Theo truyền thống, Phật giáo công nhận có bốn loại ma:

  • Kleśa-māra – Phiền nào ma là các trạng thái tâm lý bất ổn bị khuấy động bởi tham- sân-si, mạn, nghi, tà kiến, ghanh tỵ, nhỏ nhen, ích kỷ, vv. Chúng thường tạo ra các vở bi –hài kịch trong cuộc sống của con người.
  • Mṛtyu-māra – Ma chết chóc, tai ương dẫn đến chết chóc, sợ hãi.
  • Skandha (khandha)-māra – Loại ma được ví von để nói lên sự bất ổn, thay đổi không ngừng của các tập hợp có điều kiện/ các pháp hữu vi hữu ngã.
  • Devaputra-māra – Ma chướng trong cõi dục giới, tượng trưng là con của các thiên thần ham chơi, ưa đùa cợt độc ác, thích thách thức và ngăn cản nỗ lực giác ngộ của con người. Loại ma này muốn giữ con người trong vòng kiềm tỏa của chúng, dưới năng lực của chúng, và không hoan hỷ thấy con người được tự do, được giác ngộ. Chúng chỉ muốn con người mãi sống trong vô minh và ái dục để chúng dễ bề kiểm soát, điều khiển. Đây là loại ma đã thách thức Bồ tát trong đêm cuối cùng khi ngài nỗ lực đạt đến giác ngộ giải thoát thành Phật. Đây cũng là loại ma đã thách thức – ngăn cản các hành giả trên bước đường tu tập theo Chánh Đạo.

Trong bài này, chúng ta chỉ tập trung vào loại ma thứ ba, tức Ngũ Ấm Ma.

Triết học Phật giáo phân tích mỗi cá thể thành năm nhóm (khandha in Pali) hay được dịch là UẨN, ẤM, tiếng Anh thường dịch là Aggregates.  Vậy năm nhóm làm thành một con người đó là những thứ gì? Chúng bao gồm nhóm Sắc (rūpakkhandha) – nhưng yếu tố cấu tạo thành thân thể và phần vật chất có thể thấy bằng mắt thường, có thể sờ mó, tiếp xúc, đụng chạm, cân đong, và đo lường được. Thọ (vedanā) Tưởng (saññā), Hành (saṅkhārā), và Thức uẩn (viññāṇakkhandha) được miêu tả trong kinh điển như sau:

“– Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn?

— Này Tỷ-kheo, phàm sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là sắc uẩn. Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn. Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại… xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn. Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại… xa hay gần, như vậy là hành uẩn. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại… xa hay gần, như vậy là thức uẩn. Cho đến như vậy, này Tỷ-kheo là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn.” (Đại kinh Mãn Nguyệt, MN.109).

Sắc uẩn ((rūpakkhandha) được cấu tạo từ bốn đại chủng (Mahābhūta – “great element”) và các yếu tố do sự kết hợp khác nhau của bốn đại chủng. Các yếu tố căn bản đó là: Đất hay Địa giới (Paṭhavīdhātu), nước – thủy giới (āpodhātu), lửa – hỏa giới (agridhātu), gió – phong giới (vāyodhātu); đôi khi yếu tố hư không (ākāsa) được thêm vào. Các yếu tố căn bản này kết hợp với nhau theo nhiều kiểu khác nhau tạo ra 24 sắc/ hình thể/ vật chất khác nhau.

Phần sắc thân này thay đổi, biến hoại theo thời gian vì chúng là những tập hợp của những tập hợp nhỏ hơn, nương vào nhau để tồn tại nên không có chủ thể (atman) nào điều khiển các tích hợp đó. Sắc thân thường được chia ra thành 32 phần để dễ quán sát, gọi là 32 thể trược, bắt đầu từ “tóc, lông móng, răng da; thịt gân xương, tủy, thận, vv. Các thành phần này lại được cấu tạo bằng các tế bào khác nhau, mỗi tế bào lại được tạo thành từ các hợp chất và nhân là các phân tử. Phân tử lại được chia nhỏ thành nguyên tử, và cứ phân tích mãi thì sắc hay phần vật chất đo lường được này trở thành các hạt photon, bước sóng, những dạng năng lượng đo lường được.

Sắc thân này bị chấp thủ vào, được xem là “ta”, là “của ta”. Sắc này khỏe – đẹp thì được vuốt ve cưng chiều, tự hào, o bế và thỏa mãn. Khi sắc này biến hoại do tai nạn hay bệnh tật, trở nên già yếu và xấu xí, người chấp thủ vào sắc thân đó đau khổ, phiền não, buồn bực và tuyệt vọng. Đức Thế Tôn khi dạy các vị tu sĩ có ví tứ đại như bốn con rắn độc. Chúng có thể hiền hòa và ngủ yên đó cho chúng ta cảm giác an toàn thảo mãn trong chốc lát, nhưng rồi chúng thức dậy, đòi ăn, đòi tắm, đòi chơi, cãi nhau và bất hòa khiến thân thể chúng ta mỏi mệt, đau đớn, khó chịu. Khi một nhà sư bị bệnh thì họ dùng mỹ từ “thân tứ đại bất hòa” để nói lên tình trạng đó.

Do sắc thân không chắc thật, chỉ là tổ hợp không bền vững của các yếu tố khác nhau, lại bị chi phối bởi NGHIỆP, THỨC ĂN, TÂM, và THỜI TIẾT – MÔI TRƯỜNG sống nên nó không THẬT  trong mắt bậc thiện trí. Nó có thể biến đổi không theo ý chí chủ quan của ai nên nó là vô ngã. Khi nó bất hòa, biến hoại và gây ra sợ hãi, khổ đau thì nó được xem là MA. Không thật chắc, huyễn hóa và đáng sợ như ma!

Sắc thân này được trực nghiệm qua các giác quan: mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc và tâm định hình các tư tưởng, ý niệm. Khi những vật chất tương ứng tiếp xúc với nhau, có cảm giác sinh khởi được gọi là Thọ Uẩn (vedanakkhandha) trong thuật ngữ Phật học. Cảm giác có thể là dễ chịu (sukha vedana), khó chịu (dukkha vedana), hay trung tính (adukkhamasukha vedana). Đôi khi thân thọ khổ nhưng tâm vẫn thọ lạc, và đôi khi thân thọ lạc nhưng tâm vẫn thọ khổ, do đó thọ cũng có thể tạm chia thành năm món. Phân biệt theo các giác quan, thọ uẩn / nhóm cảm giác lại được chia thành sáu thứ. Cảm giác sinh khởi qua con mắt tiếp xúc với màu sắc – hình thể (1); cảm giác ở lỗ mũi khi xúc chạm mùi hương (2); cảm giác xuất phát từ tai nghe âm thanh (3); cảm giác sinh ra từ việc lưỡi đang nếm vị (4); cảm giác đến từ việc thân tiếp xúc với vật xúc chạm được (5); và cảm giác có từ việc tâm nắm bắt ý tưởng (6).

Bất cứ một người tỉnh táo nào cũng có thể chiêm nghiệm được là thọ thay đổi liên tục, không giống nhau ở những thời điểm khác nhau, biến hiện không những qua các giác quan khác nhau. Có thể bạn thấy một đối tượng nào đó có gương mặt rất dễ thương, đôi mắt đắm đuối nhưng khi cô ta cất giọng nói lại làm bạn thấy ‘dội’ ngay! Như vậy ở con mắt nó là thọ lạc nhưng ở lỗ tai nó lại là thọ khổ! Hay có khi bạn ăn một món ăn nào đó thật vừa khẩu vị, nhưng mùi của nó hay hình thức của nó có thể khiến bạn thấy phản cảm, khó chịu. Như vậy các cảm giác hay thọ uẩn có thể thiên biến vạn hóa, mà sự thay đổi và phức tạp của nó lại gần như không nằm trong tầm kiểm soát của bất cứ ai. Chúng ta không thể đòi hỏi: mong cho tôi chỉ có thọ lạc/ dễ chịu; mong cho tôi đừng gặp phải điều khó chịu /thọ khổ. Vì không thể mong cầu như vậy nên thọ là vô ngã, vô sở hữu, biến hóa không ngừng, không nắm bắt được – như ma!

Như vậy nắm giữ lấy một cảm thọ nào đó, lạc, khổ, hay xả đều đưa đến mệt mỏi, thất vọng và căng thẳng vì không thể bắt cảm giác phải như thế này hay như thế kia, phải theo ý ta hay dưới sự kiểm soát của ta. Chính vì vật mà Thế Tôn đã nói: “sabbā vedanā dukkhasmim”- tất cả các cảm thọ đều là trong đau khổ”. Vâng, quả thật cảm giác khi bị chấp thủ, cố giữ thì nó ám ảnh như MA!

Cảm giác khó nắm bắt, trơn trượt nên tâm thức hình thành các ý tưởng về kinh nghiệm đang và đã xẩy ra, hay sắp xẩy ra. Đây chính là TƯỞNG UẨN (saňňākkhandha) – những khái niệm sơ khai nhất về thực tại qua các giác quan: tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Tưởng cũng được chia làm ba thời: hồi tưởng những kinh nghiệm thuộc về quá khứ, hiện tưởng là nắm bắt những gì đang xẩy ra trong hiện tại, và tưởng tượng là phóng chiếu tâm vào tương lai dự đoán về những gì chưa xẩy ra. Tưởng là khái niệm hóa những gì đã biết, đã trải nghiệm dựa trên các dữ liệu đã có sẵn. Tưởng cũng chính là những phản chiếu của sự vật – hiện tượng bên ngoài lên tâm thức tùy thuộc vào mối liên hệ giữa chủ thể và khách thể. Vì sự phản chiếu này tùy thuộc vào mối quan hệ và một số ấn tượng đã có từ trước, nên nhiều khi nó không chính xác, nó đã bị bóp méo vì các rung động trong tâm, đó là saňňā vipallaso – điên đảo mộng tưởng.

Cái biết qua tưởng (Saňjànàti) là một nhận thức trực tiếp khi căn tiếp xúc với trần mà chưa qua phân tích (thức) và đánh giá- nhào nặn lại (hành). Nếu không bị nắm bắt và thủ giữ, tưởng tri là một phần cần có của tiến trình nhận thức qua giác quan.[i] Nhưng vì khi tâm xao động do thích – ghét và những ấn tượng của quá khứ ảnh hưởng lên hiện tại, nên tưởng cũng là một ma ấm hay màng ngăn che ma mị khiến cho chúng ta không nhận thức thực tại đúng như nó đang là. Khi tâm bị khuấy động bởi phiền não nghiệp chướng, cái biết qua tưởng chỉ là những chao động và ghép nối của những mảnh thông tin đã được định hướng bởi định kiến. Chính vì vậy nó không thật. Trong một bài kinh thuộc Tương ưng, đức Phật ví tưởng như ảo hóa (SN.III.141:2). Đồng hóa với tưởng tri là cái nhận thức mê lầm “ta là thế này”, “ta là thế kia”, “ta biết cái này”, “ta biết cái kia”, “nó là như vậy”, vv. Tất cả những nhận thức bị chấp thủ như vậy đều làm thành thành lũy, từng từng lớp lớp cho kiến chấp thêm sâu dày, khó xả bỏ. Tưởng khi bị chấp thủ nó biến thành Ma! Không phải là một con ma mà là nhiều con ma chập chờn biến hiện!

Từ nhận thức sơ khai ban đầu thông qua tưởng uẩn, những ý tưởng đầu tiên trên kinh nghiệm thực tế làm nhân duyên (đồng sở duyên) cho HÀNH UẨN (saṅkhārākkhandha) – tức là những tốc hành tâm sở quyết định trên các dữ liệu đang hiện hành. Đây chính là bộ xử lý vi tính (CPU). Phản xạ, tính toán và đem ra quyết định xử lý ngay lập tức là công năng của hành uẩn. Theo Vi diệu Pháp, hành uẩn là tập hợp của 50 tâm sở khác nhau, có cả thiện, bất thiện và trung tính. Khi xử lý thông tin từ các giác quan và cùng tham dự vào tiến trình trải nghiệm này, các nhóm tâm sở hành này giống như tua bin lôi cuốn và tạo ra các uẩn khác. Một định nghĩa về Hành Uẩn (saṅkhārakkhandha) trong Tương Ưng (SN) cho thấy sự rắc rối của các hành như sau: 

Như thế nào chúng được gọi là saṅkhārā? Chúng tạo dựng những gì được cấu tạo (hữu vi) nên chúng được gọi là các hành (saṅkhārā). Như thế nào chúng tạo ra những thứ được cấu tạo? Chúng tạo ra các sắc/ vật chất để làm thành cơ thể/sắc uẩn; chúng tạo ra các phức hợp cảm thọ làm thành thọ uẩn; chúng tạo ra nhận thức có điều kiện như là tưởng uẩn; chúng tạo ra các hoạt động tâm trí có mục đích thành động lực/ hành uẩn; chúng tạo ra phức hợp tâm thức làm thành thức uẩn. Do đó chúng được gọi là HÀNH UẨN – saṅkhārā.[ii]

Trong một định nghĩa khác hành uẩn được biết đến như là các hoạt động tâm trí liên hệ đến các đối tượng của giác quan.  

Chư Tỳ khưu, cái gì được gọi là tạo tác? Có sáu loại tạo tác có điều kiện: tạo tác liên hệ đến các sắc, tạo tác liên hệ đến các âm thanh, tạo tác liên hệ đến các mùi hương, tạo tác liên hệ đến các vị, tạo tác liên hệ đến các đối tượng xúc chạm, và tạo tác liên hệ đến các hiện tượng tâm lý. Đây được gọi là tạo tác/ hành uẩn. Cùng sinh khởi với xúc, có sự sinh khởi của hành/ tạo tác; với sự đoạn diệt của xúc, hành diệt.[iii]

Trong kinh điển Pali cổ điển, chữ hành (saṅkhāra) thường được hiểu theo ba nghĩa chính:

  • Những thứ có điều kiện, được cấu tạo từ nhiều thành phần có tính chất thay đổi biến diệt liên tục; nói tóm lại, HÀNH là trạng thái không ổn định. Ví dụ như trong ngữ cảnh “sabbe saṅkhārā anicca/dukkha – tất cả các pháp hữu vi đều không bền vững/ tất cả các pháp hữu vi đều khổ não”; hay trong câu: vayadhammā saṅkhārā – bản chất của các pháp hữu vi là biến đổi (sinh – diệt không ngừng). (D.I. sutta No 16). Trong Kinh Tương Ưng khẳng định mọi thành tựu của thế gian, từ vật chất cho đến địa vị, danh tiếng, and vv đều được gọi là saṅkhāra: “Như vậy, này các Tỳ khoe, tất cả các HÀNH đó đã ra đi, đã chấm dứt, đã thay đổi. Thật vô thường là các pháp hữu vi, chư tỳ khưu, thật mong manh và không thể dựa vào chúng.” [SN. III, 22: 96]
  • Những hành động có chủ ý, hay các tương tác tạo nên NGHIỆP. Trong nghĩa này, hành bao gồm: thân hành (kāya saṅkhārā), khẩu hành (vāci saṅkhārā) và ý hành (mano saṅkhārā). Hành này cũng tương đương với mắt xích thứ hai trong 12 Nhân Duyên. Gồm ba kiểu loại tạo tác (saṅkhārā) là: (1) puññābhisaṅkhārā, các hành động thiện xảo đem đến đời sống tốt đẹp; (2) apuññābhisaṅkhārā, các nỗ lực hành động bất thiện dẫn đến tạo nghiệp xấu (3) ānenjābhisaṅkhārā – đạt đến trạng thái bất động trong thiền vô sắc (arūpajhāna)[ S.II. 12: 51; S IV, 41:6; D.33]. Trong ngữ cảnh này, các hành (saṅkhāra) chính là tiến trình tạo nghiệp. 
  •  Trong một ý nghĩa khác, saṅkhāra được hiểu là các hoạt động của tâm ý (cittasaṅkhāra), hoạt động của ngôn ngữ (vacīsaṅkhāra), và hoạt động của thân thể (kāyasaṅkhāra)[iv]. Trong ngữ cảnh này, hơi thở là thân hành, tầm (vitakka) và tứ (vicāra) là khẩu hành, cảm giác (vedanā) và nhận thức (saññā) là ý hành. Đương nhiên, chữ hành ở đây có nghĩa rộng hơn chữ hành trong HÀNH UẨN.

Chúng được xem là Ma đơn giản là vì chúng biến hiện thay đổi không ngừng, và hầu như trong các trường hợp, chúng tự động phóng tác không theo chủ ý của ai. Chúng là các TẬP KHÍ được huân tập thành thói quen cố hữu, phát tác và phản ứng theo cách chúng đã được tạo ra, đã bị điều kiện hóa như vậy. Điều gì khiến cho các hành cứ ‘nhảy ra’ một cách mất kiểm soát như vậy? Chúng ta cần phải tìm hiểu cái uẩn thứ năm trong các tổ hợp tạo nên một cá thể này. Đó là THỨC UẨN (Viññāṇakkhandha). Thức uẩn là yếu tố mà con người – chúng sinh có ý thức bám níu vào, chấp thủ bền vững trên nền tảng biến hiện này để chứng minh sự tồn tại của “ta”, ý muốn “của Ta”, sở thích, lựa chọn ‘của ta’. Nói tóm lại con người chấp thủ vào ý tưởng “đây là bản ngã của ta”. Tâm thức được ví như nhà hát nơi diễn ra các vở kịch/ tuồng khá hấp dẫn. Những biến hiện trong tâm thức mà con người bình thường ý thức được phần lớn là ảo giác. Thức uẩn đóng vai trò như một nhà ảo thuật tài ba, có thể tạo ra mọi thứ từ không có gì. Vì lý do này mà một số trường phái Phật giáo, nhất là phái Duy Thức học, tuyên bố thế giới thực ra không tồn tại, chỉ có sự biến hiện của tâm thức, tạo nên các ma cảnh mà thôi!

Chữ Thức được dịch từ chữ Viññāṇa trong ngôn ngữ Pali. Chữ thức này xuất hiện trong nhiều ngữ cảnh, như là mắt xích thứ ba trong tiến trình duyên hệ (12 nhân duyên), và là nhóm thứ năm, lớp cuối của ngũ uẩn/ấm. Thức cũng được hiểu như là các chủng tử truyền từ đời này sang đời khác trong kiếp nhân sinh. Theo nhà đại chú giải Buddhaghosa, tác giả của Thanh tịnh Đao (Visuddhimagga), thì viññāṇa, citta and mano là những từ đồng nghĩa.[Vism.XIV, 82]

Để không quá rắc rối, ở đây chúng ta chỉ xem xét cái thức này trong ba ý nghĩa chính như sau:

(1) Yếu tố nhận biết (manodhātu viññāṇa);

(2) Dòng chảy của tâm thức (viññāṇasota); và

(3) Một mắt xích nối liền đời sống này với đời sống khác (samvattanika viññāṇa or paṭisandhi citta).

Kinh điển nguyên thủy định nghĩa về thức uẩn như sau:

Chư Tỳ kheo, thế nào là thức uẩn? Có sáu loại nhận biết: nhận biết qua mắt, nhận biết bằng tai, nhận biết qua mũi, nhận biết thông qua lưỡi, nhận biết qua thân xúc chạm, và nhận biết qua tâm ý.  What, bhikkhus, is the consciousness aggregate?[v] 

Ngoài sáu loại nhận biết trên, vào thời kỳ hậu kinh điển, thức thứ bảy Tâm Thức Giới (manoviññānadhātu) được thêm vào. “Bảy loại tâm thức đó nên được biết trong ba cách: qua giác quan và đối tượng, qua đối tượng, và thông qua các trạng thái.”[vi]

Định nghĩa về thức giới (viññāṇadhātu) trong kinh Dhātuvibhangasuta (M.iii.140) có sự khác biệt so với các kinh điển khác. Sau phần định nghĩa vè các yếu tố, bắt đầu từ Địa giới (Pathavi dhātu), Thủy giới, Hỏa giới, Phong giới, Không gian giới, và cuối cùng là Thức Giới, đức Phật nói với một hành giả:

Chỉ còn lại thức: thanh tịnh và sáng chói. Người ta nhận biết điều gì với thức đó? người ta nhận ra ‘an lạc’ hay ‘khổ sở’, hay nhận ra ‘bất khổ bất lạc’.[vii]

Đây là trạng thái tâm thức trong thiền định, khi mà các triền cái che lấp tâm đã được loại bỏ, nó trở nên chói sáng, thanh tịnh, và nhu nhuyến. Một dòng tâm thức trôi chảy khi không bị lôi kéo vào những kích thích của giác quan tương tác với đối tượng nhận thức. Trong trạng thái này, tâm thức chỉ làm chức năng nhận biết của nó vijānāti, mà không phản ứng tạo tác, tức không có Hành xen vào, đây là tâm vô tác đã nằm ngoài cương giới của ma vương. Tuy nhiên chugns ta không nên lầm lẫn dòng tâm thức trôi chảy liên tục này (viññāṇasota), vốn kết nối đời sống này với đời sống khác, là linh hồn, là đại ngã. Vì theo kinh điển truyền thống, tâm thức sinh khởi do có nhân duyên, nếu thiếu vắng các nhân duyên, nó không tồn tại. Khi một vị Tỳ kheo tên Sati hiểu nhầm những gì đức Phật giảng về tâm thức là: “Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác”. Vị này đã bị đức Thế Tôn quở trách là xuyên tạc ý chỉ của ngài. Và nhân dịp này Đức Phật đã khẳng định:

—Này Sati, có thật chăng, Ông khởi lên ác tà kiến như sau: “Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác”?

—Thật sư là vậy, bạch Thế Tôn. Theo như con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này dong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.

—Này Sati, thế nào là thức ấy?

—Bạch Thế Tôn, chính thức ấy nói cảm thọ, thọ lãnh chỗ này, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác.

—Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà Ông lại hiểu pháp Ta thuyết giảng như vậy. Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, Ta đã dùng nhiều pháp môn nói là thức do duyên khởi, không có duyên, thì thức không hiện khởi? Và này kẻ mê mờ kia, không những Ông xuyên tạc Ta, vì Ông đã tự chấp thủ sai lạc, Ông còn tự phá hoại Ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho Ông.[MN. 38, Đại Kinh đoạn tận Ái]

Trong nhiều kinh điển đều khẳng định tất cả các uẩn là hữu vi, những tập hợp có điều kiện (saṅkhārā): “năm nhóm hữu vi đó sinh khởi có điều kiện, theo nhân duyên tác hợp – paṭiccasamuppannā kho pan’ime yadidaṃ pañcupādānakkhandhā[M I, 191; S I, P.135; S III, P. 115 (PTS)]. Một người đệ tử giác ngộ thì có thể thấy chúng như chúng đang là:

Hành giả hiểu tập hợp các sắc có điều kiện như nó thực chất là ‘sắc hữu vi’. Hành giả hiểu tập hợp các thọ/cảm giác có điều kiện như nó đang là ‘cảm thọ hữu vi’. Hành giả hiểu tập hợp các tưởng/ nhận thức sơ khởi qua giác quan như nó đang là ‘tưởng hữu vi’. Hành giả hiểu tập hợp các hành như chúng đang là ‘hành hữu vi’. Hành giả hiểu tập hợp các thức có điều kiện như nó đang là ‘thức hữu vi’.[viii]

Quán như vậy, thấy như vậy, người đệ tử chân chính của đức Phật không rơi vào bẫy của “ma ngũ ấm”, và có thể sống cuộc sống tự do, tự tại, vô ngã, vô ưu.

TKN. Pháp Hỷ – Ayya Dhammananda

Viết tại Tự Viện Liên Hoa, Irving, TX. USA. July 5th 2020.


[i]  S.III, 22: 56, 57: Chayime bhikkhave, saññākāyā: rūpasaññā saddasaññā gandhasaññā rasasaññā phoṭṭhabbasaññā dhammasaññā, ayaṃ vuccati bhikkhave, saññā. Phassasamudayā saññāsamudayo, phassanirodhā saññānirodho

[ii] S.III, 79; Be S.II.72: Kiñca bhikkhave, saṅkhāre vadetha: saṅkhataṃ abhisaṅkharontīti bhikkhave, tasmā saṅkhārāti vuccanti. Kiñca saṅkhataṃ abhisaṅkharonti: rūpaṃ rūpattāya saṅkhataṃ abhisaṅkharonti. Vedanaṃ vedanattāya saṅkhataṃ abhisaṅkharonti. Saññaṃ saññattāya saṅkhataṃ abhisaṅkharonti. Saṅkhāre saṅkhārattāya saṅkhataṃ abhisaṅkharonti. Viññāṇaṃ viññāṇattāya saṅkhataṃ abhisaṅkharonti. Saṅkhataṃ abhisaṅkharontīti kho bhikkhave, tasmā saṅkhārāti vuccanti.

[iii] S III, 22: 56: Katame ca bhikkhave, saṅkhārā: Chayime bhikkhave, cetanākāyā: rūpasañcetanā saddasañcetanā gandhasañcetanā rasasañcetanā phoṭṭhabbasañcetanā dhammasañcetanā, ime vuccanti bhikkhave, saṅkhārā. Phassasamudayā saṅkhārasamudayo, phassanirodhā saṅkhāranirodho.

[iv] M.I, Cūlavedallasutta: “kati panāyye saṅkhārā’ti? Tayo me avuso Visākha saṅkhārā kāyasaṅkhāro vacīsaṅkhāro cittasaṅkhāro; S IV, 41:6 Kāmabhū sutta.

[v] S II, 12: 3; S.III, 22: 56:4: Chayime bhikkhave, viññāṇakāyā: cakkhuviññāṇaṃ sotaviññāṇaṃ, ghānaviññāṇaṃ jivhāviññāṇaṃ, kāyaviññāṇaṃ, manoviññāṇaṃ. Idaṃ vuccati bhikkhave, viññāṇaṃ[80]

[vi] Vimuttimagga. The path of Freedom. Translated from Chinese by Somathera. PTS 1995. P. 251.

[vii] M.140: Athaparaṃ viññāṇaṃyeva avasissati parisuddhaṃ pariyodanaṃ, tena ca viññānena kiṃ vijānāti. Sukhaṃtipi vijānāti, dukkhaṃtipi vijānāti, adukkhamasukhaṃ vijānāti.

[viii] S.III.22. 54: Saṅkhataṃ rūpaṃ ‘saṅkhataṃ rūpanti yathābhūtaṃ pajānāti. Saṅkhataṃ vedanaṃ saṅkhataṃ vedananti yathābhūtaṃ pajānāti. Saṅkhataṃ saññaṃ ‘saṅkhataṃ saññan’ti yathābhūtaṃ pajānāti. Saṅkhate saṅkhāre ‘saṅkhatā saṅkhārā’ti yathābhūtaṃ pajānāti. Saṅkhataṃ viññāṇaṃ ‘saṅkhataṃ viññāṇanti yathābhūtaṃ pajānāti.

Active hours

7 -11 am và 14-21 pm giờ Việt Nam

Contact Us

Tỳ kheo ni Pháp Hỷ
Tịnh thất Metta Garden, Hòa Lạc

Thôn Lập Thành, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam

Dhammaduta © 2024. All Rights Reserved.