāsambuddho), là quả vị Phật toàn giác. Một vị Phật toàn giác là vị đã thực hành đủ các ba la mật, 30 ba la mật hay là 10 ba la mật ở cả 3 cấp độ: bậc hạ, trung, cao. 10 ba la mật đó gọi là Thập Độ. Một vị đã hành ba la mật trong vô lượng kiếp để trở thành một vị Phật, xứng đáng để cho chúng ta nhớ, nghĩ về, quán niệm và khi chúng ta quán niệm như vậy, chúng ta tăng trưởng cái đức tin.

Đức tính thứ ba đó chính là Minh Hạnh Túc (vijjācaraṇasampanno), một bậc có đầy đủ cả trí tuệ và đức hạnh, một vị lãnh đạo tâm linh mà có cả đức hạnh và trí tuệ đầy đủ do những ba la mật thực hành đầy đủ trong 4 A tăng tỳ kiếp và 100.000 đại kiếp. Một vị Phật tu theo hạnh trí tuệ thì phải thực hành ba la mật trong 4 A tăng tỳ kiếp và 100.000 đại kiếp theo hạnh trí tuệ. Theo hạnh đức tin thì sẽ mất 8A tăng tỳ kiếp và 100.000 đại kiếp. Một vị Bồ Tát thực hành theo hạnh tinh tấn mà khiếm khuyết 2 hạnh kia thì phải mất 16 A tăng tỳ kiếp và 100.000 đại kiếp mới có thể thành một Đức Phật toàn giác với có đầy đủ Minh Hạnh – trí tuệ và công năng thực hành, do đó đây là vị Phật xứng đáng cho chúng ta lễ lạy. 

Khi nhớ nghĩ về phẩm chất này, chúng ta nhắc nhở mình cũng phải phát triển cả đức hạnh và trí tuệ. Trí và đức phải đi kèm với nhau và thăng bằng với nhau. Trí nhiều mà đức ít thì phải phát triển thêm đức, nếu như đức nhiều trí ít thì chúng ta phải phát triển thêm trí. Do đó đức và trí những người con của Phật phải có gồm đức tin và trí tuệ chứ không phải chỉ có một phần mà thôi.  

Một phẩm hạnh nữa, gọi là Thiện Thệ (sugato), có nghĩa chấm dứt hoàn toàn khổ đau hay bậc thánh, bậc đã đến chỗ vô ngã, đi ra khỏi sanh tử luân hồi và khi niệm như thế, chúng ta cũng nhắc nhở mình phải khéo đi trong cõi sanh tử luân hồi, đi với đức hạnh và trí tuệ. Khéo đi với pháp Thiền Tứ niệm xứ này. Tâm niệm trong mọi lúc mọi nơi, mỗi bước đi của chúng ta là những bước khéo đi để ra khỏi luân hồi. 

Một phẩm hạnh nữa của chư Phật đó chính là Thế Gian Giải (lokavidū), đã liệu ngộ thế gian, bậc biết tất cả các pháp trong thế gian này. Chính là thế gian bên trong và bên ngoài, thế gian qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và những cái xúc chạm. Những thứ mà chúng ta tương tác được qua các giác quan của mình và chúng ta hình thành nên thế gian, mỗi người hình thành nên thế gian của riêng mình qua các phản ứng với những giác quan của chúng ta và cái thế giới bên ngoài và những gì chúng ta thu nhận được, gọi là 18 giới, đó chính là những thế gian mà chúng ta cần phải thấu suốt, biết rõ để có thể đi trong thế gian này một cách vô ngại. 

Đức tính tiếp theo của chư Phật mà chúng ta niệm hay nhớ nghĩ về đó chính là Bậc Vô Thượng Sĩ (anuttaro), Điều Ngự Trượng Phu (purisadammasārathi) là bậc cao tột trong thế gian, có khả năng huấn luyện quần chúng có duyên với Đức Phật. Đây là khả năng đặc biệt của đức Phật trong khi khai thị cho chúng sanh, khả năng thức tỉnh họ bằng khẩu giáo, thân giáo, ý giáo. Đức Phật dùng cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo để hóa độ chúng sanh, những người có đủ phước duyên gặp ngài và hữu duyên với giáo pháp. Ngài không nói Pháp vì lợi ích hay danh vọng của bản thân và chỉ vì lợi ích của người nghe. Chính vì vậy bậc Điều Ngự Trượng Phu nhắc nhở chúng ta là chia sẻ Pháp hay nói Pháp với mục đích như thế nào, chúng ta điều phục những tâm hồn chưa được điều phục, hướng dẫn họ đi vào con đường thiện để họ rời bỏ cái ác và hướng đến các giá trị chân thiện mỹ.

Bậc Thiên Nhân Sư là thầy của chư thiên và nhân loại (satthā devamanussānaṁ). Khi Đức Phật thuyết pháp và ngay cả các giảng sư hay các thiền sư thuyết pháp không phải chỉ có nhân loại hay những người hữu hình nghe mà chư Thiên và những người vô hình, những chúng sanh vô hình cũng có thể nghe. Cho nên Đức Phật được gọi là bậc thầy của Chư thiên và nhân loại. Đức Phật của chúng ta chính là bậc thầy của chư thiên và nhân loại. Có rất nhiều cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Chư thiên. Trong kinh điển, nhất trong Trường Bộ Kinh, cũng có ghi lại những cuộc đàm thoại giữa Đức Phật và Chư thiên và không ít lần Chư Thiên đã được khai ngộ. Mỗi khi Đức Phật thuyết pháp, có thời điểm Chư thiên đã giác ngộ nhiều hơn loài người. Chính vì vậy Đức Phật không phải chỉ là thầy của chúng ta mà là thầy của các Chư thiên và trong các cảnh giới cao hơn chúng ta nữa.

Đức tính thứ 9 là Phật đà (buddho), bậc Đại Giác, một danh hiệu chứng ngộ cao nhất của đời sống tu hành. Bậc giác ngộ là người đã giác ngộ ra đời sống bất toại nguyện, nguyên nhân của khổ đau, khổ đau hoàn toàn có thể chấm dứt được và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau đã được ngài chỉ ra trong nhiều cách, tùy theo nhận thức căn cơ của chúng sanh. “Này chư tỳ Khưu, có một người đã sinh ra và đến trong thế giới này vì những an vui hạnh phúc và lợi ích của nhân loại và Chư Thiên, người đó là ai, đó là Như Lai, Bậc Ứng Cúng, bậc giác ngộ thấu suốt toàn diện”.

Khi niệm đến Buddho, chúng ta biết đó là tỉnh giác, khả năng sáng suốt, định tĩnh trong lành, là nơi nương tựa tối thượng trong những nơi ta có thể nương tựa được.

Thế tôn (bhagavā) là thuộc tính từ 10 của chư Phật, bậc cao quý nhất trong thế giới bao gồm phạm thiên, ma vương với các cõi trời dục giới và cõi người với những tổ chức đoàn thể và từng giai tầng khác nhau. Danh hiệu Thế Tôn chỉ cho người có phước đức và trí tuệ vẹn toàn như là kết quả của việc thực hành các hạnh ba la mật đi đến viên mãn. Khi hành giả niệm Phật, chúng ta noi theo đức hạnh trí tuệ và khả năng phi thường của Đức Thế Tôn để xây dựng nhân cách niềm tin và ước vọng cho chính mình. Biết được những giá trị của bậc đạo sư, cho dù chỉ là chút xíu cũng khiến cho tâm chúng ta hoan hỷ vô cùng. Hành giả nên học thuộc các thuộc tính này bằng tiếng Pali và thầm tụng từng danh hiệu một cách chuyên tâm thiết tha và toàn tâm toàn ý khi đó tâm hành giả sẽ không bị tham sân si mạn nghi hay bất cứ trạng thái bất thiện nào chi phối. Với tâm chuyên nhất thanh tịnh như vậy, hân hoan sẽ lan tỏa khắp thân tâm của vị đó. Có hoan hỉ, có hân hoan, hỷ lạc sẽ sanh khởi, hỷ lạc đưa đến an tịnh và khinh an, đó là duyên của định. Do đó chúng ta trước khi dấn thân và con đường phát triển tâm thức nên thực hành pháp môn niệm Phật này.

Giờ chúng ta sẽ có 30 phút cùng ngồi tĩnh tâm để cùng nhau niệm Phật.

NS Pháp Hỷ Hướng dẫn thiền:

Quý vị đã có một tư thế ngồi ngay ngắn, ngồi bán kiết già, hay bất cứ tư thế căn bản. Khi ngồi thiền, lưng và cổ phải thẳng, chúng ta ngồi nghiêm trang nhưng đủ thoải mái và vững chãi, ngồi yên thân, yên tâm này. Chúng ta hãy ngồi với thân tâm đều tĩnh lặng, sau khi có tư thế thân tâm được an ổn rồi, chúng ta có thể điều chỉnh cơ thể của mình và kết nối với cơ thể qua một hơi thở thật sâu vào thở ra buông thư nhẹ nhàng. Sau khi đã hoàn toàn thư giãn, chúng ta đưa tâm về câu niệm Phật. Chúng ta có thể niệm một danh hiệu nào đó A-rá-hăng hoặc là Buddho. Chúng ta có thể chọn bất cứ danh hiệu nào mà chúng ta cảm thấy gần gũi nhất với trái tim của mình, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho… Sau khi Tâm đã hoàn toàn an trú, chúng ta chỉ cần buông thư, nhẹ nhàng và quan sát cơ thể của mình, kết nối với cơ thể và hơi thở và cảm giác. Nếu tâm vọng ra bên ngoài hãy đưa tâm về trên cơ thể mình và Niệm Phật Buddho, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho, Buddho./.

Active hours

7 -11 am và 14-21 pm giờ Việt Nam

Contact Us

Tỳ kheo ni Pháp Hỷ
Tịnh thất Metta Garden, Hòa Lạc

Thôn Lập Thành, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam

Dhammaduta © 2024. All Rights Reserved.