Vị trí của Đức tin vs. sự trải nghiệm

Khi tìm kiếm một tôn giáo, người ta liệt kê Đạo Phật là một  trong những tôn giáo. Khi tìm kiếm một hệ thống triết lý xoay quanh những vấn nạn của nhân sinh và thế giới, người ta cũng thấy Phật giáo cống hiến nhiều điểm hữu ích để tham khảo hay ứng dụng vào đời sống. Khi tìm kiếm những thắc mắc về tâm lý và tâm thức, về đời sống tâm linh, người ta cũng tìm thấy những câu trả lời thích đáng trong kho tàng triết học và tâm lý đồ sộ và chi tiết của Đạo Phật. Khi tìm kiếm một niềm tin, một điểm tựa cho đời sống bấp bênh, thay đổi không ngừng với những điều không tiên lượng trước được khiến người ta suy tư: vậy đâu là ý nghĩa của kiếp người – người ta cũng có thể tìm thấy câu trả lời trong Đạo Phật. Vậy rốt cuộc Đạo Phật có phải là một tôn giáo không?

Trong bài thứ nhất, chúng ta đã có giới thiệu sơ qua về Đạo Phật như nó đã ra đời và phát triển cho đến ngày nay. Sự phát triển của Đạo Phật quả thật phong phú đa dạng đến nỗi một số tông phái Phật Giáo hiện tại đã rất khác xa với thời kỳ ban đầu. Cây cổ thụ Phật giáo đã phân nhánh trong suốt hơn 2500 năm qua. Có những cành nhánh vẫn còn tồn tại theo thời gian hàng ngàn năm, có những cành nhánh chỉ tồn tại được vài chục đến vài trăm năm. Có những nhánh khô dần rồi rơi rụng, nhưng thân cây vẫn tiếp tục đâm chồi và vươn xa đến những vùng đất mới, kết hợp với văn hóa của quốc độ mà triết lý sống Phật giáo len lỏi hòa mình cùng phát triển.

Khi vào chùa chiền hay các cơ sở thừa tự mang tính tín ngưỡng, câu trả lời quá rõ ràng: những hình thức Đạo Phật hiện tại đều là tôn giáo và tập tục hơn là một triết lý sống để đem đến giác ngộ giải thoát. Và rất tiếc, đây là hình thức đạo Phật thịnh hành nhất và được biết đến nhiều nhất ở Việt nam. Những người trí thức bắt đầu nghi ngờ những hình thức tôn giáo hay thờ phượng đó có còn là Đạo Phật nữa không? Hình thức nào mới đúng là Đạo Phật như ý chỉ mà người sáng lập – Buddha- đã hướng dẫn hơn 2500 năm trước?

Khi chúng ta đọc kinh điển nguyên thủy, nhất là những cuộc hội thoại của Đức Phật với các thanh niên Bà la môn, thì có vẻ như những gì ngài nói với họ không hề là tôn giáo. Thậm chí ngài còn mạnh dạn bác bỏ các niềm tin sai lầm, các niềm tin mù quáng hay thiếu cơ sở. Ngài cũng có vẻ không khuyến khích người ta tin vào truyền thống hay tập tục hay vào kinh điển, hay thậm chí với những gì ngài đang nói nữa. Ref. https://suttacentral.net/en/an3.65 (AN iii. 65 – Kesaputtasutta).

Và trong một bài kinh khác ở Trung bộ, Canki sutta, chúng ta thấy:

 “Này Bhāradvāja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Thế nào là năm? Niềm tin, sở thích, điều đã được nghe, cân nhắc suy tư các lý do, và chấp nhận (vì đồng) quan điểm. Này Bhāradvāja, năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Tuy vậy, này Bhāradvāja, có điều được khéo tin tưởng, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là thật, chân, không thay đổi. Lại nữa này Bhāradvāja, có điều được thích nhiều … được khéo tuyên truyền … được khéo cân nhắc suy tư … được chấp nhận phổ biến, có thể là trống không, trống rỗng, hư vọng. Trái lại, có điều không được khéo chấp nhận, có thể là thật, chân, không thay đổi. Hộ trì chân lý, này Bhāradvāja không đủ để một người có trí đi đến kết luận một chiều là: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm” (Canki sutta MN 95)

Như vậy đức tin có vẻ như không được tin tưởng lắm trong Đạo Phật. Nhiều cuộc hội thoại khác của Đức Phật với thành phần trí thức Bà la môn đều cho thấy Đức Phật bác bỏ những niềm tin mang tính tôn giáo và tín ngưỡng truyền thống. Vậy ý chỉ thực sự của bậc giác ngộ là gì? Ngài có ý định tạo ra một tôn giáo mới không? Và rốt cuộc, câu hỏi hay gặp nhất của người mới tìm hiểu Đạo Phật vẫn là: Đạo Phật có phải là một tôn giáo không?

Như chúng ta đã biết, khi xuất hiện trên thế gian, Đức Phật đã thấy rằng xã hội loài người lúc đó đã có quá nhiều quan kiến, chủ thuyết và cách hành trì khác nhau mà hai dòng chính là Brahmana- những trí thức bảo thủ theo kinh điển Vệ đà được công nhận rộng rãi, và Samana – những ẩn sĩ , du sĩ và thiền sinh không tuân thủ các luật lệ của Bà-la-môn. Trong cung điện, trước khi xuất gia, ngài được dạy bởi các Bà-la-môn theo tư tưởng chính thống, nhưng khi quan sát các thực tế trong cuộc sống quanh mình, Siddhartha thấy những lý thuyết của đạo Bà-la-môn nhiều điểm không thực tế. Vấn đề phân biệt giai cấp, vấn đề tế lễ và cầu nguyện, chiến tranh và sự tranh giành quyền lực, vv những thứ đó quấy rầy đầu óc hay suy tư, cái nhìn sâu và cách phản biện sắc bén của thái tử Tất-Đạt-Đa (Siddhartha).

Khi quyết định xuất gia ở tuổi còn trẻ, tóc còn xanh và cơ thể còn tràn đầy nhựa sống, lại chưa từng gặp thất bại trong sự nghiệp cũng như tình yêu, đi theo dòng Samana, vậy Sa môn Cồ Đàm (Gotama) tìm kiếm điều gì trong đời sống lang thang không nhà? Khi đọc bài kinh thánh Cầu (MN 26), Ref. https://suttacentral.net/vn/mn26  chúng ta thấy câu trả lời là tìm cầu giải thoát, an ổn niết bàn và các trạng thái tâm thức siêu việt vượt ra ngoài tầm kiểm thoát của Ma vương – những đam mê và sợ hãi của thân xác. Như vậy hành giả đầu tiên của Đạo Phật không tìm kiếm tôn giáo hay một hệ thống niềm tin –thực hành- phụng sự nào đó để cống hiến cuộc đời mình. Trên phương diện này, Đạo Phật không bắt đầu như một tôn giáo.

Vậy những người theo Phật sau đó và bây giờ thì sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải biết định nghĩa về tôn giáo.

Định nghĩa về tôn giáo:

1: a.  là người có tín ngưỡng; b (1) : phục vụ và kính ngưỡng Thương Đế (God – một thực thể vượt ngoài tự nhiên).(2): hiến dâng toàn tâm toàn ý cho một đức tin hay cách hành trì.

2: Một hệ thống niềm tin cá nhân hay có tổ chức của các niềm tin,hành trì và thái độ sống.

3. cổ :  sự tuân thủ nghiêm chỉnh – scrupulous conformity :  conscientiousness

4:  một nguyên nhân, nguyên tắc hay hệ thống của các niềm tin được tuân thủ đắc lực bởi niềm tin. principle, or system of beliefs held to with ardor and faith.

Theo những định nghĩa trên thì Đạo Phật không có mục b (1) mà thôi. Vậy chúng ta có thể tạm kết luận rằng ở nhiều hình thức Đạo Phật hiện tại là một tôn giáo. Tôn giáo luôn đặt sự tin tưởng lên một hay những đối tượng nào đó lên hàng đầu, nhưng trong Đạo Phật, niềm tin lại không phải là điều được nhấn mạnh, trừ Tịnh Độ Tông (Worshipers of Amitabhā Buddha) và Mật Tông (Tantrayana). Vậy những người Phật tử không theo Tịnh độ tông hay Mật tông thì họ tin vào điều gì?

Trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật không đề cập đến niềm tin. Như Bát Thánh Đạo bắt đầu bằng Chánh Kiến là sự thấy biết đúng đắn, đến Chánh Tư Duy là suy nghĩ đúng hướng. Hai yếu tố này liên hệ đến nhận thức và tư duy, không có yếu tố niềm tin ở đây. Ba chi phần tiếp theo là Chánh Ngữ – nói năng có suy xét, Chánh Nghiệp – hành động đúng đắn, và Chánh Mạng – kiếm sống lương thiện thuộc về phạm trù đạo đức làm người chân chính. Ba yếu tố sau cùng: Chánh Tinh Tấn – nỗ lực đúng cách, Chánh Niệm – nhớ nghĩ đúng lúc đúng thời, và Chánh Định – tập trung tâm đúng đắn là thuộc về tu thân và rèn luyện tâm. Những bài kinh đầu tiên gần như không đề cập đến đức tin, và ở những nơi khác nó còn bị bài xích. Vậy vị trí của đức tin hay Tín (Saddhā) là như thế nào? Trong bài Kinh ghi lại cuộc hội thoại giữa Đức Phật và Bà la môn Canki cùng với các tín đồ của ông ta, có đoạn nói về các căn cứ của niềm tin và sự đánh giá sự thật như sau:

  1. Saddhā  – Tín hay niềm tin tưởng – Faith,
  2. ruci – Được thích – Approval,
  3. anussavo – Khẩu truyền – được phát tán qua tin đồn và truyền thống – Oral Tradition,
  4. Ākāraparivitakko  – Nhận định qua suy nghĩ về hình thái xuất hiện,
  5. diṭṭhinijjhānakhanti  – khuynh hướng chấp nhận một lý thuyết mặc định.

Đức Phật đã phủ định những căn cứ này để đánh giá sự thật vì chúng có thể thay đổi kết quả khi có đầy đủ thông tin hơn.

Trong Đạo Phật, Tín được đề cập đến trong ngũ căn (5 indriya) là Tín (saddha), Tấn (Viriya), Niệm (Sati), Định (Samādhi), và Tuệ (paññā). Ref. https://suttacentral.net/vn/an5.14. Trong đó Tín cần phải cân bằng với tuệ, tức tín phải đi kèm với tuệ, không phải tin suông hay tin mù quáng thiếu cơ sở. Ngũ Lực (5 bala) cũng có tín như một sức mạnh. Như vậy trong các nhóm trợ đạo (bodhipakkhiya dhammā), tín chỉ được đề cập đến hai lần mà thôi.

Người Phật tử tin tưởng vào điều gì?

Họ được hướng dẫn quy y – có nơi nương tự nơi Tam Bảo: 1. là Phật (Buddha) là đấng giác ngộ, vị xứng đáng được cúng dường (Arahaṃ), vị Toàn Giác (sammāsambuddho), vị có đầy đủ minh – sáng suốt và hạnh – tư cách đạo đức (vijjā-caraṇa sampanno), Đấng Thiện Thệ (sugato), vị hiểu biết toàn bộ thế gian (lokavidu), Điều ngự Trượng phu (anuttaro purisa damma-saradhi), thầy của chư thiên và loài người (sattha deva-manussanaṃ), Thế Tôn (bhagavā). 2. Đối tượng tín ngưỡng thứ hai là Pháp (Dhamma) đã được khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tiền, vượt thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, có thể chứng nghiệm bởi người có trí tuệ ngay trong đời này[i]. Và 3. Là Tăng chúng (Sangha) – đoàn thể tu hành theo giáo pháp của Đức Phật với những phẩm hạnh như: khéo tu (supaṭipaṇṇo), ngay thẳng (Ujupaṭipaṇṇo) , tu tập có phương pháp (ñāyapaṭipaṇṇo), tu tập hào hợp (samipaṭipaṇṇo), bao gồm bốn đôi tám chúng – những người xứng đáng cúng dường, xứng đáng nhận phẩm vật dưng lên, xứng đáng chấp tay lễ bái, là rượng phước cho thế gian gieo nhân lành.

Niềm tin nơi Tam Bảo làm căn cứ để người Phật tử hướng thiện, họ tin vào nghiệp (Karma) và quả của nghiệp (Karma Vipaka) để chấp nhận đời sống thực tế và hướng đến đời sống tốt đẹp hơn khi gieo nhân lành trong kiếp người này. Chúng ta sẽ có bài giảng riêng về nghiệp và quả của nghiệp theo Đạo Phật. Niềm tin của người Phật tử không mang tính chất cuồng tín, do đó khi đạo Phật truyền đến Trung Quốc, Tây Tạng, Việt Nam, vv, giáo lý nhà Phật đã được hiểu và thực hành song song với niềm tin Trời – Thánh thần và vật linh có sẵn trong dân gian ở những thời kỳ đó của các dân tộc bản địa.

Trở lại với đề tài tôn giáo và niềm tin, lý trí và tri thức, khi được hỏi bởi thanh niên Bà-la-môn Kapathika- một học giả trẻ tuổi của kinh điển Vệ Đà, về việc làm thế nào để biết được đâu là chân lý, Đức Phật đã trả lời:

—Này Bhāradvāja, nếu có người có lòng tin và nói: “Đây là lòng tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây, chưa phải là giác ngộ chân lý. Này Bhāradvāja, nếu người ta có sự bằng lòng (tùy hỷ), này Bhāradvāja, nếu người ta có lòng nghe theo truyền thống (tùy văn); này Bhāradvāja, nếu có người có sự cân nhắc suy tư các lý do; này Bhāradvāja, nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Đây là sự chấp nhận quan điểm của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, chúng tôi chủ trương hộ trì và cho đến như vậy, này Bhāradvāja, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Nhưng ở đây chưa phải sự giác ngộ chân lý.

—Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chân lý được hộ trì. Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, chúng con nhìn thấy hộ trì chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào chân lý được giác ngộ? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý.”

Xây dựng niềm tin:

“—Ở đây, này Bhāradvāja, Tỷ-kheo sống gần một làng hay một thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba điều, tức là có tham,có sân,có si không. Người này nghĩ rằng: “Không hiểu vị Tôn giả ấy có tham ái hay không, do những tham ái này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy,” hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Vị Tôn giả ấy không có những điều tham, do những điều tham này tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”; hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng tham. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận; pháp ấy không thể do một người có lòng tham khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch không có những tham pháp, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các điều sân hay không: “Không hiểu vị Tôn giả ấy có sân hận hay không, do những sân hận này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những sân hận, do những sân hận này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động, khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng sân. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng sân khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những điều sân hận, người kia lại xem xét thêm vị ấy về các điều si mê hay không: “Không hiểu tôn giả ấy có điều si mê hay không, do những si mênày, tâm của vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài”. Trong khi xem xét vị ấy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có những điều si mê, do những điều si mê này, tâm vị ấy bị chi phối đến nỗi dầu không biết, vẫn nói: “Tôi biết”, dầu không thấy, vẫn nói: “Tôi thấy”, hay xui khiến người khác có những hành động khiến người ấy không được hạnh phúc, phải đau khổ lâu dài. Thân hành của vị ấy là như vậy, khẩu hành là như vậy, là hành động của một người không có lòng si. Còn Tôn giả ấy thuyết pháp, pháp ấy thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận, pháp ấy không thể do một người có lòng si khéo giảng”.

Sau khi xem xét vị ấy và thấy vị ấy trong sạch, không có những pháp si mê, người này sanh lòng tin đối với vị ấy, với lòng tin sanh, người này đến gần, khi đến gần liền thân cận giao thiệp, do thân cận giao thiệp, nên lóng tai, lóng tai, người ấy nghe pháp, sau khi nghe, liền thọ trì pháp, rồi tìm hiểu ý nghĩa các pháp được thọ trì; trong khi tìm hiểu ý nghĩa, các pháp được hoan hỷ chấp nhận; khi các pháp được hoan hỷ chấp nhận, ước muốn sanh, khi ước muốn sanh, liền cố gắng, sau khi cố gắng liền cân nhắc, sau khi cân nhắc, người ấy tinh cần. Trong khi tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ tối thượng chân lý, và khi thể nhập chân lý ấy với trí tuệ, người ấy thấy. Cho đến mức độ này, này Bhāradvāja là sự giác ngộ chân lý, cho đến mức độ này, chân lý được giác ngộ, và cho đến mức độ này, chúng tôi chủ trương sự giác ngộ chân lý. Nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.

—Cho đến như vậy, thưa Tôn giả Gotama, là giác ngộ chân lý, cho đến như vậy, chân lý được giác ngộ, và cho đến như vậy chúng con thấy giác ngộ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là chứng đạt được chân lý, cho đến mức độ nào chân lý được chứng đạt? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về sự chứng đạt chân lý.

—Này Bhāradvāja, chính nhờ luyện tập, tu tập và hành tập nhiều lần, chân lý mới được chứng đạt. Cho đến như vậy, này Bhāradvāja, là chứng đạt chân lý, cho đến như vậy, chân lý được chứng đạt, cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương sự chứng đạt chân lý.

… Nhưng trong sự chứng đạt chân lý, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự chứng đạt chân lý, này Bhāradvāja, tinh cần được hành trì nhiều. Nếu không tinh cần theo đuổi chân lý thì không thể chứng đạt chân lý. Nhưng nếu tinh cần thì chứng đạt được chân lý. Do vậy, trong sự chứng đạt chân lý, tinh cần được hành trì nhiều.

—Trong sự tinh cần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự tinh cần, này Bhāradvāja, sự cân nhắc được hành trì nhiều. Nếu không cân nhắc thì không thể tinh cần theo đuổi chân lý. Nếu có cân nhắc sẽ được tinh cần; do vậy, trong sự tinh cần, cân nhắc được hành trì nhiều.

—Trong sự cân nhắc, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự cân nhắc, này Bhāradvāja, cố gắng được hành trì nhiều. Nếu không cố gắng thì không thể cân nhắc. Nhưng nếu có cố gắng thì có cân nhắc; do vậy trong sự cân nhắc, thì cố gắng được hành trì nhiều.

—Trong sự cố gắng, Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự cố gắng, này Bhāradvāja, ước muốn được hành trì nhiều. Nếu ước muốn đối với chân lý ấy không khởi lên thì không có cố gắng. Vì ước muốn có khởi lên nên có cố gắng, do vậy, trong sự cố gắng, ước muốn được hành trì nhiều.

—Trong ước muốn, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong ước muốn, này Bhāradvāja, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều. Nếu không hoan hỷ chấp nhận pháp thì ước muốn không khởi lên. Vì có hoan hỷ chấp nhận pháp nên ước muốn khởi lên; do vậy, trong ước muốn, hoan hỷ chấp nhận pháp được hành trì nhiều.

—Nhưng trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, này Bhāradvāja, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều. Nếu không tìm hiểu ý nghĩa thì không hoan hỷ chấp nhận pháp. Và vì có tìm hiểu ý nghĩa nên có sự chấp nhận pháp; do vậy, trong sự hoan hỷ chấp nhận pháp, tìm hiểu ý nghĩa được hành trì nhiều.

—Nhưng trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự tìm hiểu ý nghĩa, này Bhāradvāja, thọ trì pháp được hành trì nhiều. Nếu không có thọ trì pháp thì không tìm hiểu ý nghĩa. Và vì có thọ trì pháp, nên có tìm hiểu ý nghĩa; do vậy, trong sự tìm hiểu ý nghĩa, thọ trì pháp được hành trì nhiều.

—Trong sự thọ trì pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự thọ trì pháp, này Bhāradvāja, nghe pháp được hành trì nhiều. Nếu không nghe pháp thì không có thọ trì pháp. Và do có nghe pháp nên có thọ trì pháp; do vậy, trong sự thọ trì pháp, nghe pháp được hành trì nhiều.

—Trong sự nghe pháp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự nghe pháp, này Bhāradvāja, lóng tai (chú tâm nghe) được hành trì nhiều. Nếu không có lóng tai thì không có nghe pháp. Và vì có lóng tai nên có nghe pháp; do vậy, trong sự nghe pháp, lóng tai được hành trì nhiều.

—Trong sự lóng tai, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự lóng tai, này Bhāradvāja, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều. Nếu không có thân cận giao thiệp thì không có lóng tai. Vì có thân cận giao thiệp nên có lóng tai; do vậy, trong sự lóng tai, thân cận giao thiệp được hành trì nhiều.

—Trong sự thân cận giao thiệp, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự thân cận giao thiệp, này Bhāradvāja, đi đến gần được hành trì nhiều. Nếu không đi đến gần thì không có thân cận giao thiệp. Và vì có đi đến gần nên có thân cận giao thiệp; do vậy, trong sự thân cận giao thiệp, đi đến gần được hành trì nhiều.

—Trong sự đi đến gần, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào được hành trì nhiều?

—Trong sự đi đến gần, này Bhāradvāja, lòng tin được hành trì nhiều. Nếu lòng tin không sanh thì không đi đến gần. Và vì lòng tin sanh, nên có đi đến gần; do vậy, trong sự đi đến gần, lòng tin được hành trì nhiều.

—Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về hộ trì chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận, và do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về giác ngộ chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về giác ngộ chân lý. Chúng con đã tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về chứng đạt chân lý. Tôn giả Gotama đã trả lời về chứng đạt chân lý. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Trong sự chứng đạt chân lý, chúng con hỏi Tôn giả Gotama về pháp nào được hành trì nhiều. Trong sự chứng đạt chân lý, Tôn giả Gotama đã trả lời pháp nào được hành trì nhiều. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về bất cứ điều gì, Tôn giả Gotama đã trả lời các điều ấy. Chúng con tùy hỷ và chấp nhận; do vậy, chúng con hoan hỷ. Thưa Tôn giả Gotama, xưa kia chúng con biết (sự phân biệt) như sau: “Và ai là những Sa-môn trọc đầu, tiện nô, hắc nô, sanh từ gót chân của Phạm thiên, và ai là những người hiểu biết Chánh Pháp”. Thật sự Tôn giả Gotama đã làm sống dậy nơi con lòng ái kính Sa-môn đối với các Sa-môn, lòng tin kính Sa-môn đối với các Sa-môn.

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.” (Canki sutta, MN 95)

Để kết luận cho bài học hôm nay, chúng ta có thể xem các nhà khoa học vĩ đại nói gì.

 “Tôn giáo trong tương lai sẽ là một tôn giáo mang tính vũ trụ. Nó phải vượt qua (khái niệm) về một Thượng đế cá nhân và tránh được giáo điều lẫn thần học. Bao trùm cả hai, tự nhiên và tâm linh, nó phải được đặt nền tảng trên ý niệm tôn giáo mà trong đó kinh nghiệm của mọi hiện tượng, tự nhiên và tâm linh, được nhìn nhận như một sự thống nhất hài hoà. Đạo Phật thỏa mãn những yêu cầu này.Nếu có một tôn giáo nào đó có khả năng trả lời cho những vấn nạn của khoa học hiện đại, tôn giáo đó chính là Phật giáo.”

“Khoa học có thể vận hành không cần tâm linh. Tâm linh có thể vận hành không  cần khoa học. Nhưng để là một con người hoàn thiện thì cần cả hai.”[ii]

Chúng ta cũng nên biết rằng để truyền bá Phật giáo, chiến tranh và áp bức các niềm tin khác chưa từng xuất hiện trong Đạo Phật – điều này khiến cho Phật giáo khác với các tôn giáo khác trong quá trình phát triển. Cũng vì vậy nó được mệnh danh là Tôn giáo của Hòa Bình.

Trong Phật giáo có hệ thống phân tích tâm thức rất chi tiết và đầy đủ gọi là Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) – điều khiến cho tâm lý học Tây phương hiện đại phải ngả mũ bái phục. Những kiến thức về tâm lý học và nhận thức học của Phật giáo mang những giá trị nhân văn và học thuật khoa học rất cao. Có những tông phái của Phật giáo chuyên đi sâu vào lĩnh vực khoa học về tâm thức này, như Chittamatra – Duy Thức Học ( Mind Only,  Skt. Cittamātra; Tib. སེམས་ཙམ་པ་), cũng gọi là Yogacara, một trong bốn[iii] trường phái lớn của triết học Phật giáo.

Phật giáo cũng dung hòa nhiều cách thức thực hành và ứng dụng cho những trình độ nhận thức khác nhau, không cần niềm tin, chỉ cần hiểu biết và cởi mở học hỏi. Phật giáo không chống lại hay mâu thuẫn với khoa học hiện đại, vì niềm tin trong Đạo Phật có được là nhờ quan sát và chiêm nghiệm thực tế. Hãy đọc Milinda Pañhā – Mi-Lin-Đa vấn đạo để biết rõ hơn.

Có những thời kỳ Phật giáo phát triển các lý thuyết về nhân sinh và thế giới rất phong phú đa dạng với những cuộc tranh luận rất thú vị và phức tạp. Ai muốn tìm hiểu về thời kỳ này và các luận thuyết đã được bàn cãi, hãy xem Kathavatthu – bộ sách thứ năm của Abhidhamma và các trước tác của Long Thụ, Thế Thân, Pháp Chất (Dharma Kirti), vv.
Và một điều rất đặc biệt nữa, đó là Đức phật đã từng tuyên bố phụ nữ cũng có khả năng giác ngộ giải thoát như nam giới. Nói tóm lại, giới tính không phải là điều quá quan trọng để là trở ngại trên con đường phát triển tâm linh theo Đạo Phật.


[i]

[ii] Mathiew Ricard and Trinh Xuan Thuan:The Quantum and the Lotus. Three Rivers Press, New York 2002,  P. 282 Einstein’s statement on religion and Science:

“The religion of the future will be a cosmic religion. It will have to transcend a personal God and avoid dogma and theology. Encompassing both the natural and the spiritual, it will have to be based on religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual, considered as a meaningful unity. Buddhism answers this description… if there are any religion that could respond to the need of modern science, it would be Buddhism.”.

“Science can operate without spirituality. Spirituality can operate without science. But man, to be complete, needs both.”

[iii] Các trường phái tư tưởng của thời kỳ Phật Giáo phát triển là: Vaibhāṣika – trường phái Phân Tích, Sautrāntika – trường phái Kinh Bộ, Yogacara – trường phái Du già, và Madhyamaka – Trung quán Luận.

Active hours

7 -11 am và 14-21 pm giờ Việt Nam

Contact Us

Tỳ kheo ni Pháp Hỷ
Tịnh thất Metta Garden, Hòa Lạc

Thôn Lập Thành, Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội, Việt Nam

Dhammaduta © 2024. All Rights Reserved.