Giảng sư: Ni sư, Tiến sĩ Pháp Hỷ
Ngày giảng: 24/04/2023 – Lớp thiền Tứ Niệm Xứ (khóa 2)
Người ghi: Diệu Tuệ (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)
Chỉnh sửa: Tịnh Hảo (An Văn Tân)
Hôm nay, ngày 24 tháng 04 năm 2023, chúng ta đang trong hành trình tu tập Tứ Niệm Xứ. Chúng ta đã đi qua một tuần. Hôm nay, sư sẽ chia sẻ với quý vị pháp thiền bảo vệ thứ tư là quán vô thường và niệm chết.
Hôm qua có một người hỏi về đề tài này. Sư thấy đây là một đề tài để chúng ta có thể quán niệm trong đời sống hàng ngày. Chúng ta đều biết rằng: Đời sống là vô thường, không chỉ nhìn hoa, lá, cỏ, cây, nhìn thời tiết thay đổi, biến đổi khí hậu và chúng ta thấy nó là vô thường mà có rất nhiều cái vô thường khác nữa trong đời sống. Rất nhiều người đến với đạo là do thấy được vô thường trong đời sống. Ngày xưa, khi sư đi xuất gia cũng vì thấy sự vô thường phũ phàng. Đó là cái chết của người anh trai mình. Trước đó, hai anh em vẫn thường nghĩ là một ngày nào đó cả hai sẽ cùng lên núi tu hành, bỏ hết mọi thứ của trần gian. Chưa thực hiện được giấc mơ thì người anh đã mất. Anh mới cưới vợ được mấy tháng thì bị tai nạn và ra đi rất đột ngột. Cái sự vô thường phũ phàng đó đem đến sự đau khổ rất lớn, kinh khủng cho cả gia đình, nhất là cho người vợ mới cưới của anh cùng với đứa con mới ra đời. Đó quả thật là nỗi đau đớn vô cùng cho một người và cho rất nhiều người. Sự vô thường quá phũ phàng, tàn nhẫn.
Khi đó, sư còn non trẻ lắm và không biết được tại sao cuộc sống lại có thể phũ phàng và tàn độc như vậy. Mình không thể tưởng tượng được một người sống tốt, trọn tình trọn nghĩa với mọi người như vậy lại có thể phải chịu đựng tất cả những điều đó.
Sau này, khi đi tu và học, sư mới biết quy luật vô thường này không chừa ai hết. Người tốt hay người xấu gì cũng bị chi phối ảnh hưởng bởi đời sống vô thường. Người đẹp, xấu, sang, hèn đều bình đẳng trước thì quy luật vô thường. Nói đúng hơn, tất cả bình đẳng trước Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Không ai thoát khỏi được dù mình sống tốt, sống thánh thiện hay sống tồi tệ. Mình sống không ra gì thì cũng đều gặp gỡ vô thưởng. Thời kỳ đó sư cảm thấy rất khó để chấp nhận.
Khi vào chùa tu, công việc chính của sư cũng là tụng kinh cầu an, cầu siêu cho người ta. Phần lớn người ta đến chùa, đến với đạo cũng là do gặp vô thường trong đời sống. Người thì có thân nhân bệnh nặng, người thì chính mình bệnh nan y, người thì thân nhân chết, người thì mất nhà cửa, tài sản, mất tình yêu. Những thứ mà mình tích lũy, trân quý, mình xây dựng suốt cả cuộc đời đến khi bỗng chốc trong một phút giây, mình mất hết tất cả. Phần lớn những người đó đến tìm sự an ủi, động viên từ nhà chùa, từ Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo. Khi đầu, sư cũng gặp cái sự vô thường cho nên cả hai bên đều là đồng điệu với nhau. Sư tụng kinh mà người ta khóc quá trời vì nó nói lên cái nỗi thống khổ trong lòng mình và đồng cảm với nỗi thống khổ của người khác. Thời kỳ đó, tụng kinh cầu an, cầu siêu cho người ta thôi mà sư có rất nhiều tiền. Nhưng sư có cảm nhận là tâm mình chưa an thì sao mình có thể cầu an cho người ta, mình chết mà không biết mình sẽ đi về đâu, làm sao mình có thể cầu siêu cho người ta. Nghĩ đến điều đó, sư không có hứng thú tiếp tục tụng kinh, cầu an, cầu siêu, dù sư chưa bao giờ hỏi tiền và ra giá, nói là người ta phải đưa cho mình bao nhiêu tiền. Bằng sự cúng dường của Phật tử đủ để sư làm từ thiện cho trẻ mồ côi và nhiều việc khác nhờ mình tụng kinh bằng tấm lòng, khi đó mình cũng thực sự rất đau đớn vì sự ra đi đột ngột của người anh trai và gặp những người Phật tử gặp cái vô thường trong đời sống, những chuyện buồn, không vui mà họ đến chùa. Sau đó sư mới học cách quán vô thường của Phật giáo Nam Tông, quán và sống được với sự vô thường.
Sự ra đi đột ngột của người Anh khi hai anh em đều muốn bỏ hết tất cả mọi thứ và lên núi tu hành. Giờ anh chưa thực hiện được giấc mơ. Anh ra đi rồi, nếu mình vẫn lần lữa, chần chừ, không chịu thực hiện cái giấc mơ sâu xa nhất trong cuộc đời mình mà mình thực sự muốn nhất, đó là lên núi tu hành, sống một đời sống đạm bạc để tu hành. Liệu mình có cơ hội để làm điều đó hay không? Thực sự đó là sự thức tỉnh. Vô thường cũng có thể là thức tỉnh đối với tâm thức chúng ta. Nó đánh mạnh vào tâm thức của chúng ta, khiến chúng ta thấy được điều mình thực sự muốn làm trong đời sống này, không lần lữa, không trốn chạy và đối diện với vô thường.
Không phải tất cả vô thường đều đau khổ. Có những vô thường đem đến kỷ niệm vui nhưng niềm vui đó không phải là mãi mãi. Vô thường đem đến niềm vui và nỗi buồn. Vô thường chấm dứt niềm vui và nỗi buồn của chúng ta. Sanh, già, bệnh, chết, những thay đổi trên cơ thể. Bây giờ sư đi, mọi bước đi nó cứ kêu lắc cắc, giống như đeo lục lạc trên người vì hệ thống xương khớp suy giảm nghiêm trọng, đó cũng là vô thường, là tiến trình già tự nhiên của cơ thể. Có người già sớm hơn, có người già muộn hơn chút nhưng tất cả chúng ta đều phải già và khi trái gió trở trời, tất cả chúng ta đều bị bệnh. Rồi một ngày, tất cả mỗi bước đi của chúng ta gần hơn với mộ địa. Tất cả chúng ta đều có chung một nơi cho dù giàu sang, phú quý, bần hàn hay địa vị cao sang, cho dù thấp hèn hay thông minh. Tất cả chúng ta, một ngày nào đó đều đi đến một nơi đó là mộ địa, để xả bỏ thân xác này vì nó không phải là của ta, không theo ý ta và không phải là mãi mãi. Cho dù chúng ta săn sóc, bảo trọng nó rất tốt đi nữa, trong vòng 100 năm thôi chúng ta cũng phải tự giải phóng nó.
Quán vô thường để làm gì? Để chúng ta sanh ra tâm Samvega – cảm thấy kinh động – một thiện tâm làm động lực tu tập.
Thứ nhất, đó là biết trân trọng đời sống, trong từng phút giây. Không ai tắm dưới một dòng sông hai lần cả. Đời sống này cũng như vậy. Mỗi kinh nghiệm của chúng ta không lặp lại, nếu có lặp lại cũng ở một sắc thái mới. Chỉ khi quán vô thường và sống với Thiền quán (vipassana), chúng ta mới thấy được sự thay đổi liên tục không dừng lại trong mỗi kinh nghiệm, trong mỗi sát-na. Khi quán và nhận ra điều đó, chúng ta cảm thấy trân quý hơn đời sống này với những gì mà chúng ta đang có, vì sau này biết đâu chúng ta không còn có nữa. Đối xử tốt với những gì chúng ta đang có nhất là cơ thể này, những người thân yêu của mình để sau này không phải ân hận khi phải từ giã nó, phải buông, khi ra đi. Vì không thấy vô thường, vì chấp ngã cho nên chúng ta sống rất tồi tệ.
Sư biết một người con gái, giống như những người trẻ tuổi khác, không được học đạo, không được gặp các bậc Chân Nhân, cho nên sống cẩu thả, rất ích kỷ, vô trách nhiệm. Kết quả là cuộc đời của cô không ra gì. Cô càng cố gắng giành giật tình thương thì tình thương càng bỏ chạy, giành giật vật chất, cơm áo gạo tiền vì những thứ đó không dễ dàng để có được. Cô sống một đời sống khốn khó vì chạy theo theo tình, cố gắng giành giật thì tình chạy và cuối cùng làm mẹ đơn thân, vất vả để nuôi được con mình. Vì sự vất vả, khốn khổ đó, cô phát hiện bị bệnh ung thư. Trước đó, cô thường ganh tị, đố kỵ với những ai hơn. Ai có đời sống dễ chịu hơn thì cô ấy rất khó chịu, cô thường oán trách cuộc đời, bất mãn với người này người kia. Nhưng rồi một ngày phát hiện ra bệnh ung thư và cô biết đó là giai đoạn cuối. Sau khi đi bệnh viện điều trị hơn 3 tháng mà không chữa được. Cuối cùng, bệnh viện trả về. Khi phát hiện ra bệnh ung thư, con gái của cô ở rất xa, không thể nào về được mặc dù cháu đủ sức để gửi tiền về cho mẹ chữa bệnh và các anh chị em của cô cùng nhau góp lại để săn sóc cô rất tốt. Trước cô luôn mắng chửi, sỉ vả người khác và luôn hơn thua với người ta nhưng từ khi biết bệnh nan y, cô biết cách chấp nhận sự vô thường.
Mỗi ngày hay vài ba ngày, sư đều tụng kinh, nói Pháp với cô. Sư khuyên cổ đừng trút giận lên cơ thể mình. Sau khi nghe Pháp, sau khi gặp sự vô thường kinh khủng như vậy, Cô đã thay đổi tâm tánh hoàn toàn. Trong 3 tháng đó, Cô đã có thể lắng lòng lại nghe Pháp và tu tập và một điều kỳ diệu xảy ra trước khi mất vài ba ngày, cô biết được điều đó xảy ra với mình. Khi cô em dâu mà trước cô ghét nhất, cô hay nói những điều rất tệ với cô em dâu này, nhưng hôm đó, cô em dâu đến thì cô gọi lại nói: “Mợ đến đây đi, mợ đang có bệnh phải không? Tới nằm chỗ chị để chị vuốt lưng cho. Chị sắp đi rồi, chị sẽ đem hết bệnh tật khốn khó đi để cho mợ không phải khổ sở nữa. Mợ bị căn bệnh đau lưng phải không? Đúng là cô em dâu đang bị gai cột sống. Cô vuốt lưng cô em dâu. Chị sắp đi rồi, để chị mang hết tất cả những đau đớn, khổ sở của các em đi với chị. Các em hãy sống bình yên.”
Một người chị rất ích kỷ, chỉ biết giành giật với các em nhưng trước khi ra đi lại có những cử chỉ đáng yêu, dễ thương như vậy thì có phải là vô thường đôi khi cũng là điều tốt không? Ba tháng cuối cùng cuộc đời, chị đau đớn rất nhiều, mỗi ngày sư nói chuyện với chị, chứng kiến sự đau đớn của chị. Con gái của chị cũng vậy, mỗi ngày nói chuyện và chứng kiến sự đau đớn của mẹ qua YouTube, điện thoại thôi. Nhưng con gái là người yêu cầu sư nói chuyện và đọc tụng kinh với chị mỗi ngày trong 3 tháng trước khi mất vì con gái ở rất xa. Chị đã chuyển đổi một cách hoàn toàn từ một người vô minh thành một người giác ngộ, từ một người tham ái, tham chấp khủng khiếp đi đến một người buông bỏ và trước khi ra đi lại có chí nguyện, tâm nguyện đó là đem hết đau khổ, những bệnh tật của những người thân hay những người mà mình quen biết đi về mình, để cho những người còn lại được sống, an ổn, khỏe mạnh. Tâm đó là tâm của một bậc tu hành, bắt đầu chuyển sang bậc thánh rồi. Do đó, ngay cả bệnh tật, đau đớn và cái chết, đôi khi cũng là sự thức tỉnh cho chúng ta sống giác ngộ hơn, trân quý nhau hơn, trân quý chính mình và trân quý đời sống để cho chúng ta sống tốt chứ không phải để cho chúng ta chán nản, tuyệt vọng và buông xuôi.
Có trí tuệ chính để mình trở nên minh mẫn, sáng suốt và giác ngộ hơn trong đời sống này cho dù đời sống ngắn ngủi, vô thường trong từng hơi thở một. Hơi thở ra mà không đi vào nữa, đời sống sẽ chấm dứt. Khi đang còn sống, có bao giờ chúng ta để ý và trân quý hơi thở và không khí mà mình thở vào không? Đôi khi chúng ta vì tiền, vì cái này cái kia và không biết trân quý những thứ rất tự nhiên đó là không khí mà chúng ta thở. Chúng ta tưởng cứ xây ra những cái ngôi nhà cao tầng và chặt hết cây xanh, xây nhà gỗ hay làm những nội thất bằng gỗ để cho như vậy là giàu, đẳng cấp. Như vậy chứng tỏ chúng ta không thấy được sự vô minh của mình. Quan trọng nhất là hơi thở và chất lượng của không khí. Chúng ta ăn những món gây ra ung thư, hít thở trong ngôi nhà với trang trí bằng nội thất, bằng gỗ. Tại sao lại chạy theo những giá trị vật chất như vậy mà bỏ quên những điều thực sự là quý giá trong cuộc đời này? Chúng ta biết trân quý mạng sống của mình, biết buông xả, ngồi yên để lắng nghe cơ thể, lắng nghe sự thăng trầm trong mỗi hơi thở, những cảm giác, cảm xúc của mình. Thăng trầm trong mỗi ý nghĩ, thay đổi bên trong cũng như bên ngoài. Tất cả những điều đó có bao giờ chúng ta xem như một đối tượng của thiền quán (vipassana), như để nhắc nhở mình sống buông thư hơn, đừng giành giật, hơn thua, đố kỵ. Tất cả những giành giật, hơn thua cuối cùng có đem đi được gì đâu. Chúng sanh khi còn mê, chưa giác ngộ thường nghĩ con tôi, vợ tôi, tài sản của tôi, sự nghiệp địa vị của tôi. Trên thực tế thì thân tôi cũng chẳng phải là của tôi nữa. Vậy thì vợ đâu, con đâu, chồng đâu, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp đâu là của mình. Không thấy được vô thường, chúng ta tính toán buồn vui, oán ghét chính mình. Liên hệ đến của tôi, của ta, thuộc về tôi, thuộc về ta mà không biết được vô thường có thể đến bất cứ lúc nào, cướp đi tất cả những gì chúng ta nghĩ là của tôi của ta.
Ngày xưa khi Đức Phật và tăng chúng đang tu tập trong một khu rừng, gần bờ sông. Nơi đó, có một đoàn thương buôn có 500 cỗ xe, chở rất nhiều hàng hóa, tính là vượt qua sông Acira để buôn bán hàng hóa. Người chủ thương buôn nghĩ bây giờ là đầu mùa, mình có thể đi sang và bán lời gấp 2, 3 lần và sẽ mua đồ ở quốc gia đó và trở về nước mình bán cũng lời gấp 2, 3 lần nữa. Người thương buôn đó đang nghĩ phi vụ này kiếm được bao nhiêu tiền mà không biết là mạng sống của mình cũng sắp hết. Nơi đây là đầu nguồn, những cơn mưa đầu mùa gần Hy Mã Lạp Sơn rất lớn. Ngày xưa, không có dự báo thời tiết, không có khí tượng thủy văn nên người thương buôn này và 500 xe chở hàng hóa của mình cắm trại bên bờ sông mà không hề biết. Nhưng Đức Phật thì biết. Khi người thương buôn này biết có Đức Phật và 500 vị tăng đang tu tập trong khu rừng gần đó, họ đã đến diện kiến Đức Phật và muốn được nghe pháp. Họ đến thì Đức Phật nói là chúng sanh khi không hiểu biết đầy đủ thì vô minh, khi ái chấp thường tính toán là mình sẽ được cái này được cái kia. Tính toán, trao đổi cái này cái kia, chạy đua với cuộc sống, chạy đua với tiền bạc, chạy đua với tài sản và hơn thua với nhau từng chút một nhưng nếu như chúng ta biết được thân mạng này rồi, những gì yêu quý nhất thực sự cũng không thuộc về chúng ta. Chúng ta không làm chủ được thì người ta sẽ nghĩ đến chuyện tu tập, buông xả, chứ không phải nghĩ đến chuyện đã tích góp, chỉ có tích góp mà thôi. Khi nghe như vậy, vị thương buôn này cũng sao xuyến nhưng mà không biết thực sự muốn nói gì. Đức Phật biểu ngài Anan nói là mạng sống của quý vị thương buôn này và những người ở đó cũng không còn lâu nữa. Họ rất sốc và nói họ nên làm phước, trong 7 ngày còn lại, họ đã làm phước. Ngày nào họ cũng cố gắng làm phước, làm một điều gì đó tốt đẹp. Đúng như dự đoán của Đức Phật, sau 7 ngày, có một cơn lũ quét từ trên thượng nguồn. Mặc dù họ đã dời chỗ cắm trại, nhưng nghiệp đến thì không thể nào trốn tránh được. Khi nghiệp đến, cơn lũ quét bất thình lình cuốn trôi tất cả bò, ngựa, xe, tài sản và những người đang ngủ say bên đống tài sản của mình. Một điều may mắn là 7 ngày trước khi mạng sống chấm dứt, họ đã được gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng, đã biết nghe Pháp, biết cúng dường và đã biết sống những ngày cuối cùng một cách buông bỏ. Do đó, trong số các vị thương buôn đó, có những người đã đắc quả thánh Tu Đà Hoàn (chứng quả Dự lưu) và những người chưa chứng thánh đã được nghe pháp nên có hiểu biết về pháp, khi sự vô thường xảy ra, họ không đến nỗi sốc, đau đớn, không đi đến chỗ trầm cảm, bất an hay hoảng loạn. Quán vô thường có công năng như vậy.
Khi thấy ai đó mất mát, mình đừng có vội cười mà hãy biết rằng chính mình cũng có thể bị mất mát bất cứ lúc nào. Thực tế, tất cả những vật chất này không có gì là của ta, đừng có bám chấp vào và đừng có vui trên sự mất mát của người khác. Hãy nhìn bằng cặp mắt trí tuệ để biết rằng điều đó cũng xảy ra với mình, để mình có thể sống nhân ái, từ bi và trí tuệ hơn.
Bây giờ, chúng ta sẽ có 30 phút cùng ngồi thiền với nhau. Hãy quán vô thường, quán sự sanh diệt trên mỗi cảm thọ, trên mỗi hơi thở, mỗi ý nghĩa mà chúng ta vẫn thường chấp vào, cho là tôi, là ta, là của tôi, của ta. Thực tế, không có gì là tôi, ta hay của tôi, của ta hết. Với người xuất gia mỗi ngày đều quán “sabbe piye mana pema nana bhava vinabha…”. Câu này có nghĩa là gì? Tất cả những gì chúng ta yêu quý, những gì làm chúng ta hài lòng, đang thay đổi, sẽ biến đổi và sẽ không còn nữa. Quán như vậy để làm gì? Để mình trân quý hơn những gì mình đang có, những gì đang thân thuộc với mình, để khi nó biến đổi, chúng ta không đau đớn, không buồn phiền, không sốc để đi đến chỗ rối loạn cảm xúc hay là trầm cảm. Biết được vô thường, chúng ta vui vẻ với sự vô thường đó gọi là “nhảy trên sóng”. Chúng ta không ngừng sóng lại được, có biển thì có sóng, có gió. Đời sống này là như vậy. Nó là một dòng chảy, chúng ta không bắt nó dừng lại được. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là học cách để sống bởi vô thường, vui vẻ, an nhiên, hết lòng với những gì mà chúng ta có để khi nó biến đổi, hoại diệt, không còn nữa, chúng ta không phải hối tiếc, không phải đau đớn. Chúng ta có thể mỉm cười tiễn biệt mà không động lòng nhiều.
30 phút còn lại của thời thiền buổi sáng hôm nay, đề tài mà chúng ta quán là quán vô thường, xả bỏ tham chấp, luyến ái, hãy thấy vô thường trong từng hơi thở. Hơi thở vào, hơi thở ra. Khi hơi thở ra mà không đi vào nữa, đời sống chấm dứt. Trong mỗi hơi thở đều có sự biến động, thay đổi. Hãy quan sát và nhận rõ sự vô thường trong từng hơi thở, thấy vô thường hay các biến đổi trong mỗi cảm xúc… Ý nghĩ cảm nhận của chúng ta với đời sống này, vô thường là như vậy. Không ai biết mình sống đến ngày mai, hay nhớ rõ những gì có thể làm được ngày hôm nay. Hãy nói lời yêu thương cần phải nói để đến lúc chúng ta phải lìa bỏ cuộc đời không phải ân hận, đau đớn. Đó là lẽ tự nhiên của đời sống và để có thể an nhiên tự tại nhìn mọi sự biến động thay đổi. Chúng ta cần phải tu tập và cần biết quán vô thường, thấy sự chết trong từng sát-na. Chết đi của tế bào, sinh diệt của cảm xúc, của từng phần mà ta thường chấp vào của tôi, của ta, thay đổi theo ý tôi, ý ta, đời sống đều có quy luật. Công việc của thiền sinh quan sát để nhận ra quy luật đó là quán ra quy luật đó để sống tốt hơn, sống an nhiên, tốt hơn, … Không đơn phương chống lại cả vũ trụ để rồi người mất mát, đau đớn, thất bại chính là mình./.