Giảng sư: Ni sư, Tiến sĩ Pháp Hỷ
Ngày giảng: 21/04/2023 – Lớp thiền Tứ Niệm Xứ (khóa 2)
Người ghi: Diệu Tuệ (Nguyễn Thị Minh Nguyệt)
Chỉnh sửa: Tịnh Hảo (An Văn Tân)
Tu tập theo bài kinh Tứ Niệm Xứ là học để sống có chánh niệm. Nhưng trước khi đi vào con đường Thiền Quán (tên gọi khác là thiền Vipassana), chúng ta phải chuẩn bị mảnh đất tâm thật chu đáo. Hôm nay, chúng ta vẫn đang trong thời gian đó, là học những lớp thiền bảo vệ. Chúng ta đã học sang ngày thứ năm tiếp tục thực hành các lớp thiền bảo vệ, Sư đã dạy về thiền niệm Phật, niệm tha thứ. Thiền tha thứ nằm trong thiền tâm từ và hôm nay Sư sẽ tiếp tục nói về thiền tâm từ.
Thiền tâm từ (Mettā Bhāvanā) là một cách thiền bảo vệ mà có thể nói là tốt nhất. Tâm từ này xuất phát từ mong muốn được hạnh phúc và bình yên. Tất cả các chúng sanh cũng đều mong muốn có được hạnh phúc và bình yên. Chính vì mình sợ hãi, mình không thích sự phân biệt đối xử do đó mình cũng đừng dành cho người khác sự trừng phạt hay là phân biệt đối xử đó. Tâm từ chính là phát triển tâm thương yêu bình đẳng. Bình thường thì mình không có thương yêu bình đẳng, những gì thuộc về mình thì mình coi trọng hơn cái thuộc về người khác. Để mình coi nhé, ngay cả con cái của mình, mình cũng muốn cho nó tốt hơn là con cái của người khác, ngay cả con cái của anh em mình thôi mà mình cũng không thương bằng con cái của chính bản thân mình. Tâm thiên vị như vậy không phải là tâm từ, mà tình thương của thế gian đi với sự dính mắc đó là mình thương ai, mình muốn họ phải như thế này, phải như thế kia. Mình làm việc nào đó cho ai, nhưng mình lại đòi hỏi về điều kiện thì đó không phải là tâm từ.
Tâm từ được miêu tả là một tình thương vô điều kiện. Mình không bắt người khác phải giống mình, theo ý mình và mình không bắt người ta phải thuộc về mình hay giống mình thì mình mới thương. Trân trọng họ như chính con người họ là tâm bình đẳng, trung dung được miêu tả như là trạng thái tâm của các bậc thánh, năng lực của bậc thánh (Ariya iddhi).
Ngày xưa, có một nhà sư, là con nhà khá giả và rất đẹp trai, đi tu từ khi còn trẻ tuổi cho nên mỗi khi đi khất thực thì dung mạo của sư cũng khiến cho nhiều người cảm thấy rất động lòng. Vì tu tinh tấn cho nên sư nhận được tình yêu thương từ rất nhiều người. Đó là một nhà sư có được một phong cách rất khiêm cung, từ tốn và rất dịu dàng cho nên nhiều người trong vùng, có một số người tu ngoại đạo, họ không có được sự chú ý và tình thương yêu nhiều giống như sư nên đã ganh tị với sư. Họ thuê một cô gái làng chơi, rất xinh đẹp đến để quyến rũ sư. Cô gái đó nhiều lần đến và cố gắng gần gũi, thân thiết với sư nhưng mà sư không có gần gũi và thân thiết lại. Cô gái đó rất ngạc nhiên và hỏi có phải là cô không xinh đẹp, không dễ thương, cũng không phục vụ được sư hay sao mà sư hững hờ với cô như vậy thì sư nói là thực ra cô vẫn đẹp, vẫn tốt, dễ thương nhưng mà đối với sư, sư không có luyến ái nam nữ và sư là một người tu hành cho nên sư phải giữ giới và không được có tình cảm thiên về với bất cứ người nào cho dù đó là người cố gắng gần gũi với sư đi nữa. Khi nghe sư nói như vậy thì cô cũng khá buồn, thất vọng và tự ái. Cô là một cô gái kiêu hãnh, chinh phục được nhiều người và bây giờ thấy không chinh phục được nhà sư này thì cảm thấy rất thất vọng. Nhưng sư đó có thần thông cho nên nhìn vào tương lai, sư biết trong khoảng 5 năm nữa cô này sẽ đổ bệnh vì là gái “giang hồ”, quan hệ với nhiều người nên cô sẽ bị bệnh lở loét cả người. Sư nói với cô:
— Bây giờ tôi không muốn cô ở đây, cô phải đi ra khỏi trú xứ của tôi. Tôi không thể để một cô gái xinh đẹp và giống như cô ở gần hầu hạ phục dịch như vậy được. Tuy nhiên trong 5 năm nữa, khi không ai biết đến cô nữa thì khi đó tôi sẽ thương cô, tôi sẽ săn sóc cô.
Đúng như lời sư nói, sau 5 năm, cô gái làng chơi đó đã bị phát bệnh lở loét hết cả người. Khi đó cô không còn một chút hấp dẫn, rất hôi hám nên người ta không còn ham thích và vứt cô ra ngoài đường. Từ một người con gái, muốn qua đêm với cô phải trả rất nhiều tiền, đến khi phát bệnh thì lở loét tanh tưởi, không ai muốn gần gũi và nghe kể gia đình cô xua đuổi, nói là cô làm cái nghề đê tiện, những khách làng chơi trước đó thuê cô để mua vui thì bây giờ cũng khinh miệt cô. Cô bị vứt ra ngoài đống rác. Cô muốn chết mà chết không được, sống ngắc ngoải như vậy.
Nhà sư trong một lần đi khất thực, thấy cô ở trong tình trạng như vậy và sư đã đem cô về tịnh thất của sư, nấu nước nóng và lá rửa cho cô, kiếm mảnh y cũ mà sạch của sư quấn lại cho cô và cô rất cảm động, sam hối không thôi.
Tình thương của nhà sư đó đối với cô gái đó có phải là tình thương thế gian không?
- Không!
Đó là tình thương của bậc thánh. Không phải vì người ta xinh đẹp, hấp dẫn, không phải thương vì người ta nói những lời dễ thương, người ta phục vụ hầu hạ mình, mà thương vì chúng sanh đi trong sanh tử, luân hồi, bị vô minh dẫn dắt, bị ái dục chi phối, đưa đẩy khiến cho người ta tạo những nghiệp này, nghiệp kia. Giống như cô gái đó vì đồng tiền, và sự xúi giục của người khác mà đi đến quyến rũ một người tu hành chân chính thì sư thương cho cái sự vô minh của cô. Sau khi cô bị bệnh vì vô minh đã đi theo những ái dục, chấp thủ, đi theo những giá trị thấp hèn, vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm của mình, bản thân của mình và bây giờ phải chịu hậu quả là căn bệnh nan y như vậy. Trước đây vẻ đẹp và sự hấp dẫn đó là nhờ tô son điểm phấn, uốn éo gợi tình của cô. Khi cơ thể đó bị phát bệnh ra và bị tanh tưởi, bị hôi hám thì không ai thương nữa. Người ta vứt ra ngoài đường, miệt thị. Người ta xua đuổi, căm ghét. Vậy cái tình thương của thế gian có phải là tình thương chân thật không? Tình thương đó là tình thương giả dối còn tình thương của người tu mới đích thực. Đó là tình thương người ta tốt với cô gái đó khi đang xinh đẹp, khi đang trang điểm, khi đang xịt dầu thơm như vậy tại sao nhà sư đó lại không quyến luyến, không thích thú? Vì nhà sư có giới hạnh, còn khi cô bị phát bệnh ra, tanh tưởi hôi hám như vậy, bị vứt ra ngoài đống rác thì nhà sư lại đem về. Vì tình thương của nhà sư không phải là tình thương mang tính vật chất, không phải vì thân hình của cô mà vì tình thương của tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, chúng sanh đó khi dễ thương thì cũng thương như vậy. Khi chúng sanh đó bị bệnh, tanh tưởi, hôi hám thì vẫn thương cho cái sự vô minh. Sự vất vả của chúng sanh đó là đối tượng của khổ đau trong cuộc đời này. Đối tượng đã bị chi phối, dẫn dắt bởi vô minh và ái dục. Chúng sanh có rất nhiều những duyên nghiệp khác nhau. Những duyên tạo nghiệp thiện thì họ được kết quả an lành. Tạo nghiệp ác thì họ bị kết quả đau đớn, khổ sở, bị ghẻ lở như vậy. Nhưng cho dù họ ở trong bất cứ hình hài nào, ở trong bất cứ tình trạng nào, tình thương của bậc thánh này là tình thương của tâm từ. Người có tâm từ là phải có tình thương, có trí tuệ. Chính vì có trí tuệ cho nên ngay cả những kẻ trước đó làm hại mình hay làm hại gia đình mình hay là trước đó mình có thể có thành kiến hay định kiến. Mình ghét người ta nhưng mà bây giờ mình học cách để vượt qua những chướng ngại đó. Đó là chướng ngại ở trong tâm mình, do những định kiến của mình.
Thực tế tất cả đều vô thường, mình cũng vô thường. Tâm mình vô thường, thân tâm người khác cũng vô thường, giống như thân tâm mình vậy. Vậy có gì để cho mình ghét con mắt mình, yêu con mắt của họ hay ghét con mắt của họ. Mình thương màu da hay là ghét màu da của họ, thương mái tóc hay là ghét mái tóc của họ. Các bộ phận trên cơ thể khi mình phân biệt ra và chia thành 32 món như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, …. Tất cả những món như vậy và mình thấy chuyện yêu ghét của mình vô duyên dễ sợ. Khi mình có đủ trí tuệ để thấy chuyện yêu ghét của mình là hết sức vô duyên, phần lớn là bị định kiến chi phối, bị cảm xúc nhất thời làm cho mờ mắt đi và bị những Định Kiến chi phối cho nên những cảm giác của mình nó như vậy. Thực tế, thương ghét của mình không có giá trị gì, nhưng vì vô minh, không tu tập, không gần các bậc thánh, không học pháp các bậc thánh nên mình cứ đi theo hờn giận, những tình cảm vu vơ, những tình cảm không có căn cứ. Mình tạo tác nghiệp này, nghiệp kia. Điều đó khiến cho mình khổ sở trong suốt cuộc đời này, khi khóc, khi cười, khi lên voi, khi xuống chó. Tình thương đi kèm với trí tuệ hiểu biết mới có thể phá vỡ tất cả những thành kiến và định kiến của mình.
Tình thương cần có trí tuệ để thấy được vô thường, vô ngã trong tất cả các hiện tượng hay các pháp, trong đó có cả những chúng sanh hay con người, chính mình và những người mà mình tương tác. Khi thấy biết như vậy ta sẽ không chấp vào những cái khái niệm thế gian nữa hay những khái niệm mà mình được học hỏi và chấp thủ vào. Khi ta không chấp vào nữa thì sẽ sống rất vô tư, trong sáng, hồn nhiên và chân thật. Đó chính là tâm từ thực sự và người tu tập tâm từ có được những lợi ích rất tuyệt vời.
- Thứ nhất là người tu tập và phát triển tâm từ có gương mặt tươi tắn dễ thương, ai cũng muốn gần.
- Thứ hai người tu tập tâm từ đi vào giấc ngủ dễ dàng, không bị trằn trọc, lo lắng, sợ hãi, băn khoăn chi phối.
- Thứ ba người tu tập tâm từ khi tỉnh dậy rất nhanh, rất sảng khoái, thoải mái. Họ không tỉnh dậy với sự mệt mỏi, trì trệ, âm u. Họ tỉnh dậy nhanh nhẹn, thoải mái đó là lợi ích của tâm từ.
- Thứ tư người có tâm từ được loài người thương mến. Hầu hết mọi người đều thương mến người có tâm từ.
- Thứ năm là được các hàng phi nhân và Chư thiên thương yêu và bảo vệ. Điều này chắc ai cũng muốn được chư thiên bảo vệ phải không?
- Thứ sáu là ngay cả những con thú hung dữ cũng không tấn công người có tâm từ. Vì đã từng thấy các nhà sư và những con voi, hổ, báo và không phải chỉ có các nhà sư, mà có một anh chàng người Mỹ hay là người nước nào đó, vui đùa với những con vật rất thân thiện. Ngay cả những con vật hung dữ nhất cũng không tấn công vì người có tâm từ được những con vật yêu mến. Có một nhà sinh vật học người Pháp, ông đã bảo vệ một đàn voi. Ông và vợ ông đã nỗ lực để kiếm được một khu bảo tồn cho những con voi. Hàng ngàn km vuông và tạo lập ra một khu bảo tồn cho những con voi và đã săn sóc một đàn voi, sanh nở được 36 con. Cả đàn voi đó xem nhà khoa học này như một người cha và lâu lâu nó đến thăm ngay cả khi cả đàn đang ở rất xa (phải đi vài ngày mới đến được). Nhưng lâu lâu cả đàn lại đến thăm và nhất là khi có thành viên mới, cả đàn sẽ đem thành viên mới đến giới thiệu với nhà khoa học này và có một ngày khi nhà khoa học này chết vì bị đột tử. Không hiểu sao những con voi ở cách xa hàng trăm km, những con voi này biết nhà khoa học này chết, chúng dắt nhau đi (36 con) thành đoàn mà vòi của con sau túm lấy cái đuôi của con trước. Chúng đi thành một đoàn và đi đến quỳ xung quanh nhà của nhà khoa học này hai ngày hai đêm không ăn, không uống. Quỳ như vậy thành một vòng tròn nối đuôi nhau như vậy để chịu tang nhà khoa học đã cứu tụi nó. Câu chuyện rất cảm động phải không? Con voi cũng có một chút Thần Thông. Đó là nhà khoa học này chết mà chết đột tử, vậy mà cả đàn voi này nó biết và nó phải đi 2 ngày 2 đêm để đi đến chịu tang và cả đoàn 36 con đến quỳ xuống chịu tang nhà khoa học. Sau khi tang lễ xong xuôi rồi tụi nó mới lặng lẽ đi về nơi trú ngự của mình. Do đó thương yêu và quan tâm những chúng sanh khác thì ngay cả những con vật cũng bảo vệ.
Đức từ phụ hay Đức Phật của chúng ta được các con vật bảo vệ như vậy, không phải chỉ có kiếp cuối này mà trong vô lượng kiếp cũng đều như vậy bởi vì cứ thực hành tâm từ đi sẽ thấy ngay cả thú hoang cũng bảo vệ mình. Nó thương yêu và bảo vệ mình.
- Lợi ích thứ tám của người có tâm từ là không bị mũi tên đạn lạc giết chết, không bị thuốc độc làm hại. Độc tố không xâm nhập vào tâm của người có lòng từ ái.
- Lợi ích thứ chín của người có tâm từ đó là họ dễ đắc định. Đó là lý do vì sao chúng ta thực hành tâm từ trước khi hành thiền quán hay thiền định. Người có thiện tâm, tâm sẽ rất mềm mỏng, dễ chịu. Ngoài ra tâm đạt được khinh an cho nên người có tâm từ thường vui vẻ hạnh phúc cho nên rất dễ tính.
- Lợi ích thứ mười của Người có tâm từ sẽ không bị tâm tán loạn. Họ chết một cách rất dễ dàng, thân thể của họ vẫn mềm vẫn ấm. Khi họ chết thì cơ thể mềm và ấm. Họ mềm mại được rất lâu và gương mặt của họ rất đẹp khi họ chết chứ không phải là trở nên xấu xí.
- Lợi ích thứ 11 của của tâm từ đó là nếu như họ chưa đạt các quả thánh cao hơn thì ngay lập tức nếu họ chết với tầm từ thì họ sẽ được sanh lên trên cõi Phạm Thiên, cộng trú với Chư Thiên trên cõi vô sắc.
Đó là Sư nói sơ qua về 11 thì lợi ích của người có tâm từ. Chỉ cần ba đến bốn lợi ích đầu thôi, chúng ta thấy cũng đủ động lực để cho chúng ta thực hành phải không? Chẳng hạn là dễ đi vào giấc ngủ, đi ra khỏi giấc ngủ một cách dễ dàng hoặc sáng suốt và gương mặt khả ái xinh đẹp, được mọi người yêu thương, được Chư Thiên che chở. Vậy thôi chúng ta cũng muốn thực hành tâm từ rồi và sư mong rằng hôm nay quý vị thực hành tâm từ thành công với tất cả các biến đổi thường gọi là với chính mình, có thể thương yêu chính mình, như mình đang là, thương yêu những người xung quanh như họ đang là. Không bắt họ phải theo ý mình, phải giống mình, làm theo ý mình và cái thứ ba đó là thương yêu những người hàng xóm và nhiều người không quen biết, những người dưng như họ đang là chứ không bắt họ phải như thế này, như thế kia rồi cuối cùng là phát triển tình thương yêu. Cầu mong cho chính mình và người thân của mình như thế nào, cũng mong cho kẻ thù của mình hay những người có oan gia trái chủ với mình những điều như vậy. Mở lòng mình ra và cố gắng thấy những điểm tốt đẹp, điểm dễ thương rồi cầu mong cái điều tốt đẹp đến cho họ thì đó chính là tâm từ vô hạn. Tâm từ, Đức Phật dạy để có thể giúp chúng ta vượt qua những chướng ngại trong lòng và vượt ra qua cả những chướng ngại ở bên ngoài. Trong cuộc đời của chúng ta, không phải lúc nào cũng gặp người dễ thương. Có những lúc chúng ta gặp người không dễ thương, không phải lúc nào chúng ta cũng gặp người thương yêu và kính trọng. Có những lúc chúng ta gặp những người mà họ không tôn trọng, thậm chí ghét bỏ và gây khó khăn cho chúng ta nhưng làm như thế nào để chúng ta có thể không có sóng gió, không oán hận, không cay đắng trong lòng thì tâm từ chính là thuốc giải độc cho những mối quan hệ như vậy.
Bây giờ chúng ta sẽ có 30 phút cùng ngồi thiền!
Quý vị nên ngồi ở tư thế vững chãi nhưng vẫn nghiêm trang và thoải mái. Khi đã có một tư thế vững chãi, nghiêm trang và thoải mái rồi hãy đưa tâm về trên thân, có thể hít vào một hơi thật sâu để kết nối với cơ thể, qua hơi thở và thở ra nhẹ nhàng thư thái. Bây giờ ngồi thiền, đưa tâm lên đỉnh đầu, cảm nhận vùng đỉnh đầu của mình, thầm cầu mong: “mong cho tôi được hạnh phúc an vui; mong cho tôi không sợ hãi, không oán thù; mong cho tôi được khỏe mạnh bình an; mong cho tôi nuôi dưỡng niềm hạnh phúc an vui lâu dài”.
Đưa tâm đi xuống cảm nhận ở vùng trán, mắt nhắm lại, buông thư các cơ ở trán, đi xuống những cơ xung quanh con mắt phải sang con mắt trái. Hãy buông thư các cơ ở đó, cảm nhận từng vùng các cơ xung quanh miệng, mong cho tôi được hạnh phúc, mong cho tôi không sợ hãi. Đưa năng lượng từ bi tới bụng, cảm nhận nó đi xuống hai tay, hai đầu gối, cảm nhận từng phần từng phần của cơ thể, xuống 2 bàn chân, lên đỉnh đầu trở lại cảm nhận phía sau của đầu, phần cổ, vai, gáy. Ta buông thư phần cổ, vai, gáy. Nếu có chỗ nào căng cứng, hãy điều chỉnh để nó dễ chịu bởi niềm tin: “mong cho tôi được hạnh phúc an vui; mong cho tôi không sợ hãi, không oán thù; mong cho tôi được khỏe mạnh bình an; mong cho tôi nuôi dưỡng niềm hạnh phúc an vui lâu dài”. Đi xuống phần lưng, thắt lưng, nếu cảm thấy mình ngồi ngả về phía trước hoặc phía sau, hãy tự điều chỉnh cơ thể của mình, để cơ thể của mình được vững chãi, nghiêm trang nhưng vẫn thoải mái.
Tiếp tục tác ý phần sau của cơ thể cho đến gót chân, lên đỉnh đầu trở lại xuống bên phải của cơ thể, qua tay phải, vai phải, thư giãn các cơ ở trên vai và cánh tay phải, khuỷu tay phải cho đến bàn tay phải, cảm nhận mu bàn tay phải đang đặt lên lòng bàn tay trái, cảm nhận hơi ấm và buông thư tất cả các cơ và các ngón tay trên bàn tay phải, cảm nhận sự xúc chạm và buông thư ở chỗ xúc chạm đó. Nếu có sự căng cứng hãy làm cho nó thoải mái, dễ chịu, trở lên đỉnh đầu và đi xuống bên trái, qua tay trái, bờ vai trái, tác ý buông thư các cơ trên bờ vai trái, cánh tay trái, khuỷu tay trái và buông Thư toàn thân. Nếu có cảm giác trên thân, chỉ cần ghi nhận, nhận biết và đưa tâm từ bi đến đó: “mong cho tôi được hạnh phúc an vui; mong cho tôi không sợ hãi, không oán thù; mong cho tôi được khỏe mạnh bình an; mong cho tôi nuôi dưỡng niềm hạnh phúc an vui lâu dài”.
Bây giờ Hãy hướng tâm đến một người thân hay những người thân của mình, mong những điều tốt đẹp đến với người đó, cho những người thân hay gia đình tôi sống hạnh phúc an vui, những người thân hay gia đình tôi sống không không oan trái lẫn nhau, ban cho những người thân của tôi được khỏe mạnh bình an, cho những người thân của tôi sống biết gìn giữ niềm hạnh phúc an vui lâu dài. Những người thân này có thể bắt đầu từ cha mẹ hay con cái, anh chị em hay bạn bè, cháu
và những người thân bằng quyến thuộc mà mình yêu thương. Yêu mến một người nào đó đang cần tình thương của mình. Hãy hướng tâm nên người đó. Cầu mong điều tốt đẹp cho người đó rất thành tâm, nhiệt tình gửi năng lượng từ bi đên người đó, có thể khơi dậy tâm từ bi bằng cách nhớ đến những cử chỉ dễ chịu, đáng yêu hay một kỉ niệm dễ thương với người đó và cảm nhận tâm niệm đang hoan hỷ và thương yêu người đó một cách vô điều kiện, phải cảm nhận tình cảm đó là mình dễ chịu như thế nào. Sự kết nối thiện lương luôn đem lại cảm giác dễ chịu về nuôi dưỡng và nhân rộng cảm giác đó trong thân tâm mình, theo đó hướng đến càng nhiều người càng tốt và bây giờ hướng tâm đến những người xung quanh mình, mong cho tất cả những người xung quanh con được hạnh phúc an vui, tất cả các chúng sanh xung quanh con được hạnh phúc.
Mong cho tất cả chúng sanh trong hướng Đông đừng có oan trái lẫn nhau, hãy thật sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Nam đừng có oan trái lẫn nhau hãy thật sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Tây đừng có oan trái lẫn nhau, hãy thật sự an vui.Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Bắc đừng có oan trái lẫn nhau, hãy thật sự an vui.Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Đông Bắc đừng có oan trái lẫn nhau, hãy thật sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Đông Nam đừng có đừng có oan trái lẫn nhau, hãy thật sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Tây Nam đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng Tây Bắc đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng trên đừng có oan trái lẫn nhau hãy thật sự an vui. Mong cho tất cả các chúng sanh trong hướng giữa đừng có oan trái lẫn nhau. Phải sống trong niềm an vui. Phía trên các cõi sắc giới cho đến tầng trời Phạm Thiên, phía dưới cho đến địa ngục, sau khắp vũ trụ trong cõi ta-bà những loài sinh sống ở trên đất, loài 2 chân loại 4 chân hay loại nhiều chân, mong cho tất cả các chúng sanh hữu hình hay vô hình, gần hay xa đều được an vui, không oan trái lẫn nhau, không căm thù không làm hại lẫn nhau.
Mong cho những vùng đất đang có chiến tranh, đao binh….Mong cho những người lãnh đạo của các đảng phái của các quốc gia phải phát triển tâm từ bi đang có chiến tranh phải ngồi lại đàm thoại, đừng gây hận thù, đừng bắn giết, đừng thả bom đạn để triệt tiêu hãy chấm dứt chiến tranh, …
Mong cho thế giới hòa bình, sống theo chánh pháp, không gây đau thương mất mát cho nhau để không phải trả quả trong đau đớn hận thù.
Mong cho tất cả chúng sanh ở bên trong cũng như bên ngoài, vô hình hay hữu hình, thoát khỏi hận thù binh đao, sợ hãi.
Như mẹ giàu tình thương suốt đời lo che chở, đứa con một của mình.
Hãy phát tâm vô lượng đến tất cả chúng sanh; từ bi gieo cùng khắp cả thế gian; không hẹp hòi, oan trái; không hờn giận, căm thù; khi đi đứng ngồi nằm; bao giờ còn tỉnh thức; an trú chánh niệm này; phạm hành chính là đây. Ai xả ly kiến thủ; không ái nhiễm dục trần; thoát ly đường sanh tử./.