Đạo Phật là một triết lý sống và được thực hành ở Ấn độ từ 2560 năm trước, bắt đầu từ sự kiện một ẩn sĩ có tên Gotama giác ngộ dưới cây Bồ Đề sau những năm tu hành khổ hạnh cùng các Sa môn khác. Nơi Đức Phật giác ngộ nay được gọi là bồ Đề Đạo tràng (Budgaya). Sau khi đại giác ngộ, Đức Phật đã an vui quả giải thoát dưới cội bồ đề bảy tuần. Sau đó ngài được một vị Đại phạm thiên thỉnh mời thuyết pháp vì lòng bi mẫn với thế gian. Sau những lưỡng lự ban đầu, Đức Phật đã quyết định thuyết giảng giáo pháp đến những người bạn đồng tu trước đây. Khi hướng tâm đến các đại sa môn đã từng là thầy mình trên hành trình tìm đạo, ngài thấy họ không còn trên thế gian nữa. Cảm thấy tiếc cho họ đã bỏ lỡ mất một cơ hội triệu năm có một. Ngài lại hướng tâm đến các vị bạn đạo cùng tu hành khổ hạnh với ngài ở vườn Nai – tp Ba la nại (Isipitana migadaye). Bằng trí tuệ thông suốt tâm thức của người khác, phật thấy là họ có những khả năng để tiếp thu phương cách tu hành mới dưới sự hướng dẫn của ngài.
Đức Phật đã đi về hướng Baranasi (Sanath), đến vườn nai và thuyết pháp cho năm vị tu khổ hạnh là ngài Kiều trần như Kodanno, Vapsa, Mahanama, Assaji. Sau ba tháng tu học với ngài, họ đã trở thành các vị A la hán đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Ngài tiếp tục hóa độ những người khác, trong đó có Yassa – con trai của một gia đình danh giá trong vùng và 30 người bạn của người này.
Sau đó ngài đi về hướng Gaya và độ cho 1000 vị tu sĩ thờ thần lửa bắt đầu với Đại Ca diếp. Như vậy chỉ trong vòng độ một năm sau khi giác ngộ, Đức Phật đã có hàng ngàn người đi theo học hỏi và thực hành đời sống dưới sự hướng dẫn của ngài.
Các đệ tử của Phật được chia làm bốn nhóm: 1.Tỳ khưu là những vị nam xuất gia, 2. Tỳ khưu ni là những người phụ nữ xuất gia và 3. nam cư sĩ & 4. nữ cư sĩ là những người đã tuyên bố quy y theo Phật (Buddha) Pháp (Dhamma) Tăng (Sangha) Tam bảo (tisarana) và giữ gìn 5 giới cấm.
Có điều gì đặc biệt trong Đạo Phật mà khiến cho người ta từ bỏ niềm tin và cách sống cũ để đi theo một trào lưu mới? Trong bài thuyết giảng đầu tiên cho 5 vị Kiều Trần Như, Đức Phật đã tuyên bố con đường Trung Đạo tránh hai cực đoan là ép xác khổ hạnh và thụ hưởng dục lạc vô độ – vốn là những pháp thực hành phổ biến đương thời. Con đường mà ngài chỉ ra được gọi là “con đường cổ xưa được phát hiện lại” như vậy ngài là người phát hiện ra con đường đã từng đi bởi các đại ẩn sĩ thời quá khứ. Theo một cách nói khác, ngài gọi nó là con đường Bát Chánh Đạo. Bắt đầu từ chánh kiến, chánh tư duy , chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và thứ tám là chánh định.
Đạo Phật là một cách sống, một con đường chuyển hoá thông qua giáo dục. Phong cách sống của Đạo Phật được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết và thông cảm, hay nói cách khác, đó là đạo của từ bi và trí tuệ. Đức Phật – người sáng lập ra Đạo Phật là một bậc giác ngộ và ngài giúp người khác hiểu rõ về chính mình và bản chất của đời sống qua sự suy nghiệm và học hỏi. Đạo Phật cũng được gọi là Đạo Giác Ngộ – ý nghĩa này xuất phát từ chữ BUDDHA trong tiếng Phạn có nghĩa là “Người giác ngộ”, hay người sống Tỉnh Thức (Buddh) trong mọi sát na.
- Vậy giác ngộ cái gì?
- Làm sao để giác ngộ?
- Và tại sao con người lại phải giác ngộ?
Trong bài học hôm nay chúng ta sẽ nói về vấn đề này. Trong tiếng Phạn, giác ngộ là Bodhi – tiếng Việt hay dịch âm là Bồ -đề. Khi làm một việc gì đó tốt đẹp và lớn lao vì lợi ích và hạnh phúc cho người khác, chúng ta nói đó là phát Tâm Bồ đề (Bodhi-citta). Vậy giác ngộ bắt đầu từ một cái tâm biết nghĩ và thấy xa rộng hơn là bị chi phối hoàn toàn bởi các nhu cầu mang tính bản năng.
Trước khi giác ngộ, người ta được hướng dẫn để tin vào nhân quả: gieo nhân nào thì gặt quả đó. Nhân ác thì cho quả khổ, nhân thiện thì cho quả lành và an vui. Từ niềm tin đến thấy biết tiến trình nhân quả trong các hành động (ba nghiệp). Khi thấy được tiến trình rồi, người ta sẽ thận trọng hơn trong các hành động thân khẩu ý của mình để tránh gây nghiệp.
Thứ nhất Đạo Phật đặt ra những giới hạn cho hành động của con người để họ tránh được việc gieo ác nghiệp, không làm các hành động bất thiện khiến mình và người gặp khổ đau bất mãn trong đời sống. Sabbe pāpassa akārānaṃ – chư ác mạc tác – đừng làm tất cả các điều ác. Điều này được thực hiện qua việc người mới quy y Phật xin nguyện giữ năm giới cấm, và lấy năm điều răn đó làm căn bản đạo đức trọn đời.
Thứ hai Đạo Phật khuyến khích người ta làm thiện, tích đức và tu thân: Kusalassa Upasampada – hãy thành tựu những thiện nghiệp là lời khuyên của chư Phật. Thập thiện hay 10 hành động để tạo công đức được ca ngợi trong các bài thuyết giảng về giáo lý Nhà Phật. Bao gồm 1. bố thí, hay cho đi một cách không vị lợi; 2. Ái ngữ -lời nói ôn hòa dễ nghe, đem lại lợi ích cho người; 3. Đời sống đức hạnh; 4. Phục vụ; 5. Công bằng; 6. Hoan hỷ khi người khác làm điều thiện;7. nghe pháp và học hỏi không ngừng; 8. Chia sẻ pháp; 9. có chánh kiến; 10 . không tham lam vô độ.
Thứ ba là thanh tịnh tâm ý (Sacitta pariyodapanam). Tức là đừng để cho tham sân si, mạn nghi, tà kiến, ganh tỵ, bỏn xẻn, nghi ngờ, chán nản, vv làm cho tâm hồn ngập ngụa trong rác và ướt sũng trong bùn lầy.
Tuy nhiên, khi đã chín chắn và trưởng thành, người ta sẽ giác ngộ ra rằng cuộc đời là vô thường. cho dù mình cố gắng sống tốt như thế nào thì cũng có nhiều khi cuộc đời bất như ý. Cho dù con người có không ngoan và giỏi tính toán đến đâu thì nhiều khi vẫn gặp thất bại và khổ đau. Họ bắt đầu giác ngộ ra đời vốn vậy, không chiều theo ý ai và khổ đau là điều không thể tránh được.
Đức Phật là một vĩ nhân
Đức Phật là một vĩ nhân có một không hai đã sinh ra trong thế giới này. Ngài sống giữa đời thường như chúng ta, nhưng có sự khác biệt là ngài không bị ô nhiễm bởi những khiếm khuyết của con người. Nhân cách của một vị Phật đã được phát triển tới mức hoàn hảo nhờ sự trau dồi trí tuệ đồng thời với sự phát triển tâm từ bi. Nhờ những phẩm chất đó, đức Phật là bậc được tôn kính và ngưỡng mộ bởi rất nhiều người. Vào thời đức Phật còn sống, rất nhiều những bậc vua chúa hùng mạnh đã đảnh lễ dưới chân ngài. Đã từng có những hoàng tử, quí tộc và thương gia giàu có cúng dường đất đai và xây dựng chùa chiền, tịnh thất cúng dường Đức Phật và các hàng đệ tử xuất gia của ngài. Ngày nay các hàng tín đồ Phật tử khắp nơi vẫn cùng nhau hỗ trợ và làm phước như xây dựng chùa, hộ độ chư Tăng- Ni tu học trong chánh pháp.
Bức tranh trên cho chúng ta thấy cách chào hỏi cung kính trong Phật giáo. Hai tay nên chấp lại như búp sen, rồi quì xuống trước Tượng Phật hay các vị Tăng hay Ni khả kính. Khi những người phật tử gặp nhau, họ cũng chắp tay vái chào với một phong cách vừa lịch sự, vừa cung kính, vừa thân thương. Đây là một nét đẹp của văn hoá Phật giáo.
Giáo pháp của Đức Phật
Giáo pháp (Dhamma) mà Đức Phật đã chỉ dạy chỉ xoay quanh vấn đề của cuộc đời và cách giải quyết những vấn nạn của đời người. Thuật ngữ tôn giáo gọi đó là Tứ Diệu Đế – hay Bốn Sự Thật Trong Đời Sống. Tại sao lại gọi là Sự thật? Vì đó là những gì chúng ta có thể kinh ngiệm được trong cuộc sống. Bốn sự thật đó là:
- Không thoả mãn (dukkha), đây là một kinh nghiệm chung và phổ biến mà người ta cần nhận ra.
- Nguyên nhân của sự không thoả mãn này là tham đắm và dính mắc (Samudaya).
- Sự chấm dứt của bất toại nguyện (Niroddha), phúc lạc cao thượng (Nibbāna paramaṃ sukhaṃ) của sự giải thoát khỏi những ràng buộc và khổ đau do chấp thủ.
- Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau và phúc lạc tối thượng bao gồm tám yếu tố thường gọi là Bát Chánh Đạo (Magga or Majjhima paṭipada).
Lần đầu tiên Đức Phật thuyết giảng Giáo Pháp (Dhamma) cho 5 người bạn cũ đã từng thực hành phép tu khổ hạnh với ngài ở Vườn nai tại thành phố Ba la nại (Baranasi) thuộc Đông bắc Ấn độ hơn 2500 trước. Bài pháp đầu tiên xoay quanh vấn đề pháp hành và các chấp thủ vào một số xu hướng thịnh hành. Đức Phật đã tuyên thuyết về con đường Trung Đạo (Majjhima paṭipada) là tránh hai cực đoan khổ hạnh ép xác và thụ hưởng vật chất vô độ. Triết lý đằng sau hai pháp hành cực đoan này là những niềm tin vào thường kiến – cho rằng có một linh hồn hay bản ngã trường cửu, không thay đổi bị giam nhốt trong cơ thể này; và đoạn kiến – cho rằng cuộc sống này chỉ có các giá trị vật chất, khi cơ thể chết đi thì tất cả chấm dứt. Khi cố chấp vào thường kiến và cho rằng phải hành hạ, bỏ đói và coi thường cơ thể thì mới giải phóng linh hồn ra khỏi nó – người ta thực hành khổ hạnh ép xác vì tin rằng chỉ có làm như vậy mới có thể giác ngộ giải thoát. Đối ngược với niềm tin này là chủ nghĩa vật chất hưởng thụ vô độ – và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được hưởng thụ mà không cần biết đến hậu quả của nó – vì cho rằng chết là hết – không hưởng thụ bây giờ thì đến bao giờ!
Mặc dù Giáo Pháp đã được giảng truyền từ hơn 2500 năm trước nhưng không vì vậy mà chúng già cỗi hay lỗi thời. Chính vì vậy chúng được gọi là Chân Lí, những sự thật không bị chi phối bởi thời gian và không gian. Suốt hơn 45 năm sau khi giác ngộ và giải thoát, Đức Phật đã không mệt mỏi đi khắp xứ Bắc Ấn để đem ánh sáng giác ngộ đến cho mọi người, không phân biệt giai cấp, địa vị hay giàu nghèo. Cuộc đời ngài là một tấm gương tiêu biểu nhất của hạnh nguyện đại từ bi (mahā karuna).
Xã hội Phật giáo
Đạo Phật đã có mặt trên thế gian này hơn 2500 năm. Không chỉ giới hạn ở Ấn độ, nơi đầu tiên Đạo Phật đã ra đời và phát triển, ngày nay Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn nhất , có tín đồ khắp nơi trên thế giới. Những người ngưỡng mộ Đức Phật và Giáo pháp của ngài nguyện thực hành theo giáo pháp này theo khả năng của mình. Họ là những Phật tử, những người giữ 5 điều răn và tìm về nương tựa nơi Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng. Họ cũng là những người xuất gia (Tăng – Ni), những người hành trì theo giáo pháp một cách nghiêm túc và rốt ráo hơn hàng cư sĩ tại gia. Người xuất gia chân chính thì chỉ có một hạnh nguyên duy nhất là tự độ và độ tha, nghĩa là học hỏi và tu tập theo giáo pháp của Đức Phật để tự mình giác ngộ giải thoát và giúp đỡ, giảng dạy giáo pháp đó đến những người khác khiến họ cũng được giảm thiểu những khổ đau và bức bách trong đời sống.
Tam qui Tam Bảo là: (1) Qui y Phật là Bậc giác ngộ (Buddha), nguời luôn luôn sống tỉnh thức.; (2) Qui y Pháp (Dhamma) là những lời dạy của Đức Phật nhằm đưa đến sự an toàn và hạnh phúc lâu dài cho chúng ta; (3) Qui y tăng (Sangha), đoàn thể cúa những người đã giác ngộ về những chân lý trong cuộc sống và biết cách sống hoà hợp.
Năm giới cấm của người phật tử giúp cho họ sống một đời sống an toàn và không lo sợ. Chúng bao gồm:
- Không sát sanh,
- Không trộm cắp,
- Không tà dâm,
- không nói dối,
- Không uống rượu và lạm dụng các chất gây kích thích.
Trong xã hội Phật giáo, hàng cư sĩ tại gia hay Phật tử thường hộ độ cúng dường đến hàng xuất gia là những người đã từ bỏ gia đình để tìm cầu giải thoát vì những người này không làm việc kinh doanh để sinh lợi như hàng tại gia.
Bố thí cúng dường là một thiện pháp trong 10 thiện pháp mà người phật tử nên tinh tấn thọ trì. Cúng dường, nhất là đến những người có giới hạnh, đem đến nhiều phước báu tốt đẹp tuỳ theo ý nguyện của người dâng cúng. Thiện pháp này giúp người hành trì nó giảm thiểu lòng tham lam ích kỷ và bỏn xẻn keo kiệt. Khi dứt bỏ được sự tham đắm ích kỷ, người ta rộng rãi và cao thượng hơn. Cúng dường đến những người có đạo hạnh thể hiện lòng kính trọng (tôn sư trọng đạo) và sự quan tâm đến những người khả kính. Đây là một nét văn hoá rất đẹp của Đạo Phật.
Tại sao học Đạo Phật?
- Học Phật là rất tốt vì Đạo Phật dạy chúng ta sống an lạc, hoà bình và hạnh phúc với mọi người.
- Nếu chúng ta làm theo những lời khuyên của Đức Phật, chúng ta sẽ tìm được sự an ổn trong tâm hồn, và chúng ta có cơ hội trưởng thành trong sự hiểu biết chính mình cũng như thế giới quanh ta.
- Nếu mọi người đều làm theo lời dạy của Đức Phật thì chiến tranh đã không xảy ra, cũng không có bạo động, tội ác, và chúng ta có thể tin tưởng vào người khác, vì vậy cảm thấy an toàn ở mọi nơi ta sống, mọi nơi ta đến.
- Ngay cả những con thú hoang cũng cảm thấy an toàn và hạnh phúc hơn nếu chúng ta đừng săn đuổi chúng mà hãy bảo vệ chúng.
- Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn biết bao, phải không bạn? Và con người cũng dễ thương hơn nhiều. Điều này thật tuyệt vời! Would it not be a much nicer place to live?