Thiền – Chan – meditation – Zen, thiền –na (jhāna in Pali, dhyana in Sanskrit) là những từ khác nhau để chỉ về một cách thực hành thanh lọc tâm rất quan trọng trên con đường phát triển tâm linh theo đạo Phật. Thiền tập là một chặng rất quan trọng trong các hành trì để đạt đến sự giác ngộ, tự do và giải thoát đích thực, nhưng lại bị hiểu nhầm không ít. Những hiểu nhầm này không phải chỉ với những người sơ cơ chưa hiểu biết về Đạo Phật và các truyền thống tâm linh Đông phương, mà ngay cả một số tu sĩ và Phật tử cũng đã hiểu rất sai về thiền. Tác giả nhớ khi còn là một Ni cô trẻ tu trong một ngôi chùa khá cổ ở miền Trung Việt Nam, tôi đã bị hấp dẫn bởi pháp môn thiền. Sau khi đọc một số sách của các tác giả thuộc Thượng Tọa Bộ (Theravada) và bộ sách Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga) do Ni sư Trí Hải dịch Việt, cô Ni trẻ đó đã quyết định sẽ dấn thân theo con đường này. Nhưng khi cô bày tỏ nguyện vọng của mình thì một số vị trưởng bối phê phán, nói rằng thiền rất nguy hiểm, có thể dẫn đến ‘tẩu hỏa nhập ma”. Họ nói rằng bây giờ là thời mạt pháp, chỉ có thể tu Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh thôi, không tu thiền được đâu, vv và vv. Tuy bị can gián nhưng vốn tính bướng bỉnh và khá tự tin nên cô ni trẻ đó đã không bị nhụt chí, quyết tìm hiểu và thực hành thiền để tự mình khám phá con đường tâm linh này. Khi chưa tìm được thầy chỉ dạy, cô tự tìm đọc sách và tự ngồi thiền theo chỉ dẫn trong sách một cách rất khó khăn. Thêm nữa vì không có thầy chỉ dạy, lại nhiều công việc đa đoan nên cô đã không học và hành thiền một cách đúng đắn được. Cũng vì mày mò tự học, tự hành nên cô đã có một số kinh nghiệm ‘sai’ khi hành thiền. Sau đó cô cũng biết thêm về nhiều quan niệm sai lầm về hành thiền nữa. Bài viết này chủ yếu nói về những quan niệm và thái độ sai lầm về thiền. Đã có rất nhiều sách viết về thiền, thường là những kinh nghiệm cá nhân của các vị tiền bối trong quá khứ, những điển tích về thiền Đông độ, các câu chuyện về thiền của các vị tổ sư thiền bên Trung Quốc, những mật chú thuộc về truyền thống Kim Cang Thừa, các thần thông biến hóa nghe rất hấp dẫn, thần bí, mơ hồ, vv và vv. Những người thích góp nhặt các câu chuyện, vâng, không thiếu các câu chuyện truyền khẩu như vậy về thiền, về tâm linh, về linh nghiệm. Cũng từ những câu chuyện không thể đối chứng như vậy khiến người ta tưởng tượng thêm, gán vào thiền những giá trị mà nó vốn không có, hay đã bị cường điệu lên cho hấp dẫn để ‘dụ’ hay ‘dọa’ người ta! Cũng không thiếu những trường hợp chúng bị tam sao thất bản, khiến cho người nói ngược, kẻ nói xuôi, ai khác lại bàn ngang nên hàng hậu học, (hậu đậu như chúng con) không biết đâu mà lần.Vậy thiền là gì sẽ có một bài viết đầy đủ hơn về đề tài này. Còn trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem gì không phải là thiền, hay những lầm tưởng về thiền là ra sao. Không phải thời nay được cho là mạt pháp mới có những hiểu nhầm về thiền, mà ngay cả thời đức Phật cũng đã có những hiểu nhầm như vậy. Chính vì vậy mà Bồ Tát trước khi thành Phật mới có đến sáu năm khổ hạnh, học, nghe về thiền rồi thực hành và trải nghiệm nhiều phương pháp khác nhau trước khi đi đến một pháp hành Trung Đạo dẫn đến đại giác ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Buddhgaya). Chính vì vậy, trước khi nói về chánh định, cũng nên biết thế nào là tà định. 1. Thiền không phải chỉ là một kỹ thuật để thư giãn Mặc dù thư giãn là điều cần thiết khi thực hành thiền định, nhưng đó chỉ là một lợi ích nhỏ, một kỹ xảo mà thôi. Trong thời đại nhiều khủng hoảng và căng thẳng vì nhiều điều phải làm và loạn thứ để chơi như thời nay, một số ‘thiền sư’ xiển dương các phương pháp thiền định để có thư giãn tạm thời, nó cũng tốt cho những ai đang cần thư giãn, nghỉ ngơi trước khi bước vào cuộc chơi mới. Tuy nhiên đừng lầm tưởng thiền chỉ có như vậy. 2. Hiểu nhầm thứ hai là thiền như một phương tiện để đi vào trạng thái ‘nhập thần’ , ‘lên đồng’, ‘xuất hồn’, và phiêu diêu nơi vô cực. Đúng là có những kiểu thiền với mục đích như vậy, và cũng có những trạng thái (tạm thời) xuất thần khiến cho hành giả có vẻ như tiếp xúc được với thế giới tâm linh huyền bí. Nhưng đây là một hiểu nhầm rất tai hại, có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng và thực sự ‘tẩu hỏa nhập ma’ khi bị dẫn sai đường vì những kinh nghiệm mơ hồ, những câu chuyện liêu trai, và mong ước trở nên phi thường mà không đạt được, lại trở nên bất thường thì thật đáng tiếc. 3. Hiểu nhầm thứ ba là thiền là một phương cách thực hành huyền bí, phi lô gic và không thể hiểu được. Điều hiểu nhầm này thường được củng cố bởi những câu chuyện về công án, về thần chú, về sự đốn ngộ kỳ diệu sau một tiếng hét, một cái đập, hay một cú rơi nào đó của thiền sư ghành cho thiền sinh. Nhiều người bị ám ảnh bởi những câu chuyện đại loại như vậy. Thực ra thì thiền có thể là huyền bí, có thể phi lô gics trong ý nghĩa là nó không thể hoàn toàn được hiểu bởi cái tâm quá chật chội bởi các ý tưởng và suy luận khác nhau. Thiền là một hành trình vào nội tâm mà không đoán trước được điều gì là chắc chắn hoàn toàn, và luôn phải như vậy. Thiền là hành trình khám phá thế giới nội tại, và cũng có những cán mốc cho thấy sự tiến bộ tâm linh hay đã bị sa vào chỗ tù đọng. Ngộ cũng có thể là một khoảng khắc bừng tỉnh, rơi rụng hết các quan niệm cố chấp và giả tưởng, nhưng kinh nghiệm đó không phải là thường hằng mãi mãi để bám vào rồi chấp không, sống với vẻ khác thường, và thậm chí gàn dở. 4. Hiểu nhầm thứ tư về thiền là đây là cách thực hành nguy hiểm, người khôn ngoan và thực tế thì không nên dấn thân vào con đường nhiều rủi ro này! Hi hi … tôi đã từng bị ‘dọa’ như vậy để đừng tìm hiểu và mạo hiểm trên con đường phát triển tâm linh này. Mọi thứ đều có thể nguy hiểm, ngay cả đi bộ trên đường làng hay lái xe trên cao tốc cũng có những rủi ro nào đó không đoán trước được. Mà cứ sợ rủi ro tai nạn thì tốt nhất là cứ ngồi trong nhà, không đi đâu và không làm gì cả thì có vẻ an toàn chăng? Dấn thân vào hành trình phát triển tâm linh thì cũng nên khám phá và chiêm nghiệm cho bản thân, đừng chỉ nghe người ta nói rồi tin theo, đả kích vì hiểu sai, hóng hớt rồi phát tán tin đồn mà không tự mình tìm hiểu nguồn cơn. Khi thực hành thiền tuệ, có thể gặp trường hợp hành giả chạm vào kho tàng vô thức, đào bới lên những ‘chủng tử’ đã bị vùi sâu chôn chặt trong vô lượng kiếp. Và có thể sợ hãi, bất an khi đối diện với những ‘chúng sinh’ và ‘thế giới’ xuất hiện kiểu như vậy. Nhưng không sao, đừng sợ, đó cũng chỉ là những hiện tượng (các pháp) có nguyên nhân và điều kiện mà thôi. Chúng ‘sinh’ và ‘diệt’ tùy duyên, tùy cảnh và tùy thái độ mà bạn đối xử với chúng. Đừng bất công qui chụp và tùy ngã mà phán xét không công bằng với các pháp. 5. Hiểu nhầm thứ năm về mục đích của thiền là trở nên người siêu phàm, có thần thông quảng đại, là ‘dị nhân’ với các khả năng phi thường. Vâng, không ít người nhìn thiền như một cách thần bí, mong mỏi đạt đến những trạng thái phi thường, có thần thông và trở thành siêu nhân. Và chính mong ước này khiến họ nhìn thiền và đánh giá về thiền sai lầm, dẫn đến phi thực tế. Đầu tiên, mục đích của thiền là phát triển sự tỉnh giác, học cách tiếp xúc với chính thân thể, cảm giác, biết rõ tâm trạng và các hiện tượng đang sinh khởi trên thân và tâm trong mối tương giao với đời sống xung quanh. Chỉ khi thuần thục và không chấp trước nữa thì mới có thể ‘đọc’ được tâm của người khác. Nếu không thuần thục thì chỉ là ‘suy bụng ta ra bụng người’, và đạt đến ‘tuệ đoán mò’ mà thôi! Điều tai hại nhất của sự hiểu nhầm này là đi đến chỗ hoang tưởng về các khả năng kỳ đặc của bản thân hay của người khác. Để tránh những sự hiểu lầm kiểu này, thầy Nhất Hạnh mới nói đến “phép lạ của sự tỉnh thức”. 6. Hiểu nhầm thứ sáu lại cho rằng thiền là dành cho các bậc thánh nhân, hay chỉ cho những người có căn cơ cao, không phải cho hạng phàm phu tục tử tầm thường. Đây là một thái độ đánh giá khá phổ biến ở Á Châu nơi nhiều người xem thiền như một cái gì thần bí, siêu đẳng chỉ có các bậc thánh nhân mới làm được. Thực ra thì thiền là để cho con người tập sống với tâm cao thượng, tập đi ra khỏi những ràng buộc và các giá trị mặc định của phàm phu tục tử tầm thường. Học cách ‘làm bạn với thiện, giao hữu với thiện’ và sống với thiện tâm thiện ý không có gì là phi thường hay thánh thần cả. Bất cứ ai với cái tâm bình thường và hướng thiện cũng có thể làm được. “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, hãy quay về với cái ‘tính bổn thiện’ đó thôi, đừng quá kỳ vọng hay tưởng tượng về những cái mang tính tâm linh hư vọng mà thiền vốn không phải như vậy. Đương nhiên thánh nhân và những điều phi thường có được là nhờ thiền đúng cách, nhưng không phải thành thánh rồi mới biết thiền. 7. Hiểu nhầm thứ bảy về thiền lại cho rằng thiền là cách trốn tránh thực tại. Đây có thể là tổng số của những hiểu nhầm ở trên, và là hiểu nhầm tai hại nhất. Đối tượng chân chánh nhất của thiền là trở về với thực tại Thân, Thọ, Tâm, và Pháp đang là. Thiền không phải là đi tìm một cái gì xa vời, siêu thực, phi thường vì không chấp nhận được những cái tầm thường, nhỏ nhiệm và dung tục trong đời sống thế gian. Thực tế cần được đối diện để giải quyết, và có những phương thức để giải quyết chúng nếu chúng ta chịu khó học hỏi và cố gắng nỗ lực đúng hướng. Thiền không nên được sử dụng như một cách trốn tránh thực tại, tìm quên theo kiểu ‘phê’ như ma túy, hay chìm đắm như kiểu nghiện rượu, nghiện game hay nghiện sex. Dùng thiền định để lãng quên thực tại đang là là một sự lạm dụng, không hữu ích, và không thể nghiệm được lợi ích thiết thực của thiền tuệ (vipassana) – vốn là một cách tiếp cận thực tại với ánh sáng tuệ giác. 8. Hiểu nhầm thứ tám là thiền để có được cảm giác hứng khởi cao tột. Câu trả lời là “có’ và “không’. Đúng là thiền có thể đưa tâm trí đến những trạng thái cao hơn cái tầm thường dung tục của thế giới giác quan. Nhưng đó không phải là mục đích chính của thiền, và không phải bao giờ cũng đạt được trạng thái ‘high’, ‘đỉnh’ của ‘đỉnh’. Nếu bạn xem thiền là cách tuyệt nhất để đạt đến ‘đỉnh’ thì bạn cũng sớm thất vọng thôi. Hỷ lạc và cảm giác tuyệt vời, lâng lâng phấn khích, hay nhẹ nhàng bay bổng như không bị khống chế bởi trọng lực quả là một trạng thái của thiền được gọi là ‘hỷ lạc thiền chi’. Đó là quả ngọt của sự buông bỏ các dích mắc và đắm chìm trong dục trần, nhưng đó cũng chỉ là một trạng thái, các hiện tượng có điều kiện, không phải là mục đích chính của thiền. Đừng vì cái ‘sản phẩm phụ’; này mà tham đắm dẫn đến lạc đường rồi dừng lại ở đó, không đạt được thì cho rằng thiền vô ích, rồi thất vọng trách cứ bản thân không có khả năng thiền. 9. Hiểu nhầm thứ chín: “thiền là ích kỷ”. Có vẻ như thiền là pháp của mấy người rảnh rỗi, chỉ lo tìm hỷ lạc và thư thái cho riêng mình mà không quan tâm giúp đỡ cho thế gian đang khổ đau bộn bề. Có vẻ như các thiền sinh cứ ngồi không, lim dim mắt nhắm mắt mở trên bồ đoàn ở nơi thanh vắng, tịnh cư mặc cho thế giới điên đảo, mặc cho vợ con khốn đốn tất bật ngược xuôi. Hứng thú gì mà thiền chứ? Ngồi bất động khi trái đất và mọi thứ đang quay cuồng theo các vũ điệu tham, sân, si, ghanh đua, kèn cựa; với những được, mất, những khen chê, danh vọng và bẽ bàng, những hạnh phúc và khổ đau luân phiên bất tận. Sao không ‘chèo- chống’ cùng sóng đời mà ngồi đó vô tri? Có vẻ như thiền giả là những người ích kỷ chỉ lo cho bản thân mà không lo cho gia đình, không đóng góp cho xã hội quần sinh. Đây là những chỉ trích khá phổ biến mà những người bận rộn, những ‘activists’ – hoạt náo viên, và cả những người cho rằng mình đang làm việc của ‘bồ tát’ cứu giúp chúng sinh trong biển khổ phê phán thiền. Thử hỏi hành động theo tham sân si và các cảm xúc bốc đồng thì đóng góp tốt đẹp gì cho xã hội- nhân sinh? Mục đích chân chính của thiền là dập tắt, loại trừ các pháp chướng ngại như tham dục, sân hận, lo lắng –bất an, dã dượi – mệt mỏi, nghi ngờ do dự. Chỉ khi đã vượt qua các chướng ngại đó, làm việc và phụng sự với tâm hồn cởi mở, trong sáng và thăng bằng mới là đóng góp thiết thực nhất. Thực ra thì thiền là pháp dưỡng tâm để khi cần phải dấn thân thì hành động được tốt hơn, hữu hiệu hơn. 10. Hiểu nhầm thứ mười là: chỉ cần một vài khóa thiền rồi mọi vấn đề được giải quyết ổn thỏa. Thật xin lỗi, thiền không phải là giải pháp để ‘hô biến’ mọi vấn đề vào hư không. Thiền giúp ổn định tâm, từ đó có thể soi sáng thực tại và đối diện với các vấn đề của cuộc sống một cách bình thản, và giải quyết vấn đề một cách minh triết hơn. Không phải là cứ hành thiền rồi thì không còn vấn đề gì nữa. Cuộc sống luôn tiềm ẩn các vấn đề. Tuy nhiên giải quyết chúng như thế nào lại tùy thuộc vào tầm nhận thức và đẳng cấp của những cái tâm đã giác ngộ đến cỡ nào. Giác ngộ nhiều, buông xả tốt thì giải quyết vấn đề nhẹ nhàng và điềm tĩnh, thấu đáo hơn. Giác ngộ ít, chấp thủ nhiều thì “phúc mỏng nghiệp dày”, khó khăn và khổ đau vẫn chồng chất như mối tơ vò rối ren không biết đâu mà lần. Tâm càng sáng thì vấn đề càng rõ. Thiền giúp cho tâm sáng, minh tâm kiến tánh thành Phật – khi có thể nhìn thế gian bằng cặp mắt hiểu và thương. Trí tuệ và bi mẫn cùng đồng hành để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Mong rằng những chia sẻ về những hiểu nhầm về thiền giúp các độc giả có cái nhìn và thái độ đúng đắn – thực tế hơn với THIỀN. Bài viết sau sẽ nói về Thiền là gì? Mục đích và cứu cánh của Thiền Phật Giáo.TKN. Pháp Hỷ – Ayya Dhammananda, 15/04/2020Viết tại tự viện Liên Hoa, Irving, TX, USA. Ref. Mindfullness in Plain English by Ven. H. Gunaratana Mahathera.

Active hours

7 -11 am và 14-21 pm giờ Việt Nam

Contact Us

Tỳ kheo ni Pháp Hỷ
Tịnh thất Metta Garden, Hòa Lạc

Thôn Lập Thành, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam

Dhammaduta © 2024. All Rights Reserved.